Trở lại Tổng Kim

Người Mông sau những cuộc di cư đã chọn mảnh đất lành này làm nơi trú ngụ, qua bao thế hệ, họ sống thuận hòa với người dân bản địa và trở thành một phần của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Từ bỏ cuộc sống du canh du cư, với sự cần cù, chịu khó họ đang viết tiếp những câu chuyện trên hành trình dựng xây cuộc sống mới.

Sau nửa tiếng xe chạy ngược dốc từ trung tâm xã Vĩnh Yên (Bảo Yên) chúng tôi cũng đến được Lùng Ác. Như phong tục tập quán của người Mông bao đời nay, ở Lùng Ác vẫn còn nhiều căn nhà trình tường, lợp mái gianh, mái dốc hai bên.

Từ đây phóng tầm mắt ra xa thấy cả cánh đồng Khuổi Lếch, Khuổi Phường, Nà Pồng... với dòng Nặm Luông uốn lượn. Ngoảnh lại dãy núi sau lưng là ranh giới tự nhiên với tỉnh Hà Giang, phía bên kia sườn núi là xã Yên Thành, huyện Quang Bình.

Giữa trưa nắng, người lớn vẫn còn trên nương, những căn nhà vắng ngắt chỉ có lũ trẻ nhỏ túm tụm bên hiên.

Lùng Ác trước đây là một bản với khoảng 40 nóc nhà, nay được sáp nhập với bản Nặm Soong, Tổng Kim và lấy tên là Tổng Kim - một tên gọi được đặt từ thời Pháp thuộc, bản mới nay có 120 hộ. Anh Lý Chiến Sách, cán bộ xã phụ trách thôn bảo, trước đây vốn là một bản rồi nên việc nhập lại không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt của bà con.

Mang sự tò mò về địa danh Lùng Ác, tôi hỏi những người già trong bản thì theo tiếng Tày “ác” hay “mạt ác” là cây giang, “lùng” là thung lũng. Ngày trước khu vực Lùng Ác là thung lũng toàn cây giang nên có lẽ tên gọi bắt nguồn từ đây.

Anh Lý Chiến Sách chia sẻ, anh chỉ được nghe kể trước đây người Mông di cư từ Bắc Hà, Si Ma Cai về thì cái tên Lùng Ác đã có rồi. Ở bản Tổng Kim này, ngoài Lùng Ác thì còn có các xóm dân cư khác như Nặm Mèng, Đồi Gianh, Nặm Soong, tất cả đều gọi theo thế núi, thế đất ở đây mà ra.

Trước đây chưa có đường bê tông xuống trung tâm xã có việc gì phải đi bộ từ sáng đến trưa, nhưng mấy năm nay có đường bê tông, cuộc sống của bà con cũng theo đó mà khấm khá dần lên.

Đưa chúng tôi đến Nặm Mèng - xóm dân cư được đặt theo con suối chảy từ đỉnh Lùng Ác về, được xem là trù phú nhất bản Tổng Kim, anh Lý Chiến Sách cho biết: Ở đây nhà nào cũng có 2 - 3 vạn cây quế (mỗi ha khoảng 8.000 cây), bà con trồng dày để đến năm thứ 3 là có thể tỉa thưa bán cành, lá.

Hơn chục năm cây quế bén rễ ở mảnh đất này, cũng là chừng ấy năm cuộc sống của người dân nơi đây có nhiều biến chuyển lớn lao, những căn nhà xây kiểu biệt thự là thành quả từ lứa quế đầu tiên. Chỉ vài năm nữa thôi, ở Nặm Mèng sẽ chẳng thiếu gì tỉ phú, bởi có những hộ như gia đình anh Ly A Chảo, Vàng A Hồ đang có trong tay gần 10 vạn cây quế.

Từ Nặm Mèng, màu xanh của quế đang phủ lên khắp triền núi Tổng Kim. Chỉ tay về đồi quế bạt ngàn trước mắt, anh Sách kể rằng, ngày xưa chỗ ấy toàn nương sắn, bà con làm lụng vất vả mà thu nhập chẳng được là bao lại làm bạc màu đất.

Những năm gần đây, cây quế được giá nên chẳng ai bảo ai, nhà nào nhà nấy đua nhau trồng. Vĩnh Yên là thủ phủ quế của Bảo Yên, bà con người Tày có nhiều kinh nghiệm trồng, nên dân Tổng Kim chẳng cần phải đi đâu xa để học hỏi, cứ đi một vòng quanh xã sẽ thấy nhiều mô hình hay để làm theo. Lại thêm cách đây mấy năm, ở gần trung tâm xã có xây dựng một nhà máy chiết suất tinh dầu quế thế là chẳng cần phải lo đầu ra.

Giữ lại màu xanh

Cuộc sống đổi thay nhờ rừng nên người Mông nơi đây coi việc giữ rừng như một lẽ tự nhiên. Ở trung tâm bản Tổng Kim có một khu rừng cấm, vào dịp tháng Giêng hằng năm, người Mông nơi đây vẫn tổ chức lễ cúng rừng cầu mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm.

Người già ở bản kể: Trước đây, Tổng Kim nhiều rừng lắm nhưng cuộc sống nghèo khó khiến bà con chưa ý thức được rừng không phải vô tận, cứ mải miết đốt rừng làm nương, những cánh rừng dần bị đốn hạ, trồng lúa nương chỉ được vài vụ đầu rồi cũng mất mùa, cuộc sống cứ quẩn quanh nghèo đói.

Từ khi được địa phương tuyên truyền, vận động, người Mông nơi đây đã chuyển sang canh tác ruộng bậc thang cấy lúa nước. Ấy cũng là lúc họ ý thức được muốn có nguồn nước thì phải giữ rừng. Cánh rừng thiêng là nguồn sinh thủy của bản, bảo vệ giữ gìn cánh rừng ấy cũng là cách để người Mông nơi đây tri ân sự cưu mang, chở che của rừng suốt bao đời nay.

Anh Lù Sào Vư, nhà ở gần khu rừng cấm cho biết: Bà con đã xây dựng hương ước để bảo vệ rừng, ai chặt cây sẽ bị phạt rất nặng. Cánh rừng ở giữa bản cũng như phên dậu bảo vệ cả khu rừng tự nhiên rộng lớn trên đỉnh Lùng Ác, anh bảo muốn đi lên khu rừng tự nhiên phải qua rừng cấm, qua bản Lùng Ác cũ, bởi thế chẳng có người lạ nào có ý định xấu mà qua được mắt bà con.

Trưa nắng, những cơn gió đầu hè bắt đầu phả hơi nóng về nhưng ở Lùng Ác - Tổng Kim nơi những đồi quế trùng điệp nối nhau, tiếng lá rừng xào xạc như reo vui, cái nắng cũng dịu lại.

Đi trên đường bê tông giữa ngàn vạn quế ken dày, chúng tôi cảm nhận rõ hơn vì sao người Mông nơi đây yêu rừng và quý rừng đến thế.

Tổng Kim là bản đặc biệt khó khăn của xã nhưng những năm gần đây nhờ phát triển kinh tế rừng, cuộc sống bà con đã được nâng lên, góp phần nâng cao thu nhập bình quân chung của xã từ đó hoàn thành tiêu chí thu nhập của xã nông thôn mới.

Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Yên Hoàng Tuấn Anh

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với anh Lý Chiến Sách bị cắt ngang bởi tiếng trò chuyện của những người dân vừa trở về sau buổi sáng chăm sóc đồi quế.

Bà Giàng Thị May phấn khởi cho biết: Năm nay, gia đình tỉa thưa để lấy tiền sắm chút đồ dùng trong gia đình và có tiền đóng học cho con. Cây quế như của để dành của bà con khi nào có việc mới khai thác trắng đồi còn lại chỉ tỉa bán dần bởi càng để lâu càng được giá.

Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Yên Hoàng Tuấn Anh cho biết: Tổng Kim là bản đặc biệt khó khăn của xã nhưng những năm gần đây nhờ phát triển kinh tế rừng, cuộc sống bà con đã được nâng lên, góp phần nâng cao thu nhập bình quân chung của xã từ đó hoàn thành tiêu chí thu nhập của xã nông thôn mới.

Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư đổ bê tông các tuyến đường liên thôn, liên gia khu vực Tổng Kim để thuận lợi hơn cho bà con đi lại và vận chuyển nông sản.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tro-lai-tong-kim-post369609.html