Trợ lực cho khát vọng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên

Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh tham quan “Không gian sáng tạo trẻ” khối trường học, đặt tại Trung tâm Phát triển giáo dục quốc tế Sunshine, thuộc MITC. Ảnh: THÚY HẰNG

Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang ngày càng lan tỏa trong học sinh, sinh viên (HSSV); khơi dậy khát vọng khởi nghiệp trong thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để hoạt động này ngày càng chất lượng, cần phải có sự chung tay, hỗ trợ từ nhiều cấp, ngành, doanh nghiệp…

Đa dạng hóa sân chơi khởi nghiệp

Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung (MITC) phối hợp với Hội đồng Khởi nghiệp quốc gia, Sở KH-CN và Tỉnh đoàn vừa phát động cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo MITC Startup năm 2022 với chủ đề Đạo đức - Sáng tạo - Công nghệ - Kết nối. Đây là lần thứ 7 cuộc thi này được nhà trường tổ chức với mục đích lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đến cộng đồng HSSV, thanh niên nói chung, qua đó tạo diễn đàn học tập, trao đổi những kiến thức cơ bản và cần thiết trong khởi nghiệp; đồng thời tìm kiếm và tôn vinh những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp xuất sắc để từ đó hỗ trợ các hoạt động sáng tạo khởi nghiệp trong HSSV, thanh niên.

TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng MITC cho biết: Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp được tổ chức thường niên chính là sân chơi, là cơ hội cho các em thể hiện ý tưởng, tìm kiếm cơ hội để biến ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình thành hiện thực. Để HSSV tiếp cận, tìm hiểu rõ hơn về phong trào khởi nghiệp, thời gian qua, MITC đã tổ chức nhiều diễn đàn, tạo cơ hội cho HSSV giao lưu với các startup, những diễn giả nổi tiếng hiện là các doanh nhân thành đạt, có sức hút trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Điều đáng mừng là hiện nay cùng với việc xây dựng “vườn ươm”, các trường cao đẳng, đại học đã chú ý tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp để giúp sinh viên vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong HSSV.

Không chỉ có thế mạnh về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, MITC hiện là đơn vị dẫn đầu về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong HSSV trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018, MITC đã thành lập Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo. Hiện trung tâm này kết nối vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; kết nối khai thác hiệu quả các nguồn lực quốc gia. Nhà trường cũng đã đầu tư khu không gian làm việc chung nhằm ươm tạo các dự án khởi nghiệp của HSSV trên toàn tỉnh. Đặc biệt, cuối năm 2021 vừa qua, Tỉnh đoàn và MITC đã triển khai mô hình điểm “Không gian sáng tạo trẻ” khối trường học, đặt tại Trung tâm Phát triển giáo dục quốc tế Sunshine, thuộc MITC.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Trần Minh Trí cho biết: Không gian sáng tạo trẻ là địa điểm phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển các ý tưởng sáng tạo phục vụ nhu cầu tham quan, học tập của đoàn viên thanh viên, HSSV trên địa bàn tỉnh. Đây là mô hình đầu tiên tại Phú Yên không chỉ giúp các bạn trẻ phát huy khả năng sáng tạo, mà còn là cơ hội để đoàn viên thanh niên, HSSV vận dụng kiến thức đã học tạo ra các sản phẩm, mô hình, biến ý tưởng của mình thành hiện thực, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Em Đoàn Lâm Hân, cựu học sinh Trường THCS và THPT Chu Văn An (huyện Đồng Xuân) cho biết: Em từng tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do MITC tổ chức vào năm 2019 và đạt giải nhì với dự án Milk Tea Pet’s. Khi biết em đoạt giải, các bạn trong trường rất ngạc nhiên, vì các bạn cho rằng học sinh thì làm gì có khả năng xây dựng ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên theo em, nếu chúng ta có sự đam mê thì dù là HSSV cũng có thể xây dựng ý tưởng, nuôi dưỡng ước mơ trở thành doanh nhân. Dù khởi sự kinh doanh sau đó không mấy thành công nhưng em không hối tiếc. Đối với em, đó vẫn là những trải nghiệm quý báu và là bài học để mình bước đi vững vàng hơn nếu tiếp tục khởi nghiệp.

Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung ký kết hợp tác với Công ty TNHH Nhân lực AKANE về việc hỗ trợ HSSV xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Ảnh: CTV

Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung ký kết hợp tác với Công ty TNHH Nhân lực AKANE về việc hỗ trợ HSSV xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Ảnh: CTV

Kết nối nhà trường và doanh nghiệp

Hiện đã có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của HSSV. Theo đó, các học viện, trường đại học, cao đẳng sẽ chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của nhà trường để hỗ trợ các hoạt động, ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV.

Theo Hồ Xuân Long, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở KH-CN), khởi nghiệp đang là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của xã hội, đặc biệt là những người trẻ. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào, ý tưởng nào cũng có thể khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công. Để hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thực hiện hiệu quả, rất cần sự chung tay của các ngành, cấp và sự đồng hành của doanh nghiệp để tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy hoạt động đi vào chiều sâu.

Khát khao khởi nghiệp nhưng sẽ phải bắt đầu từ đâu là điều luôn được các bạn trẻ đặt ra. Để giúp các bạn trẻ có được một tư duy logic trực quan và thực tế nhất, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhân lực AKANE thẳng thắn nói: Ý tưởng khởi nghiệp mới chỉ là nụ, giải pháp là hoa, hành động là quả. Muốn các ý tưởng, dự án, công ty khởi nghiệp hình thành, tồn tại và phát triển một cách thuận lợi thường trải qua nhiều giai đoạn, quá trình. Chỉ cần một vài yếu tố chưa phù hợp, chưa thuận lợi, chưa chín muồi hoặc chưa đầy đủ thì dẫn tới những ý tưởng, dự án khởi nghiệp đó gặp khó khăn, thậm chí có thể bị thất bại hoặc sụp đổ. Chính vì vậy, để thành công dù chỉ là bước đầu thì cần nhiều yếu tố. Đầu tiên là ý tưởng cần có tính thực tiễn, xã hội có nhu cầu. Thứ hai là tài chính, tức là khởi nghiệp cần có tiền. Thứ ba là phải am hiểu, nhạy bén nắm bắt cơ hội ở thương trường. Thứ tư là vốn xã hội, tức là khởi nghiệp thì phải có những trang bị về cách ứng xử, giao tiếp, quan hệ để tìm được những người đồng sáng lập, đối tác, cố vấn và nhà đầu tư đồng hành. Và cuối cùng, quan trọng hơn hết chính là các bạn cần phải có tinh thần khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp là sự đam mê, khát khao làm giàu chân chính, sự yêu thích kinh doanh và mang đến những giá trị thực cho cộng đồng xã hội.

Ngoài việc đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, việc kết nối chặt chẽ và thường xuyên hơn giữa nhà trường với doanh nghiệp là giải pháp đang được các trường triển khai nhằm thực hiện tốt đề án Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025. Chúng ta không nên tham vọng có bao nhiêu cơ sở đào tạo có doanh nghiệp khởi nghiệp, mà quan trọng là khơi dậy, lan tỏa tinh thần, động lực khởi nghiệp cho HSSV. Để làm được điều này, đối với HSSV bên cạnh việc học tập trên lớp, cần biết vận dụng, ứng dụng kiến thức, kỹ năng đã học trong cuộc sống, hoạt động khởi nghiệp.

Ngoài những giờ học trên giảng đường, các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sẽ giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm thực tế, phát triển năng lực kinh doanh của bản thân. Ngoài ra, những buổi tham quan doanh nghiệp, hội thảo chuyên đề, workshop giao lưu với các doanh nhân trẻ thành đạt cũng sẽ giúp các bạn học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tế, đồng thời mở rộng mạng lưới quan hệ tích cực cho hoạt động kinh doanh sau này.

Ông Huỳnh Thanh Vạn, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp quốc gia khu vực phía Nam

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/272663/tro-luc-cho-khat-vong-khoi-nghiep-cua-hoc-sinh-sinh-vien.html