Trợ lý Tổng thống Putin lên tiếng liên quan kinh tế Nga
Ông Boris Tito - Trợ lý Tổng thống Nga kêu gọi nới lỏng chính sách tiền tệ khẩn cấp khi nền kinh tế Nga cho thấy có dấu hiệu căng thẳng.
Ngày 14-7, ông Boris Titov - Ủy viên tổng thống về quyền của doanh nhân Nga - nhận định rằng nền kinh tế Nga đang có dấu hiệu căng thẳng và chính sách tiền tệ cần phải được nới lỏng nhanh chóng để tránh suy thoái thêm, theo đài RT.
Ông Titov có phát ngôn trên khi bình luận về cuộc khảo sát mới của Viện Dự báo Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đối với tình hình doanh nghiệp công nghiệp và cơ sở hạ tầng trong mùa xuân vừa qua.
“Kết quả, dù đã được dự đoán, nhưng không mấy khả quan” - ông Titov viết trên mạng xã hội Telegram, chỉ ra sự sụt giảm trong hoạt động đầu tư.

Ông Boris Titov - Ủy viên tổng thống về quyền của doanh nhân Nga. Ảnh: Vladimir Smirnov/TASS
Theo báo cáo này, chưa đến một nửa số doanh nghiệp hiện đang đầu tư, giảm so với mức 64% so với năm trước. Chỉ 35% đang chuẩn bị khởi động sản xuất mới giảm so với mức 50%.
Khả năng tiếp cận tín dụng cũng xấu khi chỉ 32,5% doanh nghiệp cho rằng các khoản vay đầu tư là có thể chấp nhận được, giảm so với gần 40% trước đó. Tỉ lệ những doanh nghiệp đầu tư mà không vay vốn đã gần như tăng gấp đôi, từ 24% lên 43,7%. Ngày càng nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ sự lo ngại về nhu cầu trong nước suy yếu.
“Nếu tình hình không thay đổi, các vấn đề sẽ gia tăng” - ông Titov cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh rằng “chính sách tiền tệ cần được nới lỏng khẩn cấp.
Trợ lý tổng thống Nga nói rằng ngoài lĩnh vực quốc phòng, nền kinh tế Nga đang cần tín dụng giá rẻ. Ông nhận định mức tăng trưởng hiện tại chủ yếu được thúc đẩy bởi đà từ những thành tựu trước đó.
Ngân hàng trung ương Nga đã cắt giảm lãi suất cơ bản 1% trong tháng 6, xuống còn 20% với lý do lạm phát giảm. Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2022, khi ngân hàng trung ương áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt để ổn định nền kinh tế trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Kinh tế Nga đã hoạt động dưới các lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022. Tuy vậy, Nga vẫn vượt qua các dự báo, với GDP tăng 4,1% vào năm 2023 và 4,3% vào năm 2024. Hiện Nga là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới theo sức mua tương đương (PPP), điều chỉnh theo sự khác biệt về chi phí sinh hoạt giữa các quốc gia.
Tháng trước, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Maksim Reshetnikov cảnh báo rằng nền kinh tế Nga có thể bắt đầu chững lại, lưu ý rằng xu hướng này phụ thuộc nhiều vào chính sách, đặc biệt lãi suất.
Ngân hàng Trung ương Nga dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại còn 1-2% vào năm 2025, trong khi chính phủ lạc quan hơn với dự báo 2,5%.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tro-ly-tong-thong-putin-len-tieng-lien-quan-kinh-te-nga-post860380.html