Trở ngại lớn nhất của thương mại điện tử

Phát triển thương mại điện tử được coi là một trong những động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cho rằng, hiện vẫn còn nhiều rào cản, trong đó trở ngại lớn nhất là môi trường chính sách pháp luật.

Chính sách quản lý nhiều, hỗ trợ hạn chế

Tại hội thảo "Phát triển nền tảng thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng", do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 31.10, ông Nguyễn Thanh Hưng, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của nước ta tăng nhanh trong thời gian qua. Nếu như quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2015 chỉ khoảng 4 tỷ USD thì đến năm 2025, quy mô này có thể đạt tới 49 tỷ USD. Mặc dù con số này thấp hơn so với mức 57 tỷ USD được Google dự báo trước đó, song đây vẫn là mức tăng trưởng tốt. Riêng trong năm 2022, dự báo tăng trưởng có thể đạt 28%, là mức cao nhất trong khu vực ASEAN.

Theo đại diện doanh nghiệp này, thương mại điện tử của Việt Nam dù có nhiều tiềm năng song đang đứng trước nhiều trở ngại lớn. Đầu tiên, thanh toán trực tuyến vẫn chiếm 86% giao dịch bằng tiền mặt, vì bên cạnh thói quen thì lòng tin vào người bán online vẫn là vấn đề đáng lo ngại.

Bên cạnh đó là trở ngại về hoàn tất đơn hàng (người mua hàng mong muốn nhận được hàng chỉ sau vài giờ thực hiện giao dịch thay vì 1 - 2 ngày như trước); khó thu hút đầu tư nước ngoài; nguồn nhân lực còn hạn chế; sự chênh lệch phát triển thương mại giữa các địa phương, vùng miền còn quá lớn khi 70% tập trung ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Trở ngại lớn nhất, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, là môi trường chính sách pháp luật. Mặc dù những năm gần đây, cơ quan quản lý đã có tinh thần cởi mở hơn nhiều, đã tích cực lắng nghe phản biện nhưng vai trò của các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp vẫn chưa được thể hiện rõ. Đi tìm chính sách hỗ trợ mô hình kinh doanh mới hay tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì gần như chưa thấy chính sách cụ thể nào. Thậm chí, có những quy định sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn hơn, như trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) yêu cầu tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số phải thực hiện thêm trách nhiệm “kết nối, cung cấp dữ liệu, thông tin theo thời gian phục vụ hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, đại diện VECOM nêu rõ.

Chia sẻ với ý kiến này, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM cho rằng, đây là thực tế không chỉ với lĩnh vực thương mại điện tử. "Kể cả có chính sách hỗ trợ đi chăng nữa thì vấn đề thực thi cũng không hề đơn giản”, bà Thảo nhấn mạnh.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương xác nhận, quy định quản lý đối với thương mại điện tử thì nhiều song các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn hạn chế. Dù vậy, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đã “đi đầu trong xây dựng cơ chế hỗ trợ”, như giảm phạm vi cấp phép cho hoạt động thương mại điện tử, quy định rõ đối với hàng hóa thương mại điện tử, cách thức quản lý nguồn gốc và truy xuất…

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Minh Châu

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Minh Châu

Từ bỏ tư duy đẩy khó cho người dân, doanh nghiệp!

Theo các chuyên gia, phát triển nền tảng thương mại điện tử sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng. Thực tế, dù thương mại điện tử bùng phát song các nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam rất “thăng trầm”, ông Nguyễn Thanh Hưng nhận xét. Minh chứng là từ năm 2001 đến nay, không dưới 10 nền tảng từng “làm mưa làm gió” thời điểm ra mắt, song hiện “hầu như không còn nghe nhắc đến”, như VCD Siêu thị, GoPhatdat, Muachung, Zalora…

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững, các chuyên gia lưu ý, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Mấu chốt là “các cơ quan quản lý cần phải từ bỏ thói quen, tư duy làm chính sách là cái gì khó đẩy cho người dân và doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Trên cơ sở khảo sát 284 sàn thương mại điện tử, ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, trước khi đề xuất các quy định, cơ quan quản lý cần nhìn nhận, xác định đúng bản chất của các mô hình thương mại điện tử. Đồng thời, phải bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật, có quy định khuyến khích sự phát triển như cơ chế thử nghiệm (sandbox).

Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam bổ sung, cần tăng cường truyền thông để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Hiện có 1,4 triệu tỷ đồng trong nền kinh tế là tiền mặt. Chỉ cần giảm 3,5% trong số này sẽ giúp nền kinh tế có nguồn vốn lớn để phát triển. Do đó, cũng cần tăng tính kết nối giữa các sàn thương mại điện tử với thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để sớm mở ra ít nhất 2 cổng thanh toán bán lẻ trở lên, nếu không sẽ không giải quyết được tình trạng tắc nghẽn, nhất là trong trường hợp bị tấn công (hack).

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/tro-ngai-lon-nhat-cua-thuong-mai-dien-tu-i305437/