Trở ngại từ Mỹ kìm hãm ô tô Trung Quốc tràn vào Nga

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến vấn đề thanh toán giữa Nga và Trung Quốc trở nên khó khăn, ảnh hưởng tới việc doanh nghiệp Nga nhập khẩu ô tô Trung Quốc.

Chiếm lĩnh thị trường ô tô Nga

Trung Quốc gần như đã chiếm hơn một nửa thị trường ô tô Nga kể từ khi các đối thủ phương Tây rút lui, mang theo công nghệ và bí quyết của họ sau khi Moscow đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022.

Các công ty Trung Quốc như Great Wall Motor, Geely và Chery đã đẩy mạnh xuất khẩu ô tô vào Nga cũng như hợp tác với chính phủ Nga để khởi động lại ngành sản xuất ô tô vốn từng phát triển mạnh mẽ của nước này.

Doanh số bán hàng của Zeekr tại Nga tăng vọt khi các thương hiệu Trung Quốc lấn át thị trường xe điện trong nước nhỏ bé (Ảnh: Reuters)

Doanh số bán hàng của Zeekr tại Nga tăng vọt khi các thương hiệu Trung Quốc lấn át thị trường xe điện trong nước nhỏ bé (Ảnh: Reuters)

Kết quả là, doanh số bán ô tô của Nga đang bùng nổ trở lại, với doanh số tăng 75% trong năm nay, đạt hơn 700.000 chiếc, theo Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (AEB) tại Nga.

Theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu ô tô của Trung Quốc sang Nga đã tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái lên 4,86tỷ USD trong tháng 1-5 năm nay.

AEB cho biết trong số 130.715 xe ô tô mới được bán ra vào tháng 6, có 69.400 xe được nhập khẩu từ Trung Quốc. Nga hiện là thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất của Trung Quốc.

Các nhà máy sản xuất ô tô và nhập khẩu chính thức chủ yếu cung cấp các sản phẩm thay thế giá rẻ cho các mẫu xe giá rẻ cốt lõi của Renault, Hyundai, Kia, Skoda và Volkswagen – những mẫu xe cạnh tranh với thương hiệu được ưa chuộng tại địa phương là Lada để giành vị trí trong top 10.

Dẫn đầu danh sách nhập khẩu là Chery Tiggo 7 Pro Max, tiếp theo là Changan CS55 Plus và Omoda C5, một mẫu xe khác của thương hiệu Chery. Tất cả đều là SUV.

Những chiếc xe Trung Quốc khác được sản xuất tại Nga, hoặc được sản xuất một phần. Trong số các quốc gia sản xuất ô tô toàn cầu, Trung Quốc là nước duy nhất sẵn sàng bỏ qua hành động hiếu chiến của Nga ở châu Âu, khiến Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhờ nước láng giềng phía nam giúp xây dựng lại ngành công nghiệp ô tô của mình.

Nhà máy cũ của Renault tại Moscow là nhà máy đầu tiên khởi động lại, lắp ráp các ô tô tháo rời từ JAC và gắn nhãn hiệu Moskvitch, một thương hiệu Liên Xô được hồi sinh lần cuối tại nhà máy này vào năm 2002.

Công ty cho biết, từ việc sản xuất xe Dacia Dusters và Renault Arkana mang thương hiệu Renault, nhà máy hiện lắp ráp nhiều mẫu xe Moskvich do JAC cung cấp và sẽ bổ sung thêm một mẫu SUV nữa vào tháng 10.

Một thương hiệu xe khác của Liên Xô đang trên con đường hồi sinh là Volga, thương hiệu xe cũ được các quan chức cấp trung của Liên Xô ưa chuộng, sẽ được đổi tên thành Trường An.

Vướng trở ngại thanh toán

Dưới áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, các vấn đề thanh toán giữa Nga và Trung Quốc đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với việc nhập khẩu ô tô Trung Quốc của Nga.

Moscow và Bắc Kinh đã dùng đến các bước phức tạp để cố gắng tránh sự chậm trễ trong thanh toán, bao gồm giải pháp tạm thời thông qua các ngân hàng khu vực nhỏ của Trung Quốc.

Chery Tiggo 7 Pro Max dẫn đầu bảng xếp hạng nhập khẩu của Nga.

Chery Tiggo 7 Pro Max dẫn đầu bảng xếp hạng nhập khẩu của Nga.

Ông Alexei Podshchekoldin, chủ tịch Hiệp hội các đại lý ô tô Nga, cho biết vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với các nhà nhập khẩu nhỏ, những người chứng kiến khoản thanh toán bị trả lại.

Kết quả là Trung Quốc sẽ xuất khẩu ít hơn, trong khi các nhà nhập khẩu Nga sẽ mất đi hoạt động kinh doanh và có thể phải đối mặt với chi phí tăng thêm.

“Ngay cả khi một ngân hàng Nga ở Trung Quốc cung cấp dịch vụ cho các tài khoản bằng đồng rúp, thì các giao dịch với Trung Quốc cũng không thể được thực hiện nữa”, ông Podshchekoldin cho hay.

"Vấn đề này rất lớn, ngay cả những nhà sản xuất trong nước lớn nhất của chúng tôi, những người mua phụ tùng thay thế, cũng đã phải đối mặt với vấn đề này", ông Podshchekoldin nói về các khoản thanh toán, hy vọng một ngân hàng chung hoặc một số loại biện pháp điện tử nào đó sẽ cung cấp giải pháp.

Ông cũng đưa ra ý tưởng về trao đổi hàng hóa, nhưng cho biết sẽ không thực tế nếu chính quyền thống nhất giá cho ô tô và phụ tùng thay thế thay vì giá nguyên liệu thô cơ bản.

"Điều này có thể thực hiện được đối với các mặt hàng như dầu, lúa mì, đường và khí đốt. Nhưng làm sao bạn có thể làm được điều đó với ô tô? Rất khó, gần như không thể thực hiện được", ông nói.

Hải Đăng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tro-ngai-tu-my-kim-ham-o-to-trung-quoc-tran-vao-nga-d113220.html