Trở về từ Ukraine, thương binh nặng của Nga được điều trị, phục hồi như thế nào?

Một lượng lớn quân nhân Nga từ mặt trận Ukraine trở về hậu phương trong tình trạng bị khuyết tay khuyết chân, nhiều người hứng chịu các căng thẳng tâm lý hậu chấn thương. Tại quê nhà, họ đối mặt với những ánh mắt ái ngại và hành trình gian khổ để phục hồi phần nào.

Aleksandr chỉ có 2 tuần huấn luyện tại Nga trước khi được gửi ra tiền tuyến ở Ukraine vào mùa hè năm 2023. Khoảng một tháng sau, anh đã trở thành thương binh, bị cắt cụt chi. Giờ đây anh sẽ phải mất thêm nhiều thời gian hơn cả mức 2 tuần để học cách sống mà không có chân phải.

Chân giả cho thương binh Nga Aleksandr (ngồi xe lăn) tại Viện an dưỡng Rus ở ngoại ô Moscow. Ảnh: Nytimes.

Chân giả cho thương binh Nga Aleksandr (ngồi xe lăn) tại Viện an dưỡng Rus ở ngoại ô Moscow. Ảnh: Nytimes.

Aleksandr, 38 tuổi, nói: “Ban đầu rất đau, nhưng rồi bộ não của mình sẽ điều chỉnh để mình quen với trạng thái này”. Người cựu binh này chỉ dùng tên riêng theo đúng giao thức quân đội Nga.

Viện an dưỡng quân nhân

Aleksandr trả lời phỏng vấn tại một viện an dưỡng ở ngoại ô Moscow trong lúc một bác sĩ lắp chân giả cho anh. Aleksandr là một trong hàng trăm binh lính Nga trở về hậu phương sau khi tham chiến tại Ukraine. Các cơ quan chính phủ của Nga đang phải tất tả lo công tác chăm sóc cho các cựu binh như anh trong bối cảnh Nga hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tính toán của các hãng tin Nga độc lập cho rằng Nga có khoảng 300.000 thương binh nặng. Các tính toán này dựa trên các số liệu nguồn mở. Phải đến năm 2023, chính phủ Nga mới bắt đầu xếp một số dữ liệu thống kê như vậy vào diện thông tin mật.

Aleksandr cho biết, sau khi được điều tới ngoại vi thị trấn Kupiansk ở tỉnh Kharkov (Ukraine), anh nhận được lệnh đào chiến hào trong một khu vực mà các tân binh đã gài mìn hôm trước đó. Anh không biết liệu quả mìn mà mình giẫm lên là của Nga hay của Ukraine. Anh chỉ biết là sau đó chân phải của mình đã bị cắt cụt đến đầu gối và anh đã mất nửa năm di chuyển như con thoi giữa các bệnh viện trước khi được gắn chân giả.

Trở lại Nga làm thợ hàn, Aleksandr hiện phải làm ca kéo dài 12 tiếng đồng hồ mặc dù những người lắp chi giả như anh được khuyên chỉ dùng thiết bị đó mỗi lần chỉ hơn vài tiếng đồng hồ. Dù sao anh vẫn cảm thấy mình may mắn vì còn sống sót nơi lửa đạn.

Liệu pháp mát-xa nước tại Viện an dưỡng Rus dành cho thương binh Dima - người bị liệt hai chân do một mảnh đạn pháo găm vào lưng tại mặt trận Kursk. Ảnh: Nytimes.

Liệu pháp mát-xa nước tại Viện an dưỡng Rus dành cho thương binh Dima - người bị liệt hai chân do một mảnh đạn pháo găm vào lưng tại mặt trận Kursk. Ảnh: Nytimes.

Viện an dưỡng Rus, nơi Aleksandr từng được điều trị, kết hợp điều trị y tế và các hoạt động giải trí thư giãn để hồi phục sức khỏe và chức năng cho thương binh. Yuri A. Pogorelov, chuyên viên làm chân giả cho Aleksandr cho biết Viện an dưỡng này đã sản xuất 100 chi giả trong năm qua (2024), dựa trên vật liệu nhập khẩu từ Đức cũng như một số công nghệ nội địa. Chỉ có một số lượng nhỏ chi giả là dành cho các cựu binh tham chiến ở Ukrraine.

Viện an dưỡng thương binh Rus vốn là nơi nghỉ dưỡng dành cho cán bộ cấp cao Liên Xô thời trước. Nay viện này cung cấp các liệu pháp vật lý và tâm lý. Những cựu binh đã giải ngũ từ tất cả các cuộc chiến tranh gần đây của Nga cùng thân nhân của họ có thể đến đây để an dưỡng trong 2 tuần mỗi năm. Khoảng 10% số cựu binh Nga tại đây là những người tham gia xung đột vũ trang Nga - Ukraine.

Cuối năm 2023, chính quyền Nga ước tính họ sẽ cần tới 70.000 bộ phận cơ thể giả mỗi năm để lắp cho các bệnh nhân. Đây là mức tăng cao kỷ lục. Con số này bao gồm cả những nạn nhân dân sự và những người bị mất chi trong những tình huống không liên quan đến xung đột vũ trang. Một vị thứ trưởng bộ lao động của Nga ước tính hơn một nửa số thương binh Nga bị cắt cụt chi.

Nỗi đau về tâm lý

Tuy bị đau đớn về thể xác, Aleksandr cho biết anh không bị vấn đề về tâm lý như nhiều đồng đội khác.

Svetlana Artemeva thuộc một dự án huấn luyện các nhà trị liệu đến từ 16 tỉnh của Nga để giúp các quân nhân nước này đương đầu với hội chứng căng thẳng tâm lý hậu chấn thương.

Bà Artemeva nói: “Chúng tôi phải dạy cho họ cách bắt đầu lại cuộc sống, cách ngủ vào ban đêm…”.

Bác sĩ tâm lý Elena Khamaganova tại Viện an dưỡng Rus cho hay, mỗi người từ chiến trường Ukraine trở về khi vào trung tâm này đều phải trải quan màn kiểm tra tâm lý, sau đó được phân vào các nhóm tư vấn riêng. Bà cho hay, nhiều người sẽ phải nỗ lực cả đời, như trường hợp một bệnh nhân mới đây, đó là cựu chiến binh bị tổn thương cột sống - người sẽ phải mang túi nước tiểu bên ngoài trong suốt phần còn lại của cuộc đời. Trong hoàn cảnh này, anh thương binh gặp khó khăn trong chuyện thân mật với vợ. Dù đã có chung một mặt con, họ đang tính chuyện ly hôn.

Một khi rời khỏi Viện an dưỡng Rus, các thương binh có thể tới các trung tâm khác nhưng không thể quay lại nơi cũ trong ít nhất một năm, nghĩa là họ sẽ không gặp liên tục một nhóm bác sĩ tâm lý. Trong khi đó, bà Artemeva cho biết, việc phục hồi tâm lý đòi hỏi phải gặp bác sĩ tâm lý trong nhiều lần, có khi cả đời.

Tuba, 34 tuổi, bị thương ở tay. Anh mong muốn được điều trị xong vết thương này để được sớm trở lại chiến trường cùng đồng đội trong những chiến hào. Tuba tình nguyện xin gia nhập quân ngũ và chưa yêu đương gì. Anh bị thương do UAV Ukraine tại tỉnh Zaporizhzhia. Tuba nói rằng mình không thích sự tương phản giữa cuộc sống khó khăn của người lính nơi mặt trận và cuộc sống êm đềm tại các thành phố ở hậu phương Nga.

Tại Viện an dưỡng Rus, những cựu binh từng tham chiến ở Afghanistan và Chechnya cho biết, xã hội Nga ngày nay dường như có thái độ chấp nhận cựu binh nhiều hơn so với các xung đột trước đây.

Pogorelov - người lắp chân giả cho Aleksandr nói rằng lượng lớn binh sĩ Nga bị thương trở về từ chiến trường Afghanistan khi Liên Xô sụp đổ nên xã hội Nga khi ấy không có thời gian để quan tâm đến những thương binh này. Nhưng bây giờ, Pogorelov nói rằng kinh tế Nga đã được cải thiện, ổn định hơn nhiều so với giai đoạn bất ổn trong thập niên 1980 và 1990, khiến dân thường có thể “đi mua sắm ngay khi đất nước đang có chiến tranh”.

Aleksandr ở cùng Viện an dưỡng với cha mình, ông Vyacheslav - người bị thương trong xung đột vũ trang tại Afghanistan thời Liên Xô. Anh nhấn mạnh rằng mình không hề giận Tổng thống Nga Putin về việc anh bị mất một chân trong xung đột với Ukraine. Thay vào đó, hai bố con ông Vyacheslav bày tỏ lòng biết ơn với ông Putin, người đã lãnh đạo nước Nga suốt 25 năm.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: New York Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/tro-ve-tu-ukraine-thuong-binh-nang-cua-nga-duoc-dieu-tri-phuc-hoi-nhu-the-nao-post1147885.vov