Trời lạnh, tăng số ca nhập viện do đột quỵ

Những ngày này ở các tỉnh phía Bắc, thời tiết lạnh sâu, có sự chênh lệch lớn trong ngày khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu do đột quỵ.

Điều trị bệnh nhân đột quỵ não. Ảnh: TL.

Điều trị bệnh nhân đột quỵ não. Ảnh: TL.

Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ não gây ra tình trạng liệt, hôn mê, di chứng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh có thể được cứu sống và hồi phục.

Bệnh nhân đột quỵ nặng gia tăng

Bác sĩ Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão Khoa trung ương cho biết, trong những ngày đầu của đợt rét đậm vừa qua, bệnh nhân nhập viện tăng so với thời điểm trước, khoảng 20-30 ca/ngày. Vào nhập viện cấp cứu thường là nhóm bệnh về đường hô hấp như: Viêm phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp… Tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, đã ghi nhận nhiều ca cấp cứu đến viện trong tình trạng nặng, phần lớn phải thở ô xy, thở máy, trong đó có một vài ca tử vong (do bệnh nhân có bệnh nền).

Tại Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong tuần qua số bệnh nhân đột quỵ cấp cứu cũng tăng gấp đôi, chủ yếu chuyển từ tuyến dưới. Các bác sĩ cho biết trời lạnh khiến số người bị đột quỵ tăng đột biến, trong đó nhiều trường hợp đưa đến viện muộn. Bệnh viện E cho hay, mỗi ngày cấp cứu khoảng hơn 10 ca đột quỵ, trong đó chỉ có 2 bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong “thời gian vàng”, còn lại là muộn.

Ở một số địa phương vùng núi phía Bắc như Lạng Sơn, những ngày qua thời tiết chìm sâu trong khối không khí lạnh, trời rét buốt làm số bệnh nhân nhập viện do đột quỵ não tăng khoảng 15% - 20% so với thông thường. Bác sĩ Nguyễn Thành Đô - Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn phân tích, nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân đột quỵ gia tăng trong mùa đông là khi trời lạnh khiến mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp làm lưu lượng máu đến não kém. Mặt khác, khi mạch máu co lại dễ làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Đối với những người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong cao hoặc để lại các biến chứng vô cùng nặng nề.

Bác sĩ Đô lưu ý, đột quỵ não có 2 thể là xuất huyết não và nhồi máu não, trong đó đột quỵ nhồi máu não chiếm gần 80% các trường hợp đột quỵ. Đột quỵ nhồi máu não nếu được phát hiện sớm, cấp cứu và điều trị trong khoảng “thời gian vàng” (trong 4,5 giờ đầu từ khi khởi phát) người bệnh có thể được cứu sống và hồi phục hoàn toàn nhờ dùng thuốc tiêu sợi huyết. Do vậy, người nhà người bệnh và nhân dân cần nắm rõ dấu hiệu đột quỵ não để nhận biết sớm và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Cách nhận biết sớm đột quỵ não dựa vào dấu hiệu “FAST” gồm 4 yếu tố đó là: Khuôn mặt (Face): Nhân trung lệch sang một bên. Tay chân (Arms): Tay chân yếu, tê bì một bên hoặc có thể hai bên, cầm vật gì đột nhiên rơi, hay đang đi, đứng đột nhiên quỵ xuống. Giọng nói (Speech): Nói ngọng, nói khó, ú ớ không nói được. Thời gian (Time): “Thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ não là trong 4,5 giờ đầu kể từ khi xuất hiện các dấu hiệu trên.

Sớm đưa người bệnh đi cấp cứu

Thống kê tại Bệnh viện Lão Khoa trung ương cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được đưa đến viện cấp cứu trong “thời gian vàng” rất thấp. Bác sĩ Trần Quang Thắng cho biết, thời tiết lạnh làm cho mạch máu co lại, làm tăng kháng trở não gây huyết áp tăng, nguy cơ bị đột quỵ cao. Vì vậy, người cao tuổi tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột (tránh đang từ phòng ấm ra ngoài lạnh đột ngột) và phải kiểm soát huyết áp thường xuyên, nếu thấy bất thường phải kiểm tra ngay. Đột quỵ (tắc mạch máu não) phải đến viện vào “thời gian vàng” để được tái thông mạch não bằng thuốc là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát, không dùng biện pháp dân gian làm mất đi “thời gian vàng” chữa bệnh. Bệnh nhân tắc mạch máu lớn có thể can thiệp trong 6 giờ kể từ khi khởi phát, nếu để muộn hơn thì nguy cơ di chứng nặng.

Để phòng tránh đột quỵ trong mùa lạnh, các bác sĩ khuyến cáo cần kiểm soát các bệnh lý nền, kiểm soát tốt huyết áp, theo dõi các chỉ số huyết áp thường xuyên, uống thuốc huyết áp theo chỉ định, kiểm soát mỡ máu. Đồng thời, người dân cần giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời lạnh, không nên dậy tập thể dục quá sớm; không dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia; ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Những người trung niên, cao tuổi nên khám sức khỏe định kỳ để được tư vấn dự phòng đột quỵ. Khi thấy người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ, người nhà cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất có đủ phương tiện, kỹ thuật, chuyên môn để cấp cứu, điều trị kịp thời.

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 năm nay ở giai đoạn chính đông. Thời tiết Bắc Bộ rét, một số ngày rét đậm. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng rét đậm, rét hại chủ yếu xuất hiện trong tháng 12 và tháng 1 cùng nửa đầu tháng 2/2023. Nơi có nền nhiệt độ thấp nhất sẽ là các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Cạn, Lạng Sơn... Do đó, các chuyên gia y tế lưu ý cần chú trọng sức khỏe người già và trẻ em.

An Thái

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/troi-lanh-tang-so-ca-nhap-vien-do-dot-quy-5706618.html