Trời mưa bong bóng...

Ngoài trời đang mưa. Nó vẫn ngồi tựa lưng vào thành ghế bất động mà lòng buồn rười rượi. Nó nhớ những ngày ở quê mà thương ba mẹ và ngoại vô cùng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cả một vùng ký ức tuổi thơ hiện về như chỉ mới hôm qua. Ngày ấy, quê nó phần lớn là nhà tranh vách đất (hoặc vách lá, vách bồ), nền đất, sân đất... Mùa mưa, những hạt mưa rơi trên mái tranh rồi chảy xuống thành dòng. Lâu ngày làm khuyết đất khoảng một tấc chạy dọc theo mái hiên nhà.

Mỗi lần mưa, nước đọng lại, giọt kế tiếp rơi xuống tạo thành những cái bong bóng rồi tan nhanh. Có chỗ, vài khoảng đất hơi trũng, mưa đọng nước, những giọt kế tiếp rơi xuống cũng tạo thành bong bóng, hết đợt này tới đợt khác cho đến khi mưa tạnh. Những lúc ấy nghe ngoại hát ru em: “Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?”. Nó nghe hay, nhưng nó cũng chả hiểu ý nghĩa là gì.

Ngày đó, hễ trời mưa xuống là lũ trẻ trong xóm chạy ào ra sân vùng vẫy dưới mưa. Nghe tiếng cười đùa đâu đó là chạy đến nhập bọn. Các em bé tí thì mình trần trùng trục, lớn hơn một chút (khoảng 5-6 tuổi), chỉ độc nhất một chiếc quần đùi bất kể trai hay gái. Ðứa thì tranh nhau chụp bong bóng dưới giọt tranh hoặc ngoài vũng nước, đồng thời bày trò té nước, chọi sình...

Tàn cơn mưa tranh thủ thả thuyền giấy (đã chuẩn bị trước) hoặc thuyền lá (thường là lá mít có phiến lá dày hơn các loại lá khác) dọc theo con mương hoặc vũng nước rộng. Tạnh mưa khá lâu mà chẳng đứa nào “nhúc nhích”, đến khi má xách roi “làm dữ” mới chịu vô nhà, xối vài gáo nước lu rồi lau mình mẩy, thay đồ. Vậy mà ít khi nghe đứa nào bị cảm vì “tắm mưa vọc nước”.

Bây giờ ở nông thôn, nhất là nông thôn mới, nhà cửa khang trang hơn, mái nhà lợp ngói hoặc lợp tôn... nước mưa chảy ào ào xuống sân gạch (hoặc máng xối ngầm), làm gì có bong bóng phập phồng? Lũ trẻ bây giờ được cha mẹ giữ rất kỹ, nhà ở phố hoặc ở quê có điều kiện thì tắm bằng vòi nước nóng, làm gì có chuyện tắm mưa?

Qua rồi cái thời “con nít” để bước vào cái tuổi đầu cấp hai còn thích tắm mưa, nhưng để nguyên quần áo và ít nghịch phá hơn, hay cùng các bạn đạp xe dưới mưa mà nghe ngọt mát trong lòng. Nghe đâu đó lời hát: “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa...”. Có một thời nó yêu lắm những cơn mưa.

Giờ đã là sinh viên đại học, ngoài giờ học ở trường, nó còn phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống, để hiện thực hóa ước mơ trên giảng đường. Trời mưa sẽ ảnh hưởng nhiều thứ, vì thế mà nó không còn yêu mưa nữa chăng? Không chỉ có thế, mưa còn làm oằn vai người bán hàng rong (trong đó có mẹ nó).

Làm rối chân các đứa trẻ bán vé số khi sắp đến giờ “xổ số”, khi mà bữa cơm chiều phụ thuộc vào sự “vơi đầy” của xấp vé mà chúng đang cầm. Còn có vẻ mặt buồn thiu của chị nó trong quán nước ven đường vắng tanh. Hình như chỉ có ba nó là thích mưa. Mưa làm ướt đất, đồng lúa tốt tươi mà khỏi phải tốn tiền xăng dầu để bơm nước vào ruộng.

Hơn hai mươi năm góp mặt làm người, nó được mất những gì? Chỉ biết nó còn nợ nhiều lắm. Món nợ sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Nợ cuộc đời với những hoài bão còn dang dở...

Mùa mưa năm nay đến sớm, thời tiết thất thường. Nhìn qua khung cửa sổ, mưa da diết, lạnh lùng... Phải đứng lên thôi! Tiếp tục cuộc hành trình đi tìm tương lai dù phải bước ra từ cơn mưa bất chợt; từ đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên mọi miền đất nước.

NHÃ ÐAN

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/troi-mua-bong-bong--a134251.html