Trời nắng nóng, những lưu ý đặc biệt với người bệnh tiểu đường

Sức khỏe người bệnh tiểu đường liên quan mật thiết tới thời tiết. Những ngày nắng nóng gay gắt nếu không cẩn thận tình trạng bệnh sẽ trầm trọng hơn.

Người bệnh dễ bị mất nước

Thời gian gần đây, nhiệt độ lên tục tăng cao khiến nhiều người cảm thấy oi bức, khó chịu. Đặc biệt những người mắc bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường cảm thấy nóng bức hơn bình thường. Giới chuyên gia giải thích, sở dĩ xuất hiện tình trạng như vậy là do người bệnh tiểu đường có thể bị tổn thương mạch máu và thần kinh, ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi, khiến cơ thể khó làm mát hiệu quả.

Thời tiết liên quan mật thiết tới sức khỏe người bệnh tiểu đường

Thời tiết liên quan mật thiết tới sức khỏe người bệnh tiểu đường

Nếu hệ thống làm mát của cơ thể phải hoạt động liên tục dễ dẫn đến tình trạng mất nước trong cơ thể, từ đó gây tác động tiêu cực đến nồng độ glucose trong máu. Mất nước khiến lượng đường trong máu trở nên cô đặc hơn, có khả năng dẫn đến hệ lụy tiếp theo là lượng đường trong máu tăng cao, hoặc người bệnh bị say nắng sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, cần cấp cứu.

Do đó, những người mắc bệnh tiểu đường phải uống đủ nước để duy trì trạng thái cân bằng giữa chất lỏng và lượng đường trong máu trong cơ thể, cần lưu ý trong những ngày nắng nóng gay gắt.

Theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng, để kiểm soát bệnh tiểu đường vào những ngày hè, người bệnh nên uống khoảng 2-2,5 lít nước, ngay cả khi không cảm thấy khát. Tránh uống rượu, đồ uống chứa caffein vì có thể làm mất nước và tăng nhanh lượng đường trong máu.

Thay đổi về độ nhạy insulin

Khi thời tiết trở nóng, một số bệnh nhân tiểu đường còn gặp phải những thay đổi đáng kể về độ nhạy insulin. Để thích ứng với thay đổi này, người bệnh cần điều chỉnh liều lượng insulin hoặc xem lại những loại thuốc đang sử dụng. Bên cạnh đó, cần duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, uống đủ nước, tập thể dục và thường xuyên tham khảo ý kiến từ bác sĩ.

Đặc biệt chú ý kiểm tra lượng đường trong máu trước, trong và sau khi tập thể dục giúp tránh tăng hoặc hạ đường huyết đột ngột. Nếu sử dụng insulin, người bệnh có thể cần phải thay đổi lượng insulin và nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn liều lượng phù hợp, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.

Hạn chế đi chân trần

Ngoài chế độ ăn uống, trong sinh hoạt hàng ngày người bệnh tiểu đường cần chú ý mặc quần áo nhẹ, rộng rãi, thoáng khí là cách để cơ thể được giải nhiệt tốt hơn. Hơn thế, người bệnh nên hạn chế đi chân trần, ngay cả khi ở hồ bơi hoặc bãi biển. Chăm sóc đôi chân là việc cần thiết vì người mắc bệnh tiểu đường thường bị loét bàn chân, nhiễm trùng lâu lành. Biến chứng bàn chứng cũng là tình trạng thường gặp ở nhóm người mắc bệnh mạn tính này.

Tránh nắng nóng cao

Nhiệt độ cao có thể tác động đến đường huyết, người bệnh không nên ra ngoài vào thời điểm nóng nhất trong ngày. Vì vậy, nếu tập thể dục hãy tập vào buổi sáng sớm hoặc khi mặt trời lặn. Người bệnh cũng có thể tập thể dục trong phòng tập có máy lạnh.

Ngay cả khi trời không quá nóng, sự kết hợp giữa nhiệt và độ ẩm trong không khí cao cũng có thể gây nguy hiểm. Do vậy, người bệnh chú ý số đo nhiệt độ trong nhà luôn thấp hơn ngoài nắng gần 10°C, vì vậy hãy ở trong nhà khi trời nóng.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/troi-nang-nong-nhung-luu-y-dac-biet-voi-nguoi-benh-tieu-duong-327663.html