Tròn 100 năm Bác đến Nga - Bước ngoặt định mệnh cho dân tộc Việt Nam

Tròn 100 năm trước, ngày 30/06/1923, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân đến thành phố Petrograd (nay là Saint.Peterburg) - cái nôi của Cách mạng Tháng Mười Vĩ đại.

Quãng thời gian ở Liên Xô/LB Nga có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, mà cả với phong trào giải phóng dân tộc, quyết định vận mệnh và tương lai của Việt Nam.

Trong các nghiên cứu, các chuyên gia đều nhận định, bước chuyển biến cơ bản nhận thức về con đường cứu nước giải phóng dân tộc của nhà yêu nước trẻ Nguyễn Ái Quốc là được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lenin trên báo L’Humanité (Nhân đạo), xuất bản ngày 16 và 17/7/1920. Luận cương đã lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt của Nguyễn Ái Quốc, bởi vì: trong Luận cương, Lenin đã nêu lên 12 luận điểm quan trọng như về quyền bình đẳng thực sự giữa các dân tộc, nhiệm vụ của các đảng cộng sản trong khi giải quyết vấn đề dân tộc và thuộc địa, về Cách mạng Tháng Mười, về chính quyền vô sản và chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Cuốn sách "Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Liên xô (1923-1938) của nhà xuất bản Sự thật (bản tiếng Nga, ra mắt tháng 5/2021) .

Cuốn sách "Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Liên xô (1923-1938) của nhà xuất bản Sự thật (bản tiếng Nga, ra mắt tháng 5/2021) .

Lenin đã chỉ ra cho các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc và các nước chậm phát triển con đường để giải phóng dân tộc mình, đó là con đường cách mạng vô sản. Cách mạng Tháng Mười và lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản V.I.Lenin đã tạo nên ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt trong Nguyễn Ái Quốc, thôi thúc Người đến Liên Xô để học tập và trau dồi kinh nghiệm cho cuộc đấu tranh sắp tới của dân tộc mình. Ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc đã đến Petrograd - quê hương của Cách mạng Tháng Mười.

Theo nhà khoa học chính trị, giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint.Peterburg-Nga, GS.TSKH Vladimir Kolotov, chuyến đi đến Liên xô của Nguyễn Ái Quốc là định mệnh đối với Việt Nam: “Khi Hồ Chí Minh đến liên bang Xô Viêt, thì trước hết ông học được học thuyết cách mạng, tư tưởng Mác-Lenin và công nghệ dựng nước, xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ và những giai đoạn quan trọng nhất để mà cướp chính quyền là làm Cách Mạng, làm Tổng Khởi nghĩa và quản lý đất nước sau khi chiếm được quyền lực trong tay. Cho nên việc Hồ Chí Minh đến Liên xô vào năm 1923 là một sự kiện định mệnh cho cả Việt Nam”.

GS.TS V.Kolotov - Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint.Peterburg

GS.TS V.Kolotov - Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint.Peterburg

Ít ngày sau Người lên xe lửa đi Moscow. Mặc dù chỉ lưu lại 6 tháng nhưng thời gian hoạt động ở Moscow có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc mà cả với phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Người đã nhận thức và lý giải sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đang đặt ra cho cách mạng vô sản thế giới cũng như cho cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, từ đó Người đã hoàn thiện thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng của mình.

Tiến sĩ sử học Evgeny Kobelev, chuyên gia nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện nghiên cứu Trung quốc và Châu Á đương đại, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, tác giả của các cuốn sách “Hồ Chí Minh”, “Người Nga nói về Hồ Chí Minh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga” và nhiều bài báo về Người đăng tải trên báo chí Việt Nam, khẳng định rằng, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu sáng tạo bài học thành công của Cách mạng Tháng Mười:

“Nguyễn Ái Quốc đã tận dụng thời gian ở Liên Xô học tập ở rất nhiều học viện chính trị của Liên Xô. Hồ Chí Minh đã học tập kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười một cách sáng tạo”, Tiến sĩ sử học Evgeny Kobelev nói.

Nhà Việt Nam học E.Kobelev tại lễ ra mắt sách “65 năm cùng với Việt Nam” của ông (tháng 12/2022)

Nhà Việt Nam học E.Kobelev tại lễ ra mắt sách “65 năm cùng với Việt Nam” của ông (tháng 12/2022)

Sau chuyến đi đến đất nước của Lenin lần đầu tiên ấy, Nguyễn Ái Quốc còn trở lại Liên xô trong các khoảng thời gian vào năm 1927, các năm 1934-1938, tổng cộng là hơn 6 năm để học tập và hoạt động trong phong trào quốc tế cộng sản. Từ đó Người dần hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn, xác định đúng con đường đưa Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Khi còn sống, chuyên gia Grigory Lokshin - cán bộ nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Nghiên cứu Trung Quốc và Châu Á đương đại-Viện Hàn Lâm khoa học Nga, một nhà Việt Nam học, đã từng được gặp Bác, hết sức tâm đắc với những đường lối, phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra ở từng giai đoạn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ông nhớ lại: “Không có gì quý hơn độc lập và tự do" là những lời Người đã nói với đồng bào của mình trên Đài Tiếng Nói Việt Nam vào ngày 7 tháng 7 năm 1966, tại thời điểm khó khăn và kịch tính nhất của sự leo thang xâm lược của Mỹ ở miền Nam và các vụ ném bom ngày càng dữ dội ở nhiều thành phố khác của miền Bắc. Tư tưởng này khi được quần chúng thấm nhuần, đã trở thành sức mạnh vật chất lớn nhất cho phép nhân dân Việt Nam giành được chiến thắng. Sau chiến thắng, vào những thời khắc khó khăn, lại vang lên khẩu hiệu “đoàn kết-đoàn kết-đại đoàn kết, thành công-thành công-đại thành công”. Đặc biệt hơn, chuyên gia Lokshin đã chiêm nghiệm chính sách đối ngoại của Bác, theo ông, nó đúng cho mọi quốc gia quan tâm đến lợi của dân tộc mình, đó là “thêm bạn, bớt thù”.

Cố nhà Việt Nam học G.Lokshin cùng những cuốn sách về Việt Nam

Cố nhà Việt Nam học G.Lokshin cùng những cuốn sách về Việt Nam

Chuyên gia đúc kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại lại cho chúng ta một di sản trí tuệ tuyệt vời: “Người không phải là một nhà lý luận-nhà Mác -xít, mặc dù, chủ nghĩa Mác là hệ tư tưởng của Người. Người là một nhà thực hành cách mạng. Và những gì Người để lại cho nhân dân, cho các đồng chí của mình vẫn còn nóng hổi cho đến ngày hôm nay”.

Các chuyên gia Nga đều có cùng quan điểm rằng, những tư tưởng chủ yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, sức sống. Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đây là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đi theo con đường phát triển đúng đắn này, dân tộc Việt Nam sẽ đạt được phồn vinh, hạnh phúc.

Anh Tú/VOV-Moscow

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tron-100-nam-bac-den-nga-buoc-ngoat-dinh-menh-cho-dan-toc-viet-nam-post1029309.vov