Trọn tình với biển, đảo Tây Nam: Những dấu tích hào hùng (Bài 2)

Tháng 6, Đoàn công tác tỉnh Long An đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Chuyến đi có nhiều ý nghĩa nhưng hơn hết là đã gắn kết thêm tình quân - dân cá nước; thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Long An với biển, đảo quê hương. Vùng biển xinh đẹp ấy đã trải qua những đau thương trong quá khứ nhưng ngày nay, biển Tây Nam phát triển mạnh mẽ bằng những nguồn lực nội tại và sự đóng góp vật chất lẫn tinh thần của cả nước.

Bài 2: Những dấu tích hào hùng

Chúng tôi đến các đảo khi sự bình yên đã và đang hằn sâu trong thiên nhiên, cảnh vật, con người. Do nằm ở vị trí chiến lược, biên giới nên trong giai đoạn đất nước còn giặc ngoại xâm, người dân, chiến sĩ trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc đã đổ không ít máu xương.

Qua những đền thờ, di tích nhà tù, bia tưởng niệm, cột mốc chủ quyền, chúng tôi hiểu được phần nào sự đau thương ấy. Nhưng chính quyền, người dân, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã biến đau thương thành sức mạnh. Đó là niềm tự hào về truyền thống kiên trung, bất khuất, là động lực để toàn quân, toàn dân vững tin xây dựng đất nước, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Mỗi đảo một chiến công

Chúng tôi không có điều kiện đi hết hơn 140 đảo lớn, nhỏ ở vùng biển Tây Nam nhưng trong số các điểm đến đều nghe những câu chuyện hào hùng. Những chiến công của chiến sĩ và nhân dân là đánh đuổi giặc ngoại xâm, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, phát huy tinh thần nhân đạo, nhân văn ngàn đời của dân tộc.

Trên đường lên Trạm ra đa 625 Hòn Đốc, chúng tôi đi ngang qua cột mốc chủ quyền. Cột mốc là niềm tự hào đối với người dân trên đảo vì đây là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Dựng lên cột mốc là một chiến công khi khu vực này thuộc vùng biển giáp ranh, nhạy cảm. Hòn Đốc từng chứng kiến những trận đánh ác liệt giữa quân, dân ta và Khmer Đỏ. Với sự anh dũng, thiện chiến, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quân, dân ta đã gây cho chúng những thiệt hại nặng nề. Những câu chuyện đầy hào hùng, cảm xúc ấy đã khiến một ca sĩ trong đoàn văn nghệ của tỉnh phải nấc nghẹn, khó hát nên lời.

Không những Hòn Đốc, đảo Thổ Chu cũng từng chứng kiến sự bạo tàn của Khmer Đỏ. Tại đây, ngày 10/5/1975, chúng đem quân chiếm đảo, bắt và giết hại 500 người dân vô tội. Trước tình hình ấy, quân ta đã nhanh chóng lập kế hoạch, tấn công và giải phóng Thổ Chu. Đền thờ Thổ Châu được dựng lên để thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát năm ấy. Hiện nay, ngôi đền trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, vừa là điểm sinh hoạt văn hóa, thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn của người dân đất Việt. Đoàn công tác viếng đền thờ Thổ Châu trong một sáng bình yên, mọi người đều dâng lên niềm cảm xúc. Anh Hồ Hoàng Duy Khánh (TP.Tân An) trải lòng: “Đến đây, tôi rất xúc động. Tôi nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn về chủ quyền biển, đảo quê hương; cảm kích công lao to lớn của cha anh đã đặt nền móng cũng như các chiến sĩ, nhân dân đã không quản khó khăn, gian khổ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.

Dù chưa đến Hòn Khoai nhưng chúng tôi cũng được nghe về cuộc khởi nghĩa tại đây do Anh hùng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo. Theo Báo Cà Mau, chấp hành lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ, Ban Chỉ huy khởi nghĩa của tỉnh được thành lập do Bí thư Tỉnh ủy - Trần Văn Thời làm Trưởng ban. Tỉnh ủy đã khẩn trương triển khai kế hoạch khởi nghĩa. Đồng chí Phan Ngọc Hiển được phân công trực tiếp phụ trách cuộc khởi nghĩa ở Hòn Khoai - khu vực trọng điểm của tỉnh. Đúng 23 giờ 15 phút đêm 13/12/1940, cuộc khởi nghĩa nổ ra và giành thắng lợi, làm chủ tình hình trên toàn đảo.

Thăm “địa ngục trần gian”

Cái tên “địa ngục trần gian” vừa có sức hấp dẫn, vừa gợi lên cảm giác rợn người. Nhưng đó lại là nơi có thật - Di tích Nhà tù Phú Quốc. Nhiều người trong Đoàn phải thốt lên “đúng là địa ngục” khi nhìn thấy cảnh tra tấn, nhục hình mà chiến sĩ ta phải chịu.

Di tích Nhà tù Phú Quốc là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ

Di tích Nhà tù Phú Quốc là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ

Nhà tù Phú Quốc hay còn có tên khác là Nhà lao Cây Dừa, thuộc phường An Thới, TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nếu tính cả tù chính trị nhiều thời kỳ thì nơi đây từng giam giữ 40.000 người. Các chiến sĩ ta đã phải chịu những đòn tra tấn dã man, khảm khốc của cai ngục như dùng kim chích đã cũ, đóng từ từ vào 10 đầu ngón tay; kê đục vào sát chân răng của người tù, dùng búa đóng làm răng gãy văng ra; lấy bao bố trùm lên người rồi ném vào chảo nước sôi;... Nhiều chiến sĩ hy sinh bị chúng đưa vào các hố chôn tập thể.

Tuy nhiên, với ý chí kiên cường không khuất phục, chiến sĩ ta đã tổ chức nhiều cuộc chống khủng bố của địch. Tại đây, hiện tại còn phục dựng cảnh trí tái hiện cuộc đấu tranh của tù binh: “Chúng bắt nhiều tù binh đưa đi tra khảo, khai thác rồi nhốt vào chuồng cọp, biệt giam, đày đọa, hành xác đủ kiểu làm tù binh chết đi sống lại. Khoảng 1-2 giờ sáng, chúng xông vào đánh đập tù binh kéo dài hàng tháng trời”. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh bảo vệ sinh mạng và lý tưởng cách mạng của tù binh vô cùng mãnh liệt.

Dù địch đã giết hại, gây thương tật và làm tàn phế hàng ngàn tù binh nhưng chiến sĩ ta vẫn đứng lên chống lại và chiến thắng cuộc khủng bố của chúng. Nhiều tù binh tổ chức vượt ngục thành công, họ náu mình nơi những cánh rừng nhờ vào địa hình phức tạp. Có lẽ, tạo hóa đã khéo sắp bày sự hiểm trở của núi rừng Tây Nam để che chở cho bộ đội ta, làm tiền đề cho những chiến thắng vang dội sau này.

Du khách đến thăm di tích này đến từ nhiều vùng, miền trên đất nước. Họ tận dụng thời gian hè để cùng các con vừa chơi, vừa học. Khi quan sát các em, chúng tôi không thấy sự sợ hãi khi chứng kiến cảnh tái hiện tù binh bị sát hại, đổi lại là ánh mắt tự hào pha chút căm phẫn. Di tích này vừa là nơi cho thấy truyền thống hào hùng của biển, đảo Tây Nam, vừa là địa chỉ giáo dục tư tưởng yêu nước, thương giống nòi cho mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Được hỏi về cảm xúc khi thăm nhà tù, anh Đoàn Trọng Hiếu (TP.Tân An, tỉnh Long An) trầm ngâm: “Tôi muốn rơi nước mắt. Tôi chưa bao giờ nghĩ chiến sĩ ta đã phải chịu những cảnh thế này. Tôi cũng rất tự hào khi biết các anh dù đau thương nhưng không bao giờ bỏ cuộc, vẫn hừng hực khí thế quyết chiến, quyết thắng kẻ thù”. Làm việc 20 năm tại nhà tù Phú Quốc, ông Hoàng Hữu Sáng đón tiếp không biết bao nhiêu lượt khách ghé thăm. Theo lời ông thì hầu hết mọi người đến đây đều cảm phục, tự hào đối với các chiến sĩ kiên trung, bất khuất.

Các đảo vùng biển Tây Nam đã lưu dấu chiến công của quân và dân ta qua những đền thờ, di tích. Mỗi con người nơi đây trở thành một “cột mốc” chủ quyền, khẳng định đất của ta, nước của ta mãi an toàn, bình yên. Và từ trên cao, những trạm ra đa được mệnh danh là “đôi mắt thần của biển” đang ngày đêm góp phần giữ gìn sự bình yên ấy.

(còn tiếp)

Bài 3: Những "đôi mắt thần" của biển, đảo Tây Nam

Châu Thanh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tron-tinh-voi-bien-dao-tay-nam-nhung-dau-tich-hao-hung-bai-2--a178615.html