Trồng bắp dưới chân ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Trong những năm gần đây, bà con nông dân xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên một phần diện tích đất lúa sang trồng bắp. Hiệu quả từ loại cây ngắn ngày này đã giúp người dân tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Anh Lâm Sơn Hà, ở ấp Phú Hòa B, xã Phú Tâm (bên trái) bên rẫy bắp của gia đình. Ảnh: CHANH THA

Anh Lâm Sơn Hà, ở ấp Phú Hòa B, xã Phú Tâm (bên trái) bên rẫy bắp của gia đình. Ảnh: CHANH THA

Đây là năm thứ 3 anh Lâm Sơn Hà, ở ấp Phú Hòa B, xã Phú Tâm trồng bắp trên đất ruộng. Trước đây, anh làm lúa 2 vụ bấp bênh, thất bát, thấy bà con trong xóm trồng bắp hiệu quả, anh mạnh dạn chuyển 5 công đất trồng lúa sang trồng bắp. Từ đó đến nay, gia đình anh có thu nhập cao hơn trước gấp nhiều lần. Anh Lâm Sơn Hà cho biết: "Cây bắp phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương nên năng suất cao, trái to, hạt chắc, đều, đồng thời, thời gian sinh trưởng chỉ khoảng 65 ngày nên bà con thu hồi vốn nhanh để xoay vòng sản xuất. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, cây bắp phát triển tốt, khoảng hơn 1 tuần nữa gia đình sẽ thu hoạch. Thương lái xuống tận ruộng thu mua nên tôi không lo lắng đầu ra. Trong vụ bắp này, gia đình tôi lãi trên 20 triệu đồng”.

Dẫn chúng tôi ra tham quan rẫy bắp, anh Lâm Sơn Hà bộc bạch: “Sở dĩ tôi quyết định chuyển đổi cây lúa sang trồng bắp bởi thu nhập từ lúa thấp, giá cả bấp bênh, cả mấy tháng vất vả chăm bón, lợi nhuận không được bao nhiêu, thậm chí có năm còn bị lỗ do thời tiết thất thường. So với cây lúa, trồng bắp thu nhập cao hơn gấp từ 2 đến 3 lần và thường trồng được 4 vụ/năm; tuy nhiên, bắp thường bị sâu keo gây hại nên phải luôn chú ý phòng trừ sâu bệnh. Thông thường, thương lái xuống tận ruộng đặt tiền cọc trước khi thu hoạch 1 - 2 tuần, bình quân 1 công bắp cho khoảng 4.000 trái, thương lái thu mua ở mức 2.000 đồng - 2.500 đồng/trái, trừ hết các khoản chi phí còn lời khoảng 4 triệu đồng/công/vụ. Ngoài nguồn thu từ trái, thân cây bắp sau khi thu hoạch bán cho bà con trong ấp để làm thức ăn cho bò. Nhiều hộ đồng bào Khmer vươn lên có cuộc sống ổn định nhờ loại cây trồng này”.

Nhận thấy đây là một mô hình hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, chính quyền xã Phú Tâm đã tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện cho người dân mở rộng diện tích trồng bắp, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy có hiệu quả kinh tế cao, nhưng để cho cây bắp phát triển bền vững, cần xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho nông dân, tạo đầu ra trái bắp ổn định bằng hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.

CHANH THA

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/trong-bap-duoi-chan-ruong-mang-lai-hieu-qua-kinh-te-cao-58326.html