Trồng chè bằng hạt
Hằng năm, vào tháng 9 - 11 âm lịch, sau khi thu hoạch những lứa chè cuối cùng của năm xong, một số hộ ở các bản của xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu) lại thu hoạch những quả chè già về trồng nhằm mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập.
Năm nay, công việc bận rộn, hơn nữa lại tập trung thời gian đổi công với các hộ khác nên gia đình chị Sùng Thị Của ở bản Trung Chải thu hái quả chè muộn hơn những năm trước.
Chị Của chia sẻ: Khoảng 7 năm nay, năm nào gia đình tôi cũng hái quả chè về trồng. Quả chè chủ yếu đi xin từ các diện tích chè già của bà con, khu vực này ở xa bản nên tôi phải mang cơm, làm xuyên buổi trưa để tiết kiệm thời gian về nhà. Vụ nào nhiều lao động đi hái thì được 5 bao quả chè. Mỗi năm trồng thêm một ít, đến giờ gia đình tôi có 2 nương chè trồng bằng hạt, mỗi lứa cũng cắt được 1,5 - 2 tấn chè. Nhờ đó thu nhập gia đình nâng lên đáng kể.
Gia đình chị Phê Thị Xá ở bản Hồi Lùng cũng trồng chè hạt từ nhiều năm nay. Chị không biết cụ thể diện tích chè của gia đình mình có bao nhiêu, chỉ biết rằng hiện nay nhà chị có 3 nương chè cho thu hoạch đều đặn. Nhận thấy tiềm năng từ cây chè mang lại nên năm ngoái vợ chồng chị chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng chè. Diện tích chè của gia đình chị được mở rộng thành 4 nương, trong đó có 3 nương trồng chè hạt. Chị Xá tâm sự: Sau khi hái quả chè khoảng 1 tuần, tôi gieo thẳng hạt xuống nương sản xuất. Nếu để lâu rất dễ bị hỏng, do đó việc trồng chè cũng được gia đình tôi thực hiện nhanh chóng, muộn nhất đầu tháng 12 âm lịch là hoàn thành kế hoạch.
Lý do một số gia đình duy trì trồng chè bằng hạt là bởi hạt chè được lấy từ những nương chè shan địa phương lâu năm, có tuổi đời 40 - 50 năm, sức sống khỏe, tốn ít công chăm sóc không phải đầu tư làm đường đồng mức và chè shan thích nghi với khí hậu địa phương. Hơn nữa, kỹ thuật gieo trồng dễ làm, phù hợp với lối canh tác truyền thống của bà con, tỷ lệ cây sống cao, nhất là ít chịu tác động khi thời tiết nắng nóng, bà con có thể đi xin hạt về trồng mà không mất tiền mua giống. Thêm vào đó là chủ động kế hoạch sản xuất. Để hạt chè đạt tỷ lệ nảy mầm cao, bà con thường chọn những quả chè già để trồng, không lấy những quả chè non, quả rụng. So với trồng chè bằng , thì trồng chè bằng hạt thu hoạch muộn hơn, sau 3 năm mới có thể thu hái búp, tuy nhiên năng suất tương đương mà khả năng thu hoạch lại dài.
Anh Tẩn A Páo - Phó Chủ tịch UBND xã Sùng Phài cho biết: Hiện xã có khoảng 425,8ha chè, trong đó phần lớn là chè trồng bằng hạt, tập trung ở các bản: Trung Chải, Tà Chải, Cư Nhà La, Hồi Lùng, Suối Thầu. Thực hiện chủ trương phát triển sản phẩm chè hàng hóa của thành phố, từ năm 2015 đến nay, xã nhiều lần thực hiện cấp cây giống chè kim tuyên, năm ngoái cấp giống chè shan cho bà con trong xã, các hộ đăng ký trồng theo diện tích đất sẵn có. Nhưng do nhu cầu của các hộ muốn đưa chè shan địa phương vào trồng nên cuối mùa chè hằng năm, bà con thường hái quả về trồng. Từ thực tế sản xuất nhiều năm qua, việc trồng chè bằng hạt đã khẳng định được hiệu quả. Do đó cùng với việc tuyên truyền, vận động bà con trồng chè cây, xã khuyến khích các gia đình trồng chè hạt để nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất. Vì nếu bà con tự trồng chè bằng cây phải mất kinh phí đầu tư. Trong khi đó còn nhiều gia đình khó khăn, thu nhập thấp.
Hiện, xã Sùng Phài tập trung quản lý, bảo vệ, chăm sóc diện tích cây chè hiện có và trồng mới hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hướng sản xuất an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, phấn đấu sản lượng chè búp tươi đạt 3585,4 tấn, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.