'Trong chỉ đạo không nên quá cuống quýt, làm rối lên tình hình'

Theo ông Lê Như Tiến, trong khâu chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố Hà Nội có tình trạng văn bản sau chồng lên văn bản trước, gây phức tạp, phiền hà hơn.

Trong Chỉ đạo điều hành công tác phòng chống dịch COVID-19 của UBND TP. Hà Nội thời gian qua gây nên nhiều tranh luận lớn, trong đó có những vấn đề liên quan đến giấy đi đường, xét nghiệm 100% người dân toàn thành phố… Việc trong thời gian ngắn nhưng có nhiều chỉ đạo chưa phù hợp khiến dư luận bức xúc, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Mới đây nhất, ngày 6/9, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công điện số 20/CD-UBND về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Một lần nữa, văn bản này gây nên sự tranh cãi, lo lắng trong dư luận, nhất là quy định về xét nghiệm 100% cho người dân toàn thành phố.

Ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh TL).

Đánh giá về thực trạng này, chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Thời gian qua, Hà Nội có nhiều văn bản liên tục làm cho người dân rất khó hiểu, kể cả những người thực thi có cảm giác rất khó để ứng xử. Văn bản sau, chồng lên văn bản trước và có vẻ gây sự phức tạp, phiền hà hơn thậm chí thay đổi cả giấy đi đường đã được cấp làm cho người dân cảm thấy phiền hà”.

Liên quan đến công tác chống dịch, ông Lê Như Tiến cho rằng, những nơi nào có dịch, mình khoanh vùng dập dịch như trước đây. Tức chỉ khu vực có dịch mới khoanh vùng chứ không làm rối loạn cả thành phố. Ở đâu có dịch, mình khoanh vùng dập dịch một cách triệt để.

Thành phố nên khoanh vùng dập dịch, chia ra nhiều khu vực khác nhau. Những khu vực không bị ảnh hưởng gì, khu vực xanh nên để người dân hoạt động. Trong khoanh vùng, cần khoanh vùng ở quy mô phường hoặc khu phố, không thể khoanh vùng cả quận, huyện.

“Cách khoanh vùng như hiện nay gây tâm lý hoảng loạn trong toàn dân, đình trệ sản xuất, kinh doanh. Hiện nếu chu cấp gói an sinh xã hội cũng không thể đáp ứng được cho toàn dân và toàn thành phố mà chỉ có thể chu cấp cho một khu phố, một tuyến phố.

Mình có thể cách ly, phong tỏa nghiêm một tuyến phố nhưng không thể cách ly toàn thành phố, hoặc toàn quận thường xuyên, liên tục. Chúng ta cũng nên học tập ở các nước người ta áp dụng, sống chung với dịch bệnh một cách có kiểm soát. Nếu dịch bệnh kéo dài vài năm thì việc giãn cách như hiện nay mãi là không được” – ông Lê Như Tiến trao đổi.

Cũng theo ông Lê Như Tiến: Chống dịch mà khoanh vùng ở nhà hết cả thành phố khiến rất nhiều người đã trầm cảm, tự kỷ vì ngồi nhà nhiều và phát sinh rất nhiều vấn đề.

“Tôi cũng cho rằng, không nên quá nhiều Chỉ thị chồng chéo nhau, Chỉ thị quy định sau phức tạp hơn quy định trước làm cuống quýt, làm rối lên tình hình”, ông Tiến nhận định.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và một số lãnh đạo đã nói, chúng ta không thể phong tỏa mãi được, có biện pháp sống chung với bệnh dịch, cách tốt nhất vẫn phải tiêm vắc xin cho toàn dân.

Cái này là biện pháp tốt nhất chứ không phải biện pháp ngăn rào, chắn cổng, lấy khóa, lấy dây thép gai, các thứ dây lằng nhằng lên tất cả các cửa ngõ. Điều này, rất phản cảm.

Nếu chắn thì hình thức chắn phải đẹp thể hiện văn minh đô thị chứ không thể vác cả ghế, bàn…chổng ngược, rất thiếu thẩm mỹ, không thể hiện được đô thị ngàn năm văn hiến.

“Tôi đi, thấy nhiều vùng xanh, vùng đỏ làm theo kiểu như ấp chiến lược. Cần phải làm cho nó đẹp, văn minh, Hà Nội nên nghiên cứu làm kiểu gì cho thẩm mỹ. Không thể làm dây dợ lằng nhằng, ghế bàn lởm chởm mất thẩm mỹ. Người nước ngoài nhìn vào họ thấy mình phản cảm quá”- ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trong-chi-dao-khong-nen-qua-cuong-quyt-lam-roi-len-tinh-hinh-post154706.html