Trông chờ bức tranh tuyển dụng khởi sắc

Tại các trung tâm việc làm, dù có nhiều hình thức quảng cáo để tuyển dụng công nhân nhưng rất khó để tuyển dụng người, ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐTB&XH) cho biết.

Ông nói: "Khả năng cung không đủ cầu là chắc chắn, vì dịch bệnh vẫn còn, chưa chấm dứt, tâm lý của lao động vẫn còn e ngại. Chưa kể lao động sẽ có xu hướng chuyển dịch từ công ty này sang công ty kia hoặc tìm việc khác để làm và các công ty kia lại tuyển đợt lao động mới. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động sau khi DN hoạt động trở lại.
Còn theo Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, trước nhu cầu lao động tăng, mỗi ngày có trên 20 DN tham gia "săn tìm" lao động với hơn 4.000 việc làm tại sàn giao dịch tuyển dụng lao động trực tuyến. Tuy nhiên, chỉ có hơn... 150 lao động tham gia. Trong đó chỉ có một số vị trí cần tuyển dụng đi làm ngay, còn lại đa số tuyển dụng cho kế hoạch từ nay đến cuối năm, khi ổn định dịch mới đi làm.

 Ảnh minh họa.Ảnh: Thủy Trúc.

Ảnh minh họa.Ảnh: Thủy Trúc.

Tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh), nhiều DN đều thông báo tuyển dụng lao động. Đại diện Công ty Canon (Nhật Bản) cho biết, một lao động phổ thông vừa học vừa làm tại công ty có mức lương khởi điểm cộng với các khoản phụ cấp là hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Với lao động có tay nghề, lương không dưới 4 triệu đồng/tháng, chưa kể làm thêm giờ. Ngoài ra, DN còn có nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, công ty cũng luôn trong tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật. Các chuyên gia cho rằng, tình cảnh chung mà công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn đang phải đối mặt là thu nhập thấp, chi phí thuê nhà, điện, nước… cao.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát xu hướng tuyển dụng của DN Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 do Trung tâm quốc gia về Dịch vụ việc làm, Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH và Tập đoàn Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam vừa công bố cũng đã đưa ra dự báo, bức tranh tuyển dụng của các DN dự báo sẽ khởi sắc. Theo đó, hơn 80% số DN được khảo sát có ý định gia tăng hoạt động tuyển dụng hoặc duy trì số nhân sự hiện tại. Có 40% DN dự kiến tăng tuyển dụng trong vòng 3 tháng tới, hơn 24% DN dự kiến tăng tuyển dụng trong 6 tháng. Theo báo cáo thì triển vọng tuyển dụng mạnh mẽ nhất tập trung ở các DN thuộc lĩnh vực sản xuất và chế biến chế tạo, bán sỉ, bán lẻ và thương mại, công nghệ thông tin, GD&ĐT, xây dựng và dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp...
“Từ khi đại dịch diễn ra đến nay, thị trường trong nước đang chứng kiến xu hướng chuyển dịch của các nhà máy sản xuất từ nước ngoài sang Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với nhiều cơ hội việc làm đang mở ra cho lao động Việt” - Giám đốc Dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động miền Bắc Manpower Group Việt Nam Lê Thị Kim cho biết.
PGS TS Phạm Thế Anh - Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc hàng loạt người lao động di chuyển khỏi nơi cư trú như thời gian qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực lâu dài tại các khu kinh tế, đặc biệt là khu trọng điểm phía Nam. Nếu không giải quyết sớm nguồn nhân lực sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, khả năng phục hồi của thị trường lao động sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, công tác tiêm vaccine cho người dân và hiệu quả của các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế. Các chính sách hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định và phát triển trong điều kiện “bình thường mới” cần hướng tới mục tiêu: Tái kết nối ổn định chuỗi cung ứng, tăng cường liên kết vùng. Đại dịch Covid-19 cũng đã cho thấy việc bố trí không gian công nghiệp còn chưa hợp lý, không đảm bảo cân đối giữa các vùng kinh tế dẫn tới việc di chuyển một lực lượng lớn lao động từ khu vực này sang khu vực khác. Chính sách phát triển thị trường lao động thiếu đồng bộ, chưa thống nhất giữa các chính sách tăng trưởng kinh tế và việc làm, thị trường lao động; chưa kịp thời có giải pháp ứng phó với những thay đổi trên thị trường lao động (khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, thiếu hụt lao động,…).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội khóa XIV Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế và chính sách thị trường lao động dựa trên các nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch; quan tâm tạo việc làm, đào tạo nghề, nâng cao khả năng thương lượng về việc làm của người lao động…

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/trong-cho-buc-tranh-tuyen-dung-khoi-sac-440056.html