Trông con sửa mình
Một ngày, khi vô tình quan sát, chị Lê Trang (ngụ quận 6, TPHCM) tá hỏa khi thấy những hành động của cô con gái 4 tuổi từ cách chống tay, lên giọng khi nói chuyện và đôi khi cả cái cau mày tức tối - sao quen thế. Chị ngẫm lại, hóa ra đó là cách mình từng phản ứng với chính con và những người xung quanh.
Lặp lại
Càng cố gắng quan sát kỹ hơn, chị Trang càng thấy con gái giống như bản sao của mình từ điệu bộ, cử chỉ, lời nói trong sinh hoạt hàng ngày. “Con đã bảo mẹ rồi là con không thích ăn món đó, sao mẹ lại cứ ép con”, chị Trang nhớ lại và bật cười vì từng nói với chồng y chang vậy. Và, đó là cái cớ để con gái bắt bẻ: “Chẳng phải mẹ từng nói với ba như vậy sao”.
Một lần khác, chị lỡ thốt lên: “Tôi thua cô rồi” khi thấy con gái bày đồ chơi, giục nhiều lần vẫn không chịu dọn dẹp. Và, trong một ngày đi làm về quá mệt mỏi, để gian bếp bừa bộn, quần áo chưa gấp gọn gàng, cô bé cũng nhắc lại: “Con thua mẹ rồi”.
Câu chuyện như của chị Lê Trang không phải hiếm gặp. Anh Minh Thành (ngụ đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng tương tự. “Ba không được làm thế, làm thế là sai rồi”, “Ba phải nói to lên con mới nghe rõ chứ”, “Ba rất là hư”, “Con mệt lắm, con còn phải nghỉ ngơi”. Anh Thành ngẫm lại và thấy không phải ngẫu nhiên một đứa bé 5 tuổi lại có thể nói chuyện y chang người lớn. Hóa ra, những câu nói đó, hơn một lần anh từng nói với con và cậu bé nhắc lại không sai một chữ. Thậm chí, khi cậu bé nóng giận, cử chỉ hai tay chống nạnh, nằm quay mặt vô tường, hay cái lừ mắt… đều là của anh.
“Ban đầu tôi cứ nghĩ việc dạy con hoàn toàn bản năng, mình thấy con sai ở đâu sửa ở đó. Nhưng không phải, mỗi hành động hàng ngày của chúng ta chính là hình mẫu để con nhìn vào đó và học hỏi. Trẻ con luôn coi cha mẹ là thần tượng và chúng dễ dàng bắt chước rất nhanh, chỉ sau 1-2 lần quan sát. Khi nhận ra điều đó, tôi tự răn mình phải cẩn thận trong từng lời ăn tiếng nói, mỗi khi có sự xuất hiện của bé”, anh chia sẻ.
Sửa mình để dạy con
Không phải thầy cô, cha mẹ mới chính là những người thầy đầu tiên của con cái. Khi là trẻ sơ sinh, cha mẹ chính là người tập cho bé bú bình sữa, món ăn dặm đầu tiên. Con biết lẫy, biết bò rồi biết đứng và chập chững đi, cũng có bàn tay của cha mẹ. Lớn hơn một chút, khi con học mẫu giáo, dù có thêm sự dạy dỗ của thầy cô nhưng các hành vi của bé đều ảnh hưởng từ cha mẹ và những người thân trong gia đình.
Không phải ngẫu nhiên có câu ca dao Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông. Đó là cả sự đúc kết kinh nghiệm qua nhiều thế hệ. Nó không chỉ đơn thuần là sự phản ánh việc “lên chức” cha, ông khi có con, cháu, mà sâu xa hơn, nó đánh dấu sự chuyển biến giai đoạn quan trọng trong cuộc đời con người. Bắt đầu vai trò mới, các bậc ông bà, cha mẹ phải tự học cách thay đổi chính mình để hoàn thiện hơn, tốt hơn cả về tinh thần lẫn các giá trị vật chất. Nếu đứa bé mỗi ngày từ khi lọt lòng mẹ đều phải học cách thích nghi với cuộc sống mới với vô vàn điều lý thú và cả chướng ngại vật thì chính những bậc làm cha mẹ cũng bắt đầu hành trình học hỏi của mình.
Những trường hợp, tình huống như của chị Trang, hay anh Thành vốn không xa lạ trong cuộc sống này. Điều này cũng cắt nghĩa tại sao nhiều đứa trẻ có thiên hướng chọn nghề nghiệp, hay có những thói quen giống như cha mẹ. Bởi, ngay từ khi còn rất nhỏ, chúng đã chứng kiến công việc của cha mẹ mình và dần hình thành nếp suy nghĩ và mong muốn nối nghiệp. Đó cũng là lý do, con gái nếu có một người cha trách nhiệm, biết yêu thương, sẽ lấy đó làm hình mẫu để chọn chồng tương lai; và ngược lại là con trai lấy hình mẫu từ mẹ mình.
Nhưng tự hỏi, trong cuộc sống này có phải lúc nào chúng ta cũng đã làm đúng trách nhiệm của những người làm gương? Anh Thành từng nhận câu hỏi: Tại sao đèn đỏ mà ba không dừng lại, và không biết làm sao để giải thích cho hành động sai của mình. Trong không ít trường hợp, cha mẹ nói một đằng, làm một nẻo đành “há miệng mắc quai” khi dạy con cái. Rất nhiều bậc cha mẹ dù đã “lên chức” nhưng chỉ ở bề nổi, vì thực chất họ vẫn là những “đứa trẻ to xác”.
Làm cha mẹ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời. Nhưng, nó chỉ thực sự hoàn thiện nếu ngay từ điểm đầu, bạn đã sẵn sàng về tâm lý, tâm thế học hỏi để hoàn thiện chính mình. Có rất nhiều khóa học về kỹ năng dạy con cái. Nhưng nói như chị Ngọc Mai (ngụ quận 12, TPHCM): “Vì chúng ta ở bên con mỗi ngày nên cách tốt nhất là quan sát, điều chỉnh hành vi và thái độ. Mọi lý thuyết sách vở chỉ mang tính tương đối và không thể áp đặt bài học của người này lên người khác. Trông cây sửa đất, trông con sửa mình mới là cách giáo dục con hiệu quả nhất”.
Hành trình khôn lớn trưởng thành của một đứa trẻ được tích lũy theo từng giai đoạn cuộc đời, tựa như kiến tha lâu đầy tổ. Trong đó, vai trò của cha mẹ đứng ở vị trí tiên quyết.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trong-con-sua-minh-post696690.html