Trồng đào trên đất chè

Với việc trồng cây hoa đào xem lẫn trong các vườn chè để bán dịp Tết cổ truyền, đã đem lại nguồn thu hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ dân. Đó là mô hình độc đáo hiện đang được nhiều hộ dân ở hai xóm La Đàn và Làng Hỏa, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) áp dụng.

Trừ chi phí, năm 2019 gia đình anh Nông Trọng Tuấn ở xóm La Đàn, xã Văn hán (Đồng Hỷ) thu về khoảng 150 triệu đồng từ trồng đào.

Trừ chi phí, năm 2019 gia đình anh Nông Trọng Tuấn ở xóm La Đàn, xã Văn hán (Đồng Hỷ) thu về khoảng 150 triệu đồng từ trồng đào.

Xóm La Đàn và Làng Hỏa có trên 340 hộ dân, kinh tế của người nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong đó chè là cây trồng mũi nhọn với tổng diện tích hơn 140 ha. Những ngày giáp Tết, từng đoàn xe của thương lái chở chè đi muôn ngả, mang theo niềm vui của người trồng chè. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây nhiều người trồng chè nơi đây phấn khởi hơn mỗi độ Tết đến, Xuân về khi có thêm nguồn thu nhập từ việc trồng đào bán Tết.

Đã 10 năm nay, gia đình anh Nông Trọng Tuấn, xóm La Đàn gắn bó với cây hoa đào bán vào dịp Tết Nguyên đán. Những năm đầu, anh chỉ trồng khoảng 100 cây trên diện tích chè của gia đình. Dần dần nhận thấy cây đào phát triển tốt, bán được giá cao, anh đã chuyển đổi 5 sào cấy lúa và trồng chè kém hiệu quả sang trồng đào, đến nay gia đình anh đã có 700 cây đào từ 1-3 tuổi. Tết năm nay anh sẽ bán ra thị trường khoảng 250 cây. Nếu giá đào như Tết năm 2019 thì anh Tuấn sẽ thu về trên 120 triệu đồng. Anh Tuấn cho biết: Nhằm tận dụng những khoảng đất trống trong vườn chè nên tôi đã mua cây hoa đào về trồng để bán.Nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại cho gia đình anh Nông Trọng Tuấn, nhiều người dân hai xóm La Đàn và Làng Hỏa cũng đã đưa cây đào vào trồng xen canh trong các diện tích chè. Đến nay đã có trên 50 hộ trồng đào, nhà ít cũng vài ba chục cây, nhà nhiều thì 500 - 700 cây. Chủ yếu là đào phai và đào Bích, từ 1-4 năm tuổi. Tiếp chúng tôi tại vườn đào của gia đình, Chị Đỗ Thị Hoa, xóm Làng Hỏa chia sẻ: Gia đình đã trồng đào được 3 năm nay, Tết năm trước, gia đình thu về được 4 triệu đồng từ việc bán đào. Năm nay có khoảng 100 cây để bán. Gia đình vừa san gạt thêm hơn 4 sào đất bãi để mở rộng diện tích trồng đào.

Theo các hộ trồng đào, cây đào trồng ở đây rất phù hợp với khí hậu, đất đai của địa phương nên cây phát triển tốt. Trồng đào bán cây, bán cành không mất nhiều công chăm sóc, chỉ cần 1-2 lao động có thể chăm sóc hàng trăm cây.

Mặc dù đã đem lại hiệu quả cho nhiều hộ dân nhưng người dân chủ yếu vẫn trồng tự phát, manh mún. Với mong muốn phát triển thành làng nghề trồng đào, năm 2020, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đồng Hỷ hỗ trợ mỗi sào đào (trồng khoảng 180 cây) trồng mới 5 triệu đồng. Qua đó đã có 9 hộ trồng mới với tổng diện tích gần 4.600m2. Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: Mô hình đã mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn xã, không chỉ nâng cao thu nhập mà còn giải quyết được tình trạng hoang hóa đất. Tuy nhiên, việc trồng đào xen canh với chè ít nhiều ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng chè. Do đó thời gian tới xã sẽ tuyên truyền vận động nhân dân trồng tách biệt trên các diện tích khác nhau. Đồng thời, khuyến khích thành lập thành lập hợp tác xã trồng đào, nhằm giúp bà con có điều kiện tiếp cận với những khoa học, kỹ thuật, vay vốn mở rồng diện tích và học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm lẫn nhau.

Vũ Công

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/trong-dao-tren-dat-che-280164-108.html