Trồng dâu, nuôi tằm ở Hang Hớt

Hang Hớt - một thôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, nhiều năm nay nhờ có những vụ tằm ăn rỗi mà đời sống bà con nơi đây đã vơi bớt nhiều khó khăn.

Nhờ trồng dâu, nuôi tằm, cuộc sống của bà con vùng đồng bào DTTS ở Mê Linh được ổn định hơn

Nhờ trồng dâu, nuôi tằm, cuộc sống của bà con vùng đồng bào DTTS ở Mê Linh được ổn định hơn

Với những lợi ích về kinh tế, hai năm trở lại đây, số hộ tham gia trồng dâu, nuôi tằm tại Hang Hớt tăng nhiều, đến nay, có trên 70/170 hộ trồng dâu, nuôi tằm, với diện tích hơn 15 ha. Ông Cill Phi Criêu Haham - Trưởng thôn Hang Hớt cho biết: Nhiều năm trước, bà con đồng bào DTTS ở đây không ai biết nuôi tằm, đến năm 2018, UBND xã Mê Linh khuyến khích, hướng dẫn các hộ DTTS chuyển đổi trồng dâu, nuôi tằm và hỗ trợ giống dâu, nong, né. Thời điểm đầu, Hang Hớt chỉ có khoảng hơn 20 hộ tham gia, sau khi thấy nghề trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập ổn định, nhiều hộ đã học tập và làm theo, số hộ chuyển đổi nuôi trồng cũng tăng dần.

Như mọi gia đình khác tại thôn Hang Hớt, gia đình ông Cill Ha Thơ trước đây chủ yếu sống nhờ vào 5 sào cà phê. Thế nhưng, cà phê có giá cả bấp bênh, trồng trọt không năng suất, khiến gia đình không thể thoát nghèo. Sau khi được cán bộ xã về hướng dẫn, hỗ trợ trồng dâu, nuôi tằm, gia đình ông Ha Thơ mạnh dạn phá bỏ cà phê chuyển đổi sang trồng 2 sào dâu để nuôi tằm, còn lại 3 sào cà phê ông tiếp tục chăm sóc. 3 năm trở lại đây, nhờ chuyển đổi sang nuôi tằm, thu nhập của gia đình tăng lên rõ.

Ông Cill Ha Thơ chia sẻ: “Trồng dâu, nuôi tằm không quá khó, lại cho thu nhập ổn định hàng tháng. Nuôi tằm 1 tháng cho 2 lứa kén; với giá kén dao động từ 130 - 160 nghìn đồng/kg, 2 sào dâu giúp gia đình thu về khoảng 8 triệu đồng/đợt”.

Tương tự, gia đình ông Lơ Mu Ha Pol, thôn Hang Hớt cũng đã có cuộc sống ổn định từ khi chuyển đổi sang nuôi tằm. Ông Lơ Mu Ha Pol cho biết, ban đầu, nhiều hộ đồng bào ngại nuôi vì không biết cách trồng dâu và sợ con tằm. Nhưng khi được cán bộ xã hướng dẫn, thấy được việc nuôi tằm lấy kén cho thu nhập cao nên gia đình chuyển sang. Trồng dâu, nuôi tằm không cần vốn nhiều, để tằm phát triển tốt, gia đình cũng đã đổi cách nuôi truyền thống trên nong, né sang nuôi tằm trên khay trượt, việc này giúp tiết kiệm diện tích nuôi tằm, đảm bảo nhà tằm sạch sẽ, thông thoáng, tằm ít bị bệnh hơn. “Trung bình 1 sào dâu nuôi được 1 hộp tằm giống cho khoảng gần 50 kg kén, một năm có khoảng 10 lứa tằm. Với 3 sào dâu, gia đình tôi có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, trừ chi phí”, ông Ha Pol cho hay.

Có thể thấy, nghề nuôi tằm lấy kén giúp mang lại thu nhập cao, ổn định cho đồng bào DTTS, nhiều hộ nuôi tằm có mức thu nhập hàng chục triệu đến trăm triệu mỗi năm. Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Mê Linh cho biết: “Thời điểm dịch bệnh này giá kén không bị ảnh hưởng nhiều, nếu thấp nhất kén có giá khoảng từ 100 - 120 nghìn đồng/kg, với giá này bà con vẫn có lãi”.

Mê Linh là một trong số các xã của Lâm Hà có đông người DTTS sinh sống, với khoảng 450 hộ đồng bào DTTS, chủ yếu là người K’Ho và người Cill, phân bổ tại 4 thôn Cổng Trời, Hang Hớt, Thực Nghiệm và Buôn Chuối. Với giá trị kinh tế cao, đến nay, nghề trồng dâu, nuôi tằm không chỉ phổ biến tại thôn Hang Hớt mà 3 thôn đồng bào còn lại cũng đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi tằm.

Ông Hải chia sẻ, trồng dâu, nuôi tằm đối với người Kinh không có gì lạ lẫm nhưng đối với đồng bào DTTS thì rất mới, để có được những đổi thay về chuyển đổi cây trồng như ngày nay, địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Trước đây, người đồng bào ở 4 thôn này chủ yếu trồng cà phê, bắp, lúa. 10 năm trước, xã Mê Linh đã thực hiện chiến dịch vận động đồng bào DTTS chuyển đổi cây trồng, hướng dẫn bà con trồng dâu, nuôi tằm để nâng cao thu nhập nhưng hoàn toàn thất bại, vì bà con ngại thay đổi, sợ con tằm, không biết chăm sóc. “Phải đến năm 2018, chiến dịch này mới có thể thực hiện và có những bước tiếp cận khả quan, khi đời sống, tư duy của người DTTS trở nên cởi mở hơn, chịu tiếp nhận những kiến thức mới để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”, ông Hải nói.

Ba năm trở lại đây, xã Mê Linh tập trung tuyên truyền, vận động bà con đồng bào DTTS trồng dâu, nuôi tằm. Với nguồn kinh phí 100 triệu từ mô hình trồng dâu, nuôi tằm, địa phương hỗ trợ các hộ đồng bào giống, nong, né. Các cán bộ đoàn thể, mặt trận được phân công phụ trách từng thôn đồng bào, cán bộ phụ trách mang cây dâu, tằm giống xuống từng thôn, ngõ để “cầm tay, chỉ việc” cho các hộ DTTS.

Nhờ đó, đến nay, đã có hơn 60 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm. Qua đó, giúp thu nhập của vùng đồng bào DTTS tại xã Mê Linh được nâng lên, hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống vùng đồng bào DTTS có nhiều đổi thay.

NHẬT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202108/trong-dau-nuoi-tam-o-hang-hot-3070778/