Trống đọi tam trên quê hương Bình Phước

Trong tiềm thức của người Việt Nam từ rất lâu, tiếng trống luôn gắn liền với các ngày lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Âm thanh rộn ràng của trống chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Với những người am hiểu về trống, chắc chắn sẽ biết đến nghề làm trống gia truyền Đọi Tam ở xã Đọi Sơn (nay là xã Tiên Sơn), huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Với hơn 1.000 năm lịch sử, trống chính là hơi thở, nhịp sống của người dân nơi đây. Thật đặc biệt khi ở huyện Đồng Phú có một người sinh ra và lớn lên ở làng trống Đọi Tam đã và đang dồn tâm huyết của mình đưa tiếng trống của quê hương vang xa trên vùng đất mới.

Nằm sát đường ĐT741, phía trước là trũng Đồng Ca với cảnh đẹp hữu tình, cơ sở sản xuất trống gia truyền của anh Phạm Công Đồng ở khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú đã tồn tại nhiều năm nay. Những cái trống được anh sản xuất rất đa dạng, mang đậm dấu ấn tự hào của làng trống Đọi Tam. Những năm qua, anh Đồng đã bỏ ra nhiều thời gian, công sức nhằm gìn giữ nghề làm trống gia truyền trên quê hương Bình Phước.

Thoạt nhìn, làm trống có vẻ đơn giản nhưng để trống có chất lượng cao thì phải vận dụng linh hoạt những bí quyết nhà nghề. Anh Đồng cho biết: Vẫn chỉ có 2 nguyên liệu chính là gỗ mít và da trâu nhưng người tinh tường sẽ nhận ra tiếng trống Đọi Tam có âm vang riêng. Nhất là trống cái, trống hội bao giờ cũng trầm hùng, vang dội hơn nơi khác sản xuất. Đấy chính là công thức, bí quyết được tích lũy suốt mấy trăm năm và chỉ truyền trong làng, trong họ. Để có được cái trống tốt, người làm rất cẩn thận trong khâu chọn nguyên liệu. Gỗ phải là gỗ mít già, có độ cong theo yêu cầu của từng loại trống. Da trâu phải già, được nạo sạch, sau đó căng, phơi rồi sấy và cắt thành mặt trống để dai, không mục, mủn. Nhưng để có được tiếng trống như ý thì phụ thuộc vào tay nghề của người làm, vì mỗi loại có yêu cầu về âm thanh khác nhau, như độ vang, rền và độ đanh. Ví dụ, nếu trống trường âm thanh phải vang, rền còn trống chèo lại đòi hỏi âm thanh trầm lắng... Mỗi loại âm thanh của trống được tạo ra từ thao tác chính xác đến tuyệt đối của người thợ trong việc xử lý nguyên liệu, từ khâu chế tác, xếp tang (khung gỗ), đến chọn và xử lý da trâu, căng da, đóng đinh. Thậm chí việc đánh bóng và vẽ hoa văn trên mặt trống, tang trống Đọi Tam cũng có bí quyết riêng.

Anh Phạm Công Đồng đang gắn những tang trống sao cho quả trống tròn và chuẩn kích thước

Anh Phạm Công Đồng đang gắn những tang trống sao cho quả trống tròn và chuẩn kích thước

“Làm trống là công việc rất kén thợ, không phải ai muốn theo nghề cũng có thể trở thành thợ giỏi. Người làm trống cũng giống như nghệ sĩ, phải có sự đam mê, phải biết thẩm định âm thanh để xác định độ vang của trống”.

Anh Phạm Công Đồng

“Quy trình kỹ thuật làm trống phải được thực hiện kỹ lưỡng qua 3 khâu: làm da, làm tang và bưng trống. Công đoạn quan trọng nhất là bưng trống. Khi da trâu được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, người thợ tiến hành thẩm âm, khi cảm thấy như ý thì mới đóng đinh chốt để cố định vào thân trống. Trống có chất lượng âm thanh như thế nào phụ thuộc vào tay nghề cao, thấp của người thợ” - anh Đồng chia sẻ.

Hiện cơ sở trống của anh Đồng có thể làm được các loại trống như trống múa lân, cổ động, trống trường, trống nhạc lễ, trống chùa... với đủ kích thước, hoa văn khác nhau, tùy nhu cầu của khách hàng. Trống do gia đình anh sản xuất không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà nhiều khách hàng tại các tỉnh Đắk Lắk, Tây Ninh, Đồng Nai… Để xây dựng và phát triển thương hiệu trống Đọi Tam, anh Đồng cho biết ngoài vấn đề chữ tín và chất lượng sản phẩm thì cần sự năng động, sáng tạo của mỗi người thợ để tạo nên những nét riêng và độc đáo. Thấu hiểu được điều đó, nên anh luôn tự nhủ mình phải cố gắng, trau chuốt nghề hơn nữa để tiếng trống Đọi Tam ở Bình Phước ngày một vang xa.

Theo truyền thống, nghề làm trống Đọi Tam là nghề cha truyền con nối. Tất cả những kỹ thuật làm trống của làng chỉ được truyền cho con trai, thứ đến là con dâu. Vì vậy, dù em gái và em rể cùng phụ làm nhưng anh Đồng cũng chỉ hướng dẫn những bước cơ bản, còn bí quyết gia truyền thì anh phải giữ theo quy định của ông, cha.

Giữa bộn bề cuộc sống hiện đại, cơ sở sản xuất trống gia truyền của anh Đồng ngày ngày vẫn vang vọng tiếng đục đẽo, gọt mài... Khung cảnh đó chính là niềm hy vọng về việc bảo tồn tinh hoa của làng nghề cổ. Và để làm được điều này, cần hơn nữa những người “giữ lửa và truyền lửa” tận tâm.

Minh Hiền

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/130574/trong-doi-tam-tren-que-huong-binh-phuoc