Trồng dừa theo hướng hữu cơ cho thu nhập cao

Xã Đại Phúc, huyện Càng Long là 01 trong 10 xã có diện tích trồng dừa theo hướng hữu cơ đạt thu nhập cao và được chọn là mô hình nông thôn mới cấp tỉnh. Hiện nay, phần lớn diện tích trồng lúa trên địa bàn xã đã chuyển sang trồng dừa và cây ăn trái, đặc biệt là cây dừa chiếm 640ha, trong đó có 346ha dừa trồng theo hướng hữu cơ.

Gia đình ông Lưu Huỳnh Văn Luông (bên phải) thu hoạch dừa bán cho thương lái.

Gia đình ông Lưu Huỳnh Văn Luông (bên phải) thu hoạch dừa bán cho thương lái.

Theo cán bộ xã đến ấp Tân Hạnh, xã Đại Phúc vào thời điểm nông dân đang thu hoạch dừa. Bà Trần Thị Nhiệp, ấp Tân Hạnh cho biết: kinh tế gia đình trước đây phụ thuộc vào trồng lúa 03 vụ/năm. Do giá lúa bấp bênh, lợi nhuận thấp, bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/ha, chủ yếu lấy công làm lời, có vụ thuê nhân công chăm sóc lúa, phun xịt, bón phân nên chi phí tăng cao, lợi nhuận thấp. Từ khi chuyển đổi đất lúa sang trồng dừa, kinh tế tăng lên, thu nhập hàng tháng ổn định hơn.

Mặt khác, trồng dừa nhẹ công chăm sóc, phù hợp với điều kiện cũng như sức khỏe hiện nay. Chi phí trồng dừa chủ yếu phân bón và công lao động vệ sinh vườn dừa thông thoáng nhưng không nhiều, bình quân bón phân 02 lần/năm. Đặc biệt, từ khi áp dụng phân bón hữu cơ, dừa cho năng suất cao, nhờ trái ổn định hơn.

Bà Nhiệp cho biết thêm: đối với cây dừa sâu bệnh đáng lo ngại nhất là bọ cánh cứng, đầu đen, do đó, trong quá trình trồng thường xuyên thăm vườn khi phát hiện sâu bệnh gây hại có biện pháp xử lý kịp thời, quan trọng là bón phân đúng, đủ để dừa cho trái thường xuyên. Với 02ha dừa hiện nay đang cho trái hàng tháng 03 thiên dừa (1.200 trái/thiên) với giá bán 95.000 đồng/chục dừa (12 trái) thu nhập ổn định. Nhờ có nguồn thu nhập từ dừa, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, các con có điều kiện học hành và có việc làm ổn định trong và ngoài tỉnh.

Nông dân Lưu Huỳnh Văn Luông, ngụ cùng ấp có cuộc sống khá từ trồng dừa hữu cơ trên đất lúa. Ông Luông cho biết: với 02ha dừa hiện đang cho trái thu nhập bình quân 02 - 03 triệu đồng, riêng tháng này dừa tăng giá lên 95.000 đồng/chục nên thu nhập tăng lên 04 - 05 triệu đồng/tháng. Nhớ lại khi chuyển sang mô hình mới, dừa phát triển tốt, cho trái say, mỗi năm cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng.

Đặc biệt từ khi chuyển sang chăm sóc dừa theo hướng hữu cơ, tưới nước đều đặn tuổi thọ cây dừa tăng hơn, trái say hơn. So với dừa trồng truyền thống, dừa hữu cơ được thương lái thu mua tăng giá từ 5.000 đồng/chục trở lên, kinh tế cải thiện đáng kể so với đất trồng lúa. Tuy có lúc dừa sụt giá mạnh nhà vườn vẫn có thu nhập cao hơn so với lúa, có năm dừa tăng cao trên 100.000 đồng/chục các nhà vườn phấn khởi được mùa bội thu liên tục nhiều tháng.

Gần đây, do dừa lão trồng nhiều năm nên sản lượng dừa cho trái từ đầu năm 2024 đến nay thấp hơn mọi năm. Mặt khác, hiện nay ông không đủ sức khỏe nên việc chăm sóc dừa cũng hạn chế hơn. Hướng tới, ông thuê nhân công lao động cải tạo vườn tạp, phá bỏ những cây dừa kém hiệu quả trồng mới lại nhằm cải thiện vườn dừa, tăng thu nhập cho gia đình.

Đồng chí Mai Văn Kha, Chủ tịch UBND xã Đại Phúc cho biết: thời điểm này nhà vườn cơ bản nhờ dừa được giá, thu nhập tăng lên đáng kể. So với trồng dừa truyền thống, trồng dừa theo hướng hữu cơ vượt trội hơn. Số lượng trái cho thu hoạch tăng hơn, chất lượng dừa được thương lái ưa chuộng nhiều hơn. Đến thời điểm này trên địa bàn xã không còn diện tích đất trồng lúa, toàn bộ chuyển sang trồng dừa và bưởi da xanh.

Ngoài ra, xã còn triển khai nhân rộng một số mô hình trồng dừa thâm canh theo hướng hữu cơ nhằm tạo sản phẩm sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng để các nhà vườn tiếp cận ứng dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà hướng tới liên kết tiêu thụ ổn định với các doanh nghiệp giúp nông dân an tâm sản xuất, ổn định đầu ra.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/trong-dua-theo-huong-huu-co-cho-thu-nhap-cao-39500.html