Trông giữ xe dịp Tết:Giám sát, kiểm tra để tránh 'chặt chém'

Nhằm kiểm soát việc tăng giá dịch vụ trông giữ xe trong dịp Tết Nguyên đán, ngày 24-1-2025, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch mở rộng phạm vi triển khai thí điểm thanh toán giá trông giữ xe không sử dụng tiền mặt. Các quận, huyện, thị xã cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát hoạt động này.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànôịmới, tình trạng "chặt chém" giá trông giữ xe đã giảm, một số địa điểm tổ chức trông xe miễn phí...

Thanh toán phí trông giữ xe không dùng tiền mặt tại bãi gửi xe vào Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ).

Thanh toán phí trông giữ xe không dùng tiền mặt tại bãi gửi xe vào Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ).

Vẫn còn nơi thu giá cao hơn quy định

Tại đền Quán Thánh (quận Ba Đình), do số lượng người dân đến lễ, xin lộc đầu năm tăng nên từ đêm Giao thừa đến mùng 6 Tết âm lịch (từ 29-1 đến 3-2), số lượng xe máy, ô tô gửi quá đông. Ngoài điểm trông xe được cấp phép tại cổng đền, nhiều đoạn vỉa hè được trưng dụng để trông ô tô, xe máy. Vỉa hè phố Quán Thánh, đường Hùng Vương, đường Thanh Niên đều luôn kín chỗ. Giá gửi xe máy từ 10.000-15.000 đồng/xe, ô tô có giá từ 50.000-100.000 đồng/xe.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới trong ngày 2-2, trên vỉa hè đường Hùng Vương, đoạn giao cắt với phố Phan Đình Phùng luôn kín ô tô đỗ. Ngay đầu đường có một tấm biển ghi: Điểm trông giữ ô tô vào đền Quán Thánh. Tuy nhiên ở phần ghi giấy phép số, ngày cấp phép, hạn sử dụng… đều bị che mờ, không nhìn rõ thông tin. Giá trông xe ô tô tại đây thường là 100.000 đồng/xe.

Tình trạng giá trông xe cao hơn quy định cũng diễn ra tại khu vực quận Hoàn Kiếm. Điển hình, phố Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ trong những ngày Tết trở thành nơi trông ô tô tự phát. Dù khách gửi 10 phút hay 60 phút thì người phụ nữ trông xe tại đây đều thu 100.000 đồng/xe. Đáng nói là nhiều địa điểm trên tuyến phố này không có biển cấm dừng đỗ, nhưng bất cứ ai dừng xe đều bị thu tiền. Tại khu vực phố Hàng Buồm, do có Di tích đền Bạch Mã nên lượng khách đến khá đông, kéo theo các điểm trông xe tự phát, thu 15.000-20.000 đồng/xe máy.

Ghi nhận tại chùa Phúc Khánh hay còn gọi là Tổ đình Phúc Khánh (phố Tây Sơn, quận Đống Đa) ngày 1-2, 2-2, nơi đây luôn đông nghẹt khách đến lễ chùa. Cả một đoạn đường dài trước cổng chùa nhốn nháo, mất trật tự bởi hàng chục người mời, gọi trông xe máy.

“Nhiều người đứng chắn ngay trước đầu xe máy để ép người đi chùa gửi xe. Họ thu 20.000 đồng/xe, song khi bị khách phản ứng giá cao thì tỏ ý khó chịu, không trả lời mà bỏ đi mời gọi khách khác”, chị Lê Thu Trà (ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa) chia sẻ.

Trong khi đó, tại khu vực giáp ranh tỉnh Hà Nam và thành phố Hà Nội, tổ hợp chùa Hàm Long, đền Đức Thánh Cả có giá trông xe trái ngược nhau. Khu vực trông xe của đền Đức Thánh Cả chỉ 5.000 đồng/xe máy thì tại bãi trông xe ở chùa Hàm Long lại thu 20.000 đồng/xe máy và 50.000 đồng/xe ô tô. Tại điểm thu tiền trông giữ xe ô tô, dù ban quản lý di tích niêm yết giá vé song thông tin trên bảng niêm yết đã không còn nguyên vẹn.

Tăng cường điểm trông xe không dùng tiền mặt

Nhằm ngăn ngừa việc tăng giá tùy tiện tại các điểm trông xe dịp Tết, thành phố đã mở rộng phạm vi triển khai thí điểm thanh toán giá trông giữ xe không dùng tiền mặt.

Trong đó, quận Tây Hồ đã bố trí lực lượng túc trực kiểm soát hoạt động của 2 điểm trông giữ xe được quận cấp phép ở bãi xe vào Phủ Tây Hồ và khu vực ngõ 50 và số 88 phố Đặng Thai Mai để phục vụ nhân dân. Theo đó, ô tô gửi 60 phút đầu phải trả 20.000 đồng/xe, từ phút 61-120 phút là 40.000 đồng/xe…; với xe máy thì thu phí quét mã QR, với mức 5.000 đồng/xe máy ban ngày, 8.000 đồng/xe buổi tối.

Theo Chủ tịch UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ) Nguyễn Danh Thụ, lực lượng công an phường và quận thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm tra trang phục, thẻ nhân viên, nội quy trông xe, niêm yết bảng giá tại các điểm thu phí không tiền mặt để tránh tình trạng thu quá giá quy định. Đối với các điểm trông xe tự phát, lực lượng công an rà soát liên tục để nhắc nhở, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý ngay.

Các quận khác cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát hoạt động các điểm trông giữ xe phục vụ nhân dân. Trong đó, Đoàn kiểm tra quận Hoàn Kiếm đã liên tục kiểm tra giấy phép trông xe, diện tích sử dụng, thực hiện thu phí không dùng tiền mặt ở khu vực trông giữ xe chùa Quán Sứ. Do vậy, nhiều người đã không bị mất phí cao so với các điểm trông xe khác.

Để thuận lợi cho người dân du xuân, một số địa phương vẫn duy trì truyền thống miễn phí trông giữ xe tại các đền, chùa. Điển hình là khu vực chùa Hà (quận Cầu Giấy), từ nhiều năm qua vẫn duy trì lực lượng trông giữ phương tiện miễn phí cho người dân đến lễ. Tương tự, chùa Long Quang (phường Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) cũng tổ chức trông xe miễn phí cho người dân đến vãng cảnh chùa.

Có thể thấy, việc mở rộng mô hình thu phí không tiền mặt, trông xe miễn phí, cũng như sự tăng cường giám sát của lực lượng chức năng đã hạn chế bất cập trong việc tăng giá sai quy định trong dịch vụ này vào dịp Tết. Tuy nhiên, tại các khu di tích, văn hóa tâm linh vẫn xuất hiện một số điểm trông xe tự phát ăn theo để trục lợi. Điều này đòi hỏi sự giám sát, kiểm tra sát sao hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trong-giu-xe-dip-tet-giam-sat-kiem-tra-de-tranh-chat-chem-692369.html