Trống H'gơr trong đời sống của người Ê Đê

Đồng bào Ê Đê ở đại ngàn Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ cho nên chiếc trống H'gơr (Trống cái) của người Ê Đê có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trống H'gơr được làm từ một thân cây gỗ tự nhiên, với hai mặt phủ bằng da trâu. Trống được đặt cố định trên ghế K'pan trong gian khách của ngôi nhà sàn dài và thường sử dụng kết hợp dàn chiêng.

Du khách tham quan, tìm hiểu trống H’gơr được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk.

Du khách tham quan, tìm hiểu trống H’gơr được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk.

Là người am hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Y Tông Niê ở buôn Mriu, xã Cư Huê (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, H’gơr là trống cái, nhưng làm ra chiếc trống này lại do những người đàn ông trong làng. Sau khi lên rừng chọn một cây to, thẳng, không bị rỗng, người Ê Đê tổ chức một lễ cúng xin các thần linh, tổ tiên cho phép được chặt cây để làm trống. Sau khi cúng xong, họ hạ cây và chia thân ra thành từng đoạn, có kích thước phù hợp. Lúc này, người thợ dùng rìu tiến hành đẽo sạch vỏ cây; phần giữa khúc gỗ để nguyên, hai đầu đẽo gọt nhỏ hơn so với thân trống; bên trong thân cây được khoét rỗng cho đến khi đạt độ dày cần thiết để làm tang trống. Hoàn thiện việc đẽo khoét lòng trống, người thợ tiếp tục dùng bó tranh hơ, đốt bên trong. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận vì nó ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh của trống sau này. “Việc làm trống được tiến hành liên tục trong nhiều ngày cho đến khi hoàn thiện. Tuy nhiên, khi đêm xuống, những người làm trống nghỉ ngơi và cử người luân phiên canh gác trống, người canh gác phải thường xuyên gõ vào thân trống, với ý nghĩa xua đuổi các thần ác, để tránh làm hại tới chủ chiếc trống”, ông Y Tông chia sẻ.

Điểm đặc biệt ở chiếc trống H’gơr của người Ê Đê là hai mặt trống được bịt bằng da của con trâu đực và con trâu cái, người thợ phải tính toán sao cho thật chuẩn để da không bị thiếu hoặc bị thừa quá nhiều. Trước khi đưa vào sử dụng, da trâu được xử lý kỹ, phơi không quá khô để khi căng vẫn có độ mềm dẻo nhưng cũng không được ẩm ướt vì khi bịt vào mặt trống, da dễ bị co rút trong quá trình sử dụng. Để ghim chặt tấm da trâu vào gỗ khi bịt hai mặt trống, người Ê Đê sử dụng những chiếc đinh được vót nhọn từ gốc tre già, đóng đều trên tang trống ở hai đầu và giữa thân trống thành những vòng đinh cách đều nhau. Khi tấm da trâu đã được căng và cố định chặt, người thợ dùng dao bén cắt hết da thừa, cạo lông trên bề mặt trống, còn trên tang trống để nguyên lông. Trên cả hai mặt trống đều có một lỗ tròn, nhỏ có đường kính khoảng 5-6 mm, lỗ nhỏ này được dùi trong quá trình điều chỉnh âm thanh, giúp lưu thông không khí trong lòng trống. Sau khi trống được hoàn thiện tại rừng, người Ê Đê tiến hành làm lễ rước trống về nhà. Từ đây, trống được đặt cố định trên ghế K’pan của gian khách, được dùng để đánh cùng với dàn chiêng Knah trong các lễ quan trọng của gia đình, báo hiệu khi trong nhà có người qua đời hoặc trong lễ đưa tang, bỏ mả.

Đối với người Ê Đê, trống H’gơr là một tài sản quý, gắn liền những nghi lễ của gia đình, dòng họ, buôn làng từ lúc sinh ra cho đến khi về với thế giới bên kia. Trước đây, trống có giá trị cao, có thể trao đổi bằng trâu, bò; trống càng to chứng tỏ gia đình đó càng giàu có. Nhưng hiện nay, tại các buôn làng, trống không còn sử dụng nhiều, nhưng những giá trị văn hóa, tâm linh của những chiếc trống H’gơr vẫn luôn sâu đậm trong tâm trí của người Ê Đê.

Với vai trò quan trọng của trống H’gơr trong đời sống của đồng bào Ê Đê, thời gian qua, Bảo tàng Đắk Lắk đã sưu tầm được một số trống H’gơr để bảo quản và trưng bày cho khách tham quan, nghiên cứu, chiêm ngưỡng ■

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/trong-h-gor-trong-doi-song-cua-nguoi-e-de-228393.html