Trông ngóng nhận tiền hỗ trợ: SV sư phạm lo không có tiền mua vé xe về ăn Tết
'Không học sư phạm thì em không được đi học nữa vì nhà nghèo. Làm thêm được hơn 1 triệu/tháng, tiêu tằn tiện cũng không đủ tiền vé xe về quê'.
Đó là tâm sự chung của nhiều sinh viên sư phạm có cuộc sống khó khăn, đang từng ngày ngóng trông được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị định 116.
Theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP áp dụng từ năm học 2021-2022, sinh viên sư phạm (thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu) được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Tuy nhiên, do một số trường chậm chi trả hỗ trợ, hoặc trả theo quý, theo năm khiến sinh viên mòn mỏi chờ đợi, cuộc sống khó khăn.
Thực tế, chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 cũng là một trong những lý do khiến những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học tốt có cơ hội được tiếp tục đi học, viết tiếp hành trình cuộc đời với tươi lai tương sáng hơn - trở thành nhà giáo.
Thế nhưng, tiền hỗ trợ chưa được nhận, nhiều gia đình không có điều kiện, bố mẹ, người thân phải chạy vạy từng đồng ít ỏi để chu cấp hàng tháng cho con em yên tâm học hành. Thương bố mẹ nghèo, không ít sinh viên đang trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, đứng giữa ranh giới gắng gượng học tiếp hay dừng lại để về quê vì không đủ tiền trang trải cho cuộc sống ở thành phố đắt đỏ.
Tôi tình cờ được biết em G.T.M (18 tuổi), là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên ở một địa phương thuộc vùng 135 của tỉnh Sơn La. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, G.T.M thi đỗ vào một trường đào tạo sư phạm của tỉnh Vĩnh Phúc.
Chia sẻ câu chuyện của mình, G.T.M bộc bạch: “Từ lúc nhập học, em có đăng ký được nhận khoản hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng. Em chỉ nghe nói là trường sẽ trả theo hình thức chuyển khoản thôi chứ không biết chính xác thời gian được nhận tiền hỗ trợ này là khi nào. Có một số anh chị khóa trên, bạn bè bảo rằng khả năng hết năm học này, khóa em mới được nhận hỗ trợ một thể luôn”.
Liên quan đến cách thức, thời gian nhận tiền hỗ trợ, G.T.M ngần ngại nói: “Đương nhiên là em thích được nhận hỗ trợ theo tháng. Nói chính xác hơn, không chỉ thích mà em thực sự rất cần được nhận hỗ trợ theo từng tháng một để có tiền chi trả sinh hoạt phí, đồ dùng học tập của tháng đó. Cả năm mới được nhận một số tiền lớn thì cũng thích nhưng như vậy thì chắc em chết đói”.
Theo tìm hiểu được biết, gia đình G.T.M thuộc diện khó khăn vùng 135 nên khi đi học đại học, ngoài được miễn học phí, em còn được nhận những khoản trợ cấp khác. Song, G.T.M vẫn chưa được nhận khoản hỗ trợ nào. “Em chỉ biết khi mình đăng ký thì sẽ được nhận hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng”, nữ sinh viên chia sẻ.
G.T.M sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em. Anh trai của G.T.M cũng đang học đại học ở Hà Nội và em út học lớp 11 ở quê. Vất vả, bố mẹ làm nương cuốc rẫy quanh năm cũng không đủ tiền để nuôi 3 con ăn học.
Gia cảnh vốn đã khó khăn, nay thêm chú của G.T.M bị bệnh nặng, bố của em phải vay tiền để chạy chữa cho chú nên kinh tế gia đình càng khó khăn, kiệt quệ hơn.
Ý thức được hoàn cảnh và với tình yêu thương gia đình, 2 anh em G.T.M hiện đang học đại học bảo ban nhau không xin tiền bố mẹ, tự mình lo chi phí sinh hoạt.
“Nhiều lúc, em cũng tủi thân vì gia cảnh nhà mình không có điều kiện như những bạn đồng trang lứa. Thấy bố, mẹ vất vả, em rất thương. Ngày em thi đại học, một phần do em muốn làm giáo viên, phần do nếu không học sư phạm thì em cũng không có cơ hội đi học nữa vì gia đình không có điều kiện. Em biết học sư phạm được trợ cấp tiền và em là người dân tộc nên cũng không mất học phí. Khoản hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng rất có ý nghĩa với em. Đây là cánh cửa để em được tiếp tục đi học, từng bước trở thành nhà giáo. Em rất vui và hạnh phúc.
Ấy vậy mà mới vào trường, nghe các anh, chị khóa trên, bạn bè nói là sẽ phải chờ khoản hỗ trợ rất lâu, em có phần cảm thấy hụt hẫng và lo lắng rằng lấy đâu ra tiền để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Em cũng không thể nào xin tiền bố mẹ vì bố mẹ đã quá vất vả rồi”, nữ sinh chia sẻ.
Vừa chân ướt chân ráo xuống phố, G.T.M vội vàng tìm việc làm thêm với mong muốn có tiền để tự lo cho bản thân trong quá trình học. Thế nhưng, cả tháng đi làm em cũng chỉ nhận được trên dưới 1 triệu đồng tiền lương. Với số tiền này, em ở ký túc xá nên hết 100 nghìn/tháng. Số còn lại em để đóng tiền ăn uống với các bạn cùng phòng và phục vụ học tập. Em đã chi tiêu rất tiết kiệm, chắt bóp từng chút một, nhưng không thể nào đủ vì thường có những vấn đề phát sinh.
Cũng như G.T.M, nhiều sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn quyết định học sư phạm một phần vì biết đến khoản hỗ trợ này. Thế nhưng cũng không biết khi nào mới được nhận hỗ trợ nên sinh viên phải đi làm thêm để có tiền. Những trường đại học, cao đẳng đào tạo sư phạm ở tỉnh thường không được nhộn nhịp, việc làm cho sinh viên cũng hạn chế, mức lương thấp, thu nhập chẳng bao nhiêu.
“Tiền ăn còn chẳng đủ nên em không dám nghĩ đến chuyện về quê. Từ ngày nhập học, em chưa được về nhà. Em rất nhớ nhà. Em muốn được về quê thăm gia đình, người thân nhưng nhà xa, em không có tiền mua vé xe.
Nếu như bây giờ được nhận hỗ trợ theo chính sách thì em và gia đình cũng đỡ phải lo nghĩ. Nhưng cứ tình hình này, em không biết mình sẽ tiết kiệm tiền đi làm thêm kiểu gì để có tiền sinh hoạt, mua vé về quê dịp Tết Âm lịch năm nay.
Em rất mong sớm nhận được tiền hỗ trợ để cuộc sống sinh viên đỡ khổ sở hơn”, nữ sinh ngậm ngùi chia sẻ.
Trên thực tế, không thể phủ nhận Nghị định 116 được ra đời đã thu hút lượng lớn sinh viên theo học. Trong số đó, có nhiều sinh viên hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số vì nhà nghèo, không có tiền nên mới chọn học sư phạm để được hỗ trợ. Nay chậm chi trả khiến nhiều sinh viên lâm vào cảnh khốn đốn, ngóng trông hỗ trợ từng ngày.