Trồng rau sạch ở Đạ Tông
Anh Rơ Jê Ha Mi (sinh năm 1987) là người đầu tiên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thôn Chiêng Cao Cil Múp, xã Đạ Tông (Đam Rông) tiên phong trong việc trồng rau sạch cung ứng cho thị trường Đam Rông cũng như các xã lân cận của huyện Lắk (Đắk Lắk), từ đó, kinh tế cao hơn gấp 10 lần so với canh tác những cây trồng truyền thống.
Thôn Chiêng Cao Cil Múp, xã Đạ Tông là thôn có 99% đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung sống, người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp truyền thống: lúa nước, bắp, cà phê... đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Anh Ha Mi cũng không ngoại lệ, thiếu kiến thức trồng trọt, chăn nuôi nên có một giai đoạn khá dài, gia đình anh thuộc hộ nghèo của xã Đạ Tông, cuộc sống trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và của địa phương.
Với điều kiện, lợi thế trong việc trồng trọt, đất đai, sông suối nhiều thuận lợi cho tưới tiêu nhưng với tập quán canh tác từ xưa đến nay bà con xã Đạ Tông chỉ chủ yếu trồng cây bắp, lúa, cà phê theo phương thức truyền thống, giá trị kinh tế không cao. Anh Ha Mi đã suy nghĩ, mình cũng phải tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện, tập quán canh tác và thổ nhưỡng của địa phương để “đổi đời”.
Qua thời gian tìm hiểu, anh thấy người dân trong xã thường xuyên tiêu thụ một lượng lớn rau, củ, quả chuyển từ nơi khác tới, giá cả vừa đắt đỏ lại không rõ nguồn gốc, nên nảy ra ý định lập trang trại trồng rau sạch để phục vụ cho bà con trong vùng.
Anh Ha Mi kể: Hơn một tháng trời anh ròng rã đến các vùng chuyên canh rau, củ, quả lớn theo mô hình VietGAP ở xã Đạ K’Nàng để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm. Năm 2017, anh bàn với vợ mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đam Rông do Đoàn Thanh niên xã Đạ Tông quản lý và vay thêm chỗ anh em bà con 30 triệu đồng để đầu tư béc tưới tự động, các loại vật tư khác để hiện thực hóa mô hình trồng rau ngay tại thôn.
Để phát triển vườn rau của mình, ban đầu anh trồng thử 1 sào rau các loại: mồng tơi, rau cải, xà lách…, sau 3 tháng trừ chi phí cho thu lãi từ 10 đến 15 triệu đồng, gấp 5 đến 10 lần trồng lúa bắp, thấy hiệu quả anh mở rộng thêm 7 sào đất nữa.
Anh Ha Mi chia sẻ: Khi mới bắt đầu làm kỹ thuật chưa có nên năng suất cũng như chất lượng sản phẩm rau, củ quả không cao. Sau khi vừa trồng, vừa rút kinh nghiệm, sử dụng thuốc sinh học, phân hữu cơ, để thiên địch phát triển nên cây trồng dần tốt lên. Có được những luống rau xanh mướt như hôm nay, anh đã áp dụng kỹ thuật gieo trồng mật độ thích hợp, cân đối phân bón, bảo đảm thời gian cách ly phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Khi thu hoạch có thể năng suất đạt chỉ khoảng bằng 2/3 cách làm truyền thống, nhưng bù lại giá cao gần gấp đôi, bà con tiêu dùng chấp nhận bởi rau an toàn cho người sử dụng.
Theo tính toán của anh Ha Mi, nếu trồng lúa, mỗi năm người nông dân trên một diện tích khoảng 1 ha, sau 3 tháng cho thu khoảng 35 tạ, với giá 5.000đồng/kg thì chỉ thu hoạch được trên 17 triệu đồng, chưa kể chi phí phân bón, công lao động. Thu nhập như vậy, bà con chỉ đủ ăn chứ chưa thể khá và làm giàu từ nông nghiệp trên mảnh đất của mình. Trong khi đó, nếu trồng các loại rau theo tiêu chuẩn sạch, nông dân có thể đạt năng suất 25-30 tấn/1 ha mỗi đợt, tăng vòng quay của đất, mỗi năm thu hoạch khoảng 5-7 đợt. Với giá bán trung bình từ 4.000 đến 5.000 đồng/1 kg trên thị trường như hiện nay, chỉ 8 sào đất như hiện nay, trừ tất cả chi phí anh có thể thu lãi gần 200 triệu đồng/năm.
Hiện nay, số sản phẩm rau màu của anh Ha Mi đang tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn 3 xã Đầm Ròn (Đạ M’Rông, Đạ Tông, Đạ Long) và xã K’Rông Nô (Lắk). Ngoài ra, anh còn ký kết hợp đồng với vựa rau ở Đức Trọng.
Sản phẩm anh làm ra bao nhiêu đều tiêu thụ hết đến đó. Từ hiệu quả mô hình trồng rau của mình, anh Ha Mi còn nhiệt tình, hướng dẫn bà con những kinh nghiệm trồng rau, củ quả của mình, hiện nay đã có một số bà con quanh vùng chuyển đổi trồng rau, anh bao tiêu sản phẩm cho họ.
Anh Liêng Hót Ha Ngát, Bí thư Đoàn xã Đạ Tông cho biết: anh Ha Mi là một thanh niên không cam chịu đói nghèo, với nghị lực, quyết tâm của mình anh vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Từ một hộ nghèo của thôn, anh đã kiên trì áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trở thành nông dân điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. Điều này đã chứng minh, làm giàu trên chính đồng ruộng của quê hương không hề khó.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202102/trong-rau-sach-o-da-tong-3042115/