Trọng tâm cải cách hiện đại hóa hải quan năm 2025

Luật Hải quan đã đi vào cuộc sống được tròn 10 năm. Một điểm sáng khi thực thi Luật này chính là tạo cơ sở pháp lý để cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thực hiện thủ tục hải quan trên môi trường điện tử. Dù vậy, thực tiễn đã có nhiều thay đổi dẫn đến bất cập, đặt ra yêu cầu cần phải sửa nhiều quy định.

 Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Cao Bằng. Ảnh: Cẩm Giang.

Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Cao Bằng. Ảnh: Cẩm Giang.

Vẫn khó trong câu chuyện phối hợp

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, thời gian qua cơ quan hải quan đã phối hợp khá chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành trong thực hiện thủ tục hải quan nhằm rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành vẫn còn vướng mắc, bất cập do một số văn bản quy định về công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất hoặc thiếu các điều kiện để bảo đảm thi hành; có quá nhiều văn bản quy định về kiểm tra chuyên ngành dẫn đến khó khăn trong việc tra cứu, thực hiện; một số hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa quy định chi tiết danh mục, danh mục chưa kèm mã số hồ sơ...

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Trường Giang, vướng mắc trong công tác kiểm tra chuyên ngành không phải là vấn đề mới mà đã được nghiên cứu khi xây dựng Luật Hải quan năm 2014. Song, đây là vấn đề khó, liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, cơ quan nên Luật Hải quan năm 2014 cũng chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành trong việc thông báo kết quả kiểm tra cho cơ quan hải quan trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm tra.

Dành nguồn lực để triển khai công tác chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong ngành Hải quan là một cuộc cách mạng làm thay đổi cách thức, phương pháp làm việc của cơ quan hải quan trong bối cảnh mới. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Tổng cục Hải quan đã dành nguồn lực và sự quan tâm để triển khai công tác chuyển đổi số, trong đó có việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số. Ông Trần Đức Hùng- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Mặt khác, Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo xác định những mục tiêu rất mạnh mẽ trong đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành như: giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%… Nhưng đến nay, nhiều mục tiêu không đạt được.

Nội dung này không phải chưa từng được đặt ra, chẳng qua là quá khó giải quyết bởi lẽ, cơ quan hải quan là đầu mối phối hợp, còn thực chất trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành nào vẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó, từ chất lượng hàng hóa đến an toàn vệ sinh thực phẩm... Các bộ, ngành cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, đơn cử như Bộ Công thương đã cắt giảm tới 60% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cắt giảm danh mục những hàng hóa qua chế biến, sau đóng gói thì không phải kiểm dịch; Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển việc kiểm tra nhà nước về đo lường sang kiểm tra sau thông quan... Song, cần thẳng thắn thừa nhận đây vẫn là một trong những nút thắt còn tồn tại.

Với nỗ lực “miệt mài” nhiều tháng, nhiều năm, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã đánh giá kỹ lưỡng và đề xuất với Chính phủ giải pháp theo hướng, bộ nào, chuyên ngành nào thì cải cách mạnh mẽ chuyên ngành đó; vẫn thực hiện nhiệm vụ của từng bộ nhưng có kết nối và chia sẻ chung để bảo đảm thực hiện nhanh, thuận lợi và hiệu quả nhất.

Không hành động ngay sẽ tụt hậu

Cũng liên quan đến việc cải cách trong việc làm thủ tục thông quan hàng hóa, trong một phát biểu gần đây, đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) từng đánh giá cao việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, để phát huy hiệu quả của cơ chế này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như tiết kiệm ngân sách, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, đặc biệt trong trao đổi chứng từ hành chính, thương mại.

Trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) đặt vấn đề, cơ quan hải quan cần có giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI), qua đó nâng cao hiệu quả của các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, tạo điều kiện và môi trường tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Phát biểu trong phiên giải trình xung quanh nội dung này của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định Bộ Tài chính và Hải quan Việt Nam là những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2014, ngành Hải quan đã đưa vào ứng dụng Hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS) và Hệ thống thông tin tình báo hải quan (VCIS). Cùng với đó, phát triển thêm 20 hệ thống công nghệ thông tin của hải quan để phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực này. “Nhờ những hệ thống này, thủ tục thông quan hiện nay được thực hiện 24/7 và thu thuế 24/7, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Đơn cử như năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta tiến sát mốc 800 tỷ USD” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Nhấn mạnh nếu không hành động ngay sẽ lại tụt hậu, Thứ trưởng nêu rõ, Bộ Tài chính đã quan tâm, chỉ đạo rất sát sao vấn đề này và sớm đưa vào triển khai ứng dụng hệ thống công nghệ mới để vừa củng cố hệ thống VNACCS/VCIS vừa cập nhật được những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới, phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Cần thiết xác định rõ phương thức đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hải quan

Hệ thống công nghệ thông tin hải quan phần lớn được xây dựng và vận hành đã lâu (trên dưới 10 năm), trong những năm gần đây chưa có sự nâng cấp đáng kể, hiện nay các hệ thống vận hành thiếu ổn định, phát sinh lỗi ảnh hưởng rất lớn đến việc tác nghiệp của cán bộ công chức, đặc biệt là của các công chức ở chi cục khi thực hiện thủ tục hải quan.

Trong khi đó, việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng hải quan số, hải quan thông minh hiện nay vẫn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, khó khăn lớn nhất là bố trí nguồn vốn đề thẩm định chủ trương đầu tư. Điều này ảnh hướng rất lớn đến tiến độ triển khai, hoàn thành dự án cũng như thực hiện các công việc có liên quan (xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống thể chế, quy trình thủ tục hải quan), đồng thời cũng ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chuyển đổi số của ngành Hải quan vì cốt lõi trong thực hiện chuyển đổi số là xây dựng hải quan số, hải quan thông minh.

Bên cạnh đó, việc không có các hệ thống công nghệ thông tin dự phòng, đặc biệt là các hệ thống dự phòng cho các hệ thống quan trọng, tác nghiệp liên tục, hàng ngày, như hệ thống VNACCS/VCIS, Hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia… Trong trường hợp xảy ra sự cố việc khôi phục sẽ mất rất nhiều thời gian, gây gián đoạn, đình trệ mọi hoạt động nghiệp vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh kinh tế của đất nước.

Trong giai đoạn từ nay đến hết 2025 cần thiết phải xác định rõ phương pháp, cách thức đầu tư đối với việc thực hiện dự án tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin xây dựng hải quan số, hải quan thông minh. Theo đó cần xác định rõ, phê duyệt nguồn vốn đầu tư (ODA hoặc đầu tư công), trên cơ sở đó có định hướng hoàn thiện các bài toán nghiệp vụ phù hợp.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trong-tam-cai-cach-hien-dai-hoa-hai-quan-nam-2025-168895-168895.html