Một số điểm lưu ý tại Dự thảo sửa đổi Lệnh 248 của Trung Quốc về thực phẩm nhập khẩu

Hải quan Trung Quốc thông báo dự thảo sửa đổi Quy định đăng ký cơ sở sản xuất thực phẩm nhập khẩu ở nước ngoài (Lệnh 248) trong đó có một số điểm cần lưu ý.

Những điểm cần lưu ý

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) vừa nhận thông báo G/SPS/N/CHN/1324 ngày 10/1 của Ban thư ký, Ủy ban SPS-WTO về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) dự thảo sửa đổi Quy định của Trung Quốc về việc đăng ký cơ sở sản xuất thực phẩm nhập khẩu ở nước ngoài (Lệnh 248).

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Minh họa

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Minh họa

Trong đó, Văn phòng SPS Việt Nam đưa ra một số điểm lưu ý như sau: Xóa “Điều 5.1 Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia (khu vực) đặt trụ sở đã được Tổng cục Hải quan đánh giá, xét duyệt tương đương” về Điều kiện đăng ký; thêm Điều 6-8 về công nhận hệ thống tương đương; gộp Điều 6, 8, 9 (Quy định số 248) vào Điều 9 và 10 (Dự thảo) về đơn đăng ký doanh nghiệp; xóa Điều 7 (Quy định số 248) “danh sách các sản phẩm sẽ được các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia/khu vực giới thiệu đến GACC để đăng ký” thay bằng Điều 11 (Dự thảo) “Tổng cục Hải quan ban hành Danh mục thực phẩm yêu cầu Thư đăng ký khuyến nghị chính thức”.

Xóa “Thay đổi người đại diện theo pháp luật hoặc thay đổi số đăng ký do quốc gia (khu vực) cấp”, làm rõ tại Điều 19 (Dự thảo) về thay đổi thông tin; xóa “gia hạn đăng ký trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng trước khi hết thời hạn đăng ký”, làm rõ tại Điều 21 (Dự thảo) về việc gia hạn đăng ký; thêm Điều 28 (Dự thảo) về miễn trừ đăng ký;...

Công nhận hệ thống tương đương

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – cho hay, về việc công nhận hệ thống tương đương, Điều 6 của dự thảo nêu: Nếu hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia (khu vực) nơi nhà sản xuất thực phẩm xuất khẩu ở nước ngoài đặt trụ sở đáp ứng một trong các điều kiện sau, thì cơ quan có thẩm quyền nơi thực phẩm xuất khẩu có thể đề nghị công nhận hệ thống từ GACC.

Điều kiện bao gồm: Đồng ý kiểm tra và vượt qua kiểm tra hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia (khu vực) được GACC thực hiện; ký kết thỏa thuận hợp tác về an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu với GACC; đã ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về "Doanh nghiệp được chứng nhận" với GACC; ký kết các thỏa thuận hợp tác khác và tuyên bố chung với các bộ phận khác của Chính phủ Trung Quốc, bao gồm hợp tác an toàn thực phẩm.

Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, Điều 7 của dự thảo cũng chỉ rõ, nếu hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia (khu vực) được GACC công nhận, các cơ quan có thẩm quyền của nơi đó có thể gửi danh sách các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm được khuyến nghị đã đăng ký tại Trung Quốc cho GACC. GACC sẽ tiến hành phê duyệt danh sách nhà sản xuất, nhà sản xuất sẽ được đăng ký và cấp số đăng ký tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng nêu một số điều kiện đi kèm trong Điều 8. Trong trường hợp cần thiết, GACC có thể lựa chọn toàn bộ hoặc một phần các công ty trong danh sách các công ty sản xuất thực phẩm đã đăng ký tại Trung Quốc do các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia (khu vực) nước ngoài được công nhận đề xuất để kiểm tra ngẫu nhiên và xác minh thông qua kiểm tra video, tại chỗ.

GACC có thể từ chối đăng ký doanh nghiệp có liên quan và chấm dứt việc công nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của các quốc gia (khu vực) nước ngoài có liên quan dựa trên kết quả đánh giá rủi ro.

Ngoài ra, tại Điều 28 của dự thảo cho biết, thực phẩm được vận chuyển qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh, bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới, được hành khách mang theo, hàng mẫu, quà tặng, hàng tặng, triển lãm, viện trợ, thực phẩm miễn thuế và thực phẩm được sản xuất ở nước ngoài để sử dụng công cộng hoặc cá nhân bởi các đại sứ quán và lãnh sự quán nước ngoài tại Trung Quốc và các doanh nghiệp của họ được miễn đăng ký.

Bên cạnh các nội dung về đăng ký doanh nghiệp, Trung Quốc cũng sửa đổi, bổ sung các sản phẩm bắt buộc phải có thư giới thiệu đăng ký chính thức từ cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực) xuất khẩu như vỏ xúc xích. Ngược lại, đưa một số sản phẩm khỏi diện này như hạt cà phê rang, hay một số loại rau xanh.

Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, thời hạn kết thúc lấy ý kiến của các quốc gia thành viên WTO là 11/3. Sau thời hạn này, có thể Trung Quốc sẽ áp dụng ngay các quy định mới.

Tháng 4/2021, Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về việc quản lý đăng ký doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc. Lệnh có hiệu lực từ 1/1/2022. Qua hơn 3 năm thực hiện, Việt Nam đã có hơn 3.500 mã nông sản thực phẩm và khoảng 3.000 doanh nghiệp đã được GACC phê duyệt.

Thời gian tới, khi Lệnh 248 (sửa đổi) có hiệu lực, Văn phòng SPS Việt Nam cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, các tổ chức, cá nhân để thúc đẩy giao thương, bảo đảm lợi ích hài hòa cho người dân, doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mot-so-diem-luu-y-tai-du-thao-sua-doi-lenh-248-cua-trung-quoc-ve-thuc-pham-nhap-khau-371049.html