Trọng tâm chính sách đối ngoại với Nga, Iran, Trung Quốc và Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Biden là gì?

Ngày 1/2, trả lời phỏng vấn NBC News, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu bật những mối quan tâm chính về chính sách đối ngoại trong chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu bật những mối quan tâm chính về chính sách đối ngoại trong chính quyền của tân Tổng thống Biden. (Nguồn: Times of Israel)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu bật những mối quan tâm chính về chính sách đối ngoại trong chính quyền của tân Tổng thống Biden. (Nguồn: Times of Israel)

* Với Nga, Ngoại trưởng Blinken khẳng định, Mỹ sẽ theo đuổi gia hạn thêm 5 năm đối với Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), đồng thời cân nhắc các biện pháp đáp trả một số hành động của Nga được cho chống lại nước Mỹ.

Ông Blinken nêu rõ, Tổng thống Biden đã nêu ra tất cả những lo ngại này trong cuộc điện đàm tuần trước với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

New START đã được thực thi kể từ năm 2011. Đây là Hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Theo Hiệp ước, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ được giới hạn ở mức 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng.

* Về vấn đề Iran, tân Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Tehran quay trở lại tuân thủ các điều khoản của Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015, cảnh báo rằng, vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu Iran tiếp tục dỡ bỏ một số hạn chế được áp đặt trong thỏa thuận.

Tổng thống Biden cho biết, Mỹ sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận nếu Iran đảo ngược lộ trình làm giàu uranium và tuân thủ JCPOA.

Thỏa thuận JCPOA, được Iran ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.

Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, tăng mức làm giàu uranium, khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu uranium ở độ tinh khiết 90% - mức để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trước đó, Tổng thống Biden đã đề cập khả năng Mỹ quay trở lại JCPOA chỉ sau khi Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận.

Trong khi đó, ngày 1/2, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) phối hợp vạch rõ những hành động Mỹ và Iran phải làm nhằm đưa hai nước quay trở lại thỏa thuận hạt nhân.

* Liên quan đến Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken nhận định, Bắc Kinh đang đặt ra "thách thức quan trọng nhất" đối với Mỹ hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác.

Bên cạnh đó, ông Blinken hối thúc Trung Quốc tạo điều kiện cho cuộc điều tra minh bạch về xác định nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Về phía Trung Quốc, ngày 2/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản nước này Dương Khiết Trì đã kêu gọi hai quốc gia khôi phục quan hệ song phương theo hướng phát triển có thể dự đoán được và mang tính xây dựng.

* Trong vấn đề Triều Tiên, nhà ngoại giao Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ xem xét các lệnh trừng phạt mới đối với quốc gia Đông Bắc Á.

Cập nhật thông tin về Covid-19 trên thế giới và Việt Nam

(theo NBC News)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trong-tam-chinh-sach-doi-ngoai-voi-nga-iran-trung-quoc-va-trieu-tien-cua-chinh-quyen-tong-thong-biden-la-gi-135616.html