Trồng thảo quả tăng thu nhập và bảo vệ rừng

Những năm qua, nhân dân các xã vùng cao của huyện Bắc Yên đã khai thác diện tích đất dưới tán rừng để trồng cây thảo quả, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống và bảo vệ rừng.

Nông dân xã Hang Chú thu hoạch thảo quả.

Nông dân xã Hang Chú thu hoạch thảo quả.

Hang Chú là một trong những xã có diện tích cây thảo quả lớn nhất của huyện Bắc Yên. Với điều kiện khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, diện tích rừng lớn, nhiều khe suối, độ ẩm cao, thích hợp trồng thảo quả và loại cây này đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của xã.

Là người đầu tiên đưa thảo quả về trồng dưới tán rừng trên địa bàn xã Hang Chú, ông Giàng A Chu, bản Pa Cư Sáng, chia sẻ: Năm 2006, tôi lấy giống thảo quả từ huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai về trồng thử nghiệm 1 ha dưới tán rừng, thấy phát triển tốt, tôi tiếp tục lấy giống về ươm, mở rộng lên hơn 3 ha. Hiện nay, mỗi năm cho thu hoạch hơn 10 tấn quả tươi, thu nhập hơn 200 triệu đồng. Cùng với đó, tôi nhân giống và vận động nhân dân trong bản trồng thảo quả dưới tán rừng, gắn với quản lý, bảo vệ rừng. Ở những khu trồng thảo quả, tuyên truyền nhân dân không phát lấn, chặt phá rừng, đồng thời trồng rừng, tăng độ che phủ, tạo bóng mát cho thảo quả phát triển.

Đến nay, nhân dân xã Hang Chú đã trồng hơn 300 ha thảo quả, sản lượng trên 470 tấn quả/năm, góp phần tạo sinh kế cho người dân vùng cao sống bằng nghề rừng, nhiều hộ có thu nhập ổn định, thoát nghèo từ trồng thảo quả. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng.

Phong trào trồng thảo quả cũng được nhân rộng ra các xã Háng Đồng, Tà Xùa, Xím Vàng, Làng Chếu... Ông Hờ A Mang, Chủ tịch UBND xã Háng Đồng, cho biết: Xã có 508 hộ, 3.142 nhân khẩu, trong đó có hơn 90% số hộ trồng thảo quả, hộ trồng ít thu nhập 30-40 triệu đồng/năm; hộ trồng nhiều thu từ 150-200 triệu đồng/năm. Hiện nay, xã có hơn 120 ha thảo quả. Để phát triển bền vững, bên cạnh việc khuyến khích mở rộng diện tích trồng thảo quả, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm thảo quả của địa phương.

Chú trọng phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện, trong đó, có cây thảo quả, những năm qua, huyện Bắc Yên đã lồng ghép các nguồn vốn, chính sách thực hiện các chương trình dự án hỗ trợ cây giống; cử cán bộ hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng; chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây dược liệu. Mở các lớp tập huấn kỹ thuật thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thảo quả...

Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Yên, cho biết: Từ năm 2017 đến nay, huyện triển khai 6 dự án hỗ trợ 523 hộ trồng 341 ha cây dược liệu, với tổng kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng. Đồng thời, xây dựng sản phẩm thảo quả sấy khô đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Dự kiến đến năm 2030, huyện tiếp tục hỗ trợ nhân dân trồng mới 400 ha cây thảo quả, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống và ý thức bảo vệ, phát triển rừng của nhân dân. Cùng với đó, khuyến khích nhân dân thành lập HTX, liên kết tiêu thụ sản phẩm thảo quả bền vững.

Đến nay, huyện Bắc Yên có gần 563 ha cây thảo quả, sản lượng gần 550 tấn/năm; giá trị bình quân của cây thảo quả trồng dưới tán rừng tự nhiên cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ha. Nhờ thị trường tiêu thụ lớn, được các thương lái tìm đến thu mua nhiều, đầu ra ổn định, nên thảo quả được chọn làm cây mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế của các xã vùng cao Bắc Yên.

Có thể thấy, việc trồng cây thảo quả là hướng đi phù hợp trong việc nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho bà con ở các xã vùng cao huyện Bắc Yên. Để phát triển bền vững, các hộ trồng thảo quả mong muốn, huyện tiếp tục hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nhất là đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, giúp nông dân yên tâm gắn bó với cây thảo quả.

Bài, ảnh: Huy Thành

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/trong-thao-qua-tang-thu-nhap-va-bao-ve-rung-RPvQvSzSg.html