Trong 'thế giới' của bệnh nhân tâm thần
D 'ộp' 40 tuổi, nặng 75kg, trông có vẻ lầm lì nhưng rất thích nói và nói nhiều. Đặc biệt, chuyên mặc quần áo trái và có thể đứng cả tiếng đồng hồ... Rồi T 'châu Âu', D 'thơ', T 'lá',... ai cũng có đặc điểm 'nổi trội'. Chuyện về họ - những bệnh nhân tâm thần, không biết bao giờ mới kể hết...

Một buổi xem ti vi của bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thanh Hóa.
1. Trong “thế giới” đầy sự bí ẩn ấy, luôn “ngự trị” trong họ những mơ hồ, là lời họ nói, hành động họ làm... Trung tâm Bảo trợ xã hội Thanh Hóa, xã Quảng Hợp (Quảng Xương) đang quản lý, chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho hơn 500 đối tượng là bệnh nhân tâm thần mãn tính. Những D “ộp” hay D “thơ”,... đều đã ở đây gần 20 năm.
Một buổi chiều ấm, ở khoa nam, khoa nữ của trung tâm, phần lớn các bệnh nhân đều ra ngoài sân. Họ ngồi bên nhau, không trò chuyện nhưng lại có một số người tự “độc thoại”. Riêng D “ộp” thì đứng giữa sân nữ với đôi mắt “vô định”. Bác sĩ Lê Thị Hà, Trưởng khoa nữ tiến lại gần, D "ộp” vẫn đứng yên thế nhưng khi được đề nghị quay trở lại phòng thì D “ộp” rất nghe lời cán bộ.
Phòng của D “ộp” có 4 người. Trong khi 3 người còn lại đều trải chiếu nằm trên giường thì D “ộp” nhất định không nằm chiếu. Trên giường, lúc nào cũng có 3 chai nước lọc to. Cán bộ Hà nhìn D “ộp”, dịu dàng hỏi: “Ộp sáng nay ăn gì nhỉ?”. D “ộp” trả lời nhanh, gọn lỏn nhưng không thể rõ tiếng nên cán bộ Hà phải “phiên dịch” lại, rằng: “Sáng nay bạn Ộp này đã ăn bánh bao”.
D “ộp” to béo, đầu để tóc tém. Chiếc quần thô đen D “ộp” đang mặc trên người cũng bị lộn trái, một thói quen đã theo D “ộp” trong suốt gần 20 năm qua. Cán bộ Hà kể lại: “Mấy tháng gần đây, bạn D “ộp” này mới quen đi dép, cán bộ phải dạy mãi mới chịu đi. D “ộp” dữ nhất khi tắm vì luôn mồm chửi cán bộ. Tôi là người trực tiếp tắm cho bạn này, rất vất vả. Dù có bị chửi nhưng vẫn phải ngọt ngào, vừa dỗ vừa nịnh, nếu không D “ộp” sẽ vùng dậy... Ở trung tâm, có khoảng 30% đối tượng không thể tự tắm”.

Bác sĩ Lê Thị Hà thăm khám cho bệnh nhân tâm thần.
Từ phòng D “ộp” nhìn sang phía dãy phòng đối diện, nơi đấy, ở trước sân, chị T, 52 tuổi, đang cặm cụi nhặt lá. Vào trung tâm gần 6 năm thì cũng từng ấy thời gian, khi các cây rụng lá trên sân khoa nữ, chị T lại đi gom, không bỏ sót lá nào. Cũng như nhiều bệnh nhân tâm thần khác, chị T cũng “lúc tỉnh, lúc mê”. “Có mỏi lưng không?”, chị T lắc đầu rồi lại cúi xuống nhặt tiếp.
2. Ở trung tâm, khoảng thời gian bình yên là khi người bệnh chưa lên cơn kích động. Lúc đấy, họ lặng lẽ, ngoan hiền, như buổi chiều này, ở khoa nam 3, rất đông bệnh nhân cùng chăm chú vào chiếc ti vi. Lát sau, D “thơ”, 53 tuổi và một số người nữa cũng ra ngồi xem. D “thơ” vừa đi vừa “tuôn” thơ. Cán bộ ở đây cho biết, D “thơ” nhìn cái gì cũng ra thơ, phản ứng rất nhanh nhưng hay lệch lạc chủ đề... D vào trung tâm cách đây 17 năm, từng nghiện bia, mắc chứng mất ngủ, nói luyên thuyên... Thấy có khách, D “thơ” liền “ứng khẩu”: “Hôm nay có khách đến chơi. Rượu đây sẵn có, xin mời một ly...”.

Gần 6 năm nay, bệnh nhân T vẫn đi nhặt lá ở sân khoa nữ.
Ngồi cạnh D “thơ” là T “châu Âu”, bị ảo giác, ảo tưởng cao... T “châu Âu” nói như gió: “Xin giới thiệu, tôi là giám đốc của một công ty nổi tiếng ở châu Âu. Nhà tôi rất giàu...”. Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Trưởng khoa nam 3 có kể lại một câu chuyện về T "châu Âu”, rằng, có một cái tết, gia đình xin anh T về quê. Tuy nhiên, trong một lần ở nhà, anh T đã gọi taxi đi Hà Nội, nhưng ra đến nơi lại không tìm thấy địa chỉ. Tài xế bỗng “tá hỏa” khi biết anh T có biểu hiện tâm thần nên liền gọi ngay cho công an. Sau khi lái xe chở anh T về Thanh Hóa, gia đình phải đưa anh T quay trở lại trung tâm ngay.
Đã có những câu chuyện “dở khóc, dở cười” như thế ở bệnh nhân tâm thần. Và không chỉ dừng ở đó, khi lên cơn kích động, người bệnh có thể phù cơm vào mặt cán bộ, nhân viên, thậm chí là đánh, đập phá đồ đạc... “Với bệnh nhân tâm thần, không có gì là không thể xảy ra, do họ bị rối loạn hoạt động não bộ, gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi... Quan trọng là vào thời điểm người bệnh bị kích động thì cần phải điều chỉnh môi trường và xoa dịu làm nhẹ. Sau đó, tùy theo mức độ kích động mà được hỗ trợ thuốc...”, bác sĩ chuyên khoa I, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Thanh Hóa Lê Văn Quyến cho biết.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/trong-the-gioi-cua-benh-nhan-tam-than-36319.htm