Cường độ ánh sáng ảnh hưởng tới rối loạn giấc ngủ trên bệnh nhân từng nhiễm COVID-19

Theo hãng tin Spunik, một nhóm nghiên cứu quốc tế, bao gồm các nhà khoa học từ Đại học Y khoa Tyumen ở Nga, đã phát hiện rằng việc thiếu ánh sáng ban ngày và tiếp xúc quá mức với ánh sáng vào ban đêm làm gia tăng nguy cơ rối loạn chu kỳ giấc ngủ ở bệnh nhân nhiễm bệnh COVID-19.

Hình minh họa sử dụng điện thoại ban đêm. Ảnh: AFP/TTXVN.

Hình minh họa sử dụng điện thoại ban đêm. Ảnh: AFP/TTXVN.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Chronobiology International.

Sử dụng phương pháp đo hoạt động cơ thể bằng actigraphy—một thiết bị chuyên dụng đeo trên cổ tay hoặc cổ chân giống như vòng tay theo dõi sức khỏe, các nhà khoa học từ Đại học Y khoa Tyumen đã tiến hành nghiên cứu trên 122 người trưởng thành tại thành phố Tyumen. Trong số các trường hợp được thử nghiệm có một số người từng mắc COVID-19 và cũng có những người khác chưa từng nhiễm bệnh này.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng COVID-19 làm thay đổi mức độ nhạy cảm của con người với ánh sáng ban ngày. Ông Denis Gubin, Trưởng phòng Thí nghiệm Sinh học thời gian và Y học theo nhịp sinh học tại Viện Công nghệ Sinh học Y học và Y sinh thuộc Đại học Y Tyumen, cho biết những bệnh nhân từng mắc COVID-19 gặp phải những thay đổi bất lợi trong chu kỳ ngủ - thức của mình.

Ông giải thích: “Khi thiếu ánh sáng ban ngày và tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng vào ban đêm, những người vừa hồi phục sau COVID-19 dễ bị rối loạn chu kỳ chu kỳ ngủ - thức. Tuy nhiên, cùng điều kiện ánh sáng như vậy lại không ảnh hưởng đến những người khỏe mạnh. Đáng chú ý, tình trạng này không phụ thuộc vào việc họ đã tiêm vaccine hay chưa”.

Bà Yulia Bordeleva, Phó Giáo sư Khoa Hóa sinh tại Đại học Y khoa Tyumen nhấn mạnh rằng bệnh nhân mắc COVID-19 cần thiết lập một thói quen sinh hoạt có sự phân bổ rõ ràng, đảm bảo tiếp xúc đủ với ánh sáng ban ngày đồng thời hạn chế tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm.

Bà nhấn mạnh: “Chỉ số vệ sinh ánh sáng ở vĩ độ của chúng tôi phụ thuộc vào mùa, do đó, dữ liệu cũng có sự thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, các nghiên cứu tiến hành vào mùa xuân cho thấy xu hướng này nhìn chung vẫn ổn định”. Chỉ số vệ sinh ánh sáng (LHI) là một thước đo được phát triển để đánh giá mức độ tiếp xúc với ánh sáng của một người trong ngày, từ đó xác định xem ánh sáng có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến nhịp sinh học và sức khỏe tổng thể hay không.

Những phát hiện này là một phần trong kết quả giữa kỳ của dự án nghiên cứu quy mô lớn mang tên “Ánh sáng Bắc Cực”, được khởi động vào năm 2022 tại Khu tự trị Yamalo-Nenets. Dự án được tài trợ trong khuôn khổ phát triển Trung tâm Khoa học và Giáo dục Tây Siberia và thuộc chương trình quốc gia mang tên “Khoa học”.

Bình Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/cuong-do-anh-sang-anh-huong-toi-roi-loan-giac-ngu-tren-benh-nhan-tung-nhiem-covid19-20250331204609445.htm