Trồng thử nghiệm giống quýt đường không hạt

Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ (KH-CN) độc lập cấp tỉnh vừa nghiệm thu đề tài “Trồng thử nghiệm giống quýt đường không hạt tại Khánh Hòa” do Thạc sĩ Lê Tuấn Quang - Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH-CN Khánh Hòa và Tiến sĩ Nguyễn Bá Phú - Trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ đồng chủ nhiệm. Kết quả đề tài góp phần đưa giống quýt đường không hạt vào danh mục cây trồng tại Khánh Hòa.

Xây dựng mô hình tại 4 địa phương

Nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài từ năm 2018 và xây dựng mô hình tại 4 địa phương: Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Diên Khánh, với những yêu cầu như: Hộ có đất canh tác hơn 3.000m2, chân đất cao ráo, thoát nước tốt, có kinh nghiệm sản xuất cây có múi… Trước khi triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã gửi mẫu đất đến Phòng Thí nghiệm chuyên sâu, Đại học Cần Thơ để phân tích, đồng thời tuyển lựa 1.100 cây giống cho 4 mô hình và dự phòng trồng dặm. Cây giống được tuyển chọn phải đạt yêu cầu sạch bệnh, ghép trên gốc ghép chanh Volkamer, cam mật và chanh Tàu có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia… Sau đó, nhóm trồng theo mật độ, bón lót, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm tại các điểm mô hình và áp dụng quy trình chăm sóc, theo dõi đánh giá các chỉ tiêu tại khu vực trồng thử nghiệm…

Bà Trần Thị Bích Phương (thôn Xuân Đông, xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh) - chủ một điểm mô hình cho biết, bà trồng quýt đường không hạt theo quy trình do nhóm nghiên cứu đưa ra và nhận thấy trong quá trình sinh trưởng, cây phát triển tốt, đạt yêu cầu. Năm ngoái, quýt cho quả bói đầu tiên, chất lượng thơm, ngon. Khi đưa quýt ra thị trường, thương lái chấp nhận mua với giá khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năng suất cây quýt đường chưa đạt theo mong muốn. Bà hy vọng, năm thứ hai cho quả, cây sẽ có năng suất cao hơn.

Mô hình quýt đường không hạt tại xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh.

Triển vọng từ giống cây mới

Sau 3 năm trồng thử nghiệm, gia hạn thêm 24 tháng, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận: Giống quýt đường không hạt có tính thích nghi tốt với điều kiện sinh thái Khánh Hòa và có thể trở thành loại cây trồng của địa phương. Với năng suất bình quân 18 tấn/ha, thấp hơn quýt đường có hạt, quýt đường không hạt vẫn có thể chấp nhận được nhờ đặc tính nổi trội là không hạt... Bên cạnh đó, đề tài thực hiện với những biện pháp kỹ thuật thâm canh cao, sử dụng cân đối hợp lý trong việc quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước; kỹ thuật xử lý ra hoa… nên sẽ đảm bảo nâng cao kỹ thuật canh tác cây có múi cho nông dân tại địa phương, hạn chế tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe người canh tác… Kết quả các mô hình trồng thử nghiệm cây quýt đường không hạt cho thấy vùng đất Khánh Vĩnh và Diên Khánh phù hợp nhất với năng suất (16,3 - 20,5kg/cây) có khả năng tương đương so với quýt đường không hạt trồng tại đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, cây sinh trưởng, phát triển tốt nhất khi ghép trên gốc chanh Volkamer, tiếp theo là chanh Tàu, cuối cùng là cam mật và không cần bón bổ sung phân hữu cơ quá nhiều (10kg/năm), giúp giảm chi phí cho người trồng.

Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu kiến nghị: Có thể trồng quýt đường không hạt ghép gốc chanh Volkamer tại Khánh Hòa; tiếp tục theo dõi về tình hình sinh trưởng và năng suất của loại cây này qua nhiều vụ tới. Để nhân rộng và phát triển cây quýt đường không hạt nói riêng và cây cam quýt nói chung tại Khánh Hòa cần có các nghiên cứu và đề xuất các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp...

Ngày 31-3, UBND tỉnh ban hành Quyết định 752 công nhận và giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả đề tài KH-CN cấp tỉnh “Trồng thử nghiệm giống quýt đường không hạt tại Khánh Hòa”. Theo đó, Sở KH-CN công bố kết quả đề tài, bàn giao kết quả đề tài cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan; tổ chức tập huấn, chuyển giao kết quả khi có nhu cầu... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị, địa phương liên quan đánh giá tính thích nghi, tiếp tục đề xuất phát triển nhân rộng mô hình trồng quýt đường không hạt trong thời gian tới…

V.L

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202304/trong-thu-nghiem-giong-quyt-duong-khong-hat-b3317b3/