Trọng trách của nhà báo trong cuộc chạy đua thông tin
Với mỗi người cầm bút, việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao trách nhiệm xã hội luôn là việc thường xuyên. Bởi trong thời đại nào, người làm báo luôn đối mặt với nhiều mối quan hệ phức tạp, nguy hiểm, việc này đòi hỏi mỗi người phải luôn trau dồi đạo đức…
Trách nhiệm nặng nề nhưng cao cả
Sự ra đời và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam là sự phát triển tất yếu của lịch sử, gắn với vai trò của nhà báo lão thành, người thầy vĩ đại Hồ Chí Minh. Từ khi thành lập và phát triển đến nay, báo chí đã làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; vừa là diễn đàn của toàn thể Nhân dân.
Báo chí Việt Nam không ngừng phát triển phong phú và đa dạng, cùng với xu hướng toàn cầu hóa, báo chí và truyền thông ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Báo chí còn góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội.
Trên mặt trận chống tiêu cực, tham nhũng, giữ vững đường lối chính trị, phản bác quan điểm sai trái của thế lực thù địch, báo chí cũng tham gia và góp phần đắc lực trong hoạt động này.
Báo chí có vai trò tiên phong, mang tính chiến đấu, đấu tranh chống lại những tư tưởng sai trái, thù địch, phát hiện tiêu cực, bài trừ, lên án cái xấu để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng thời, tôn vinh những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Ngày nay, sự phát triển của công nghệ, truyền thông xã hội đã làm thay đổi mối quan hệ giữa báo chí và độc giả. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển mà còn tạo sự cạnh tranh, khiến báo chí nói chung và mỗi nhà báo phảin nỗ lực nhiều hơn trong cuộc đua đem đến thông tin cho độc giả. Để có được những tác phẩm sắc bén, đã có nhiều nhà báo dấn thân, điều tra, trải qua nhiều thử thách hiểm nguy, nguy hiểm rình rập...
Báo chí cũng là kênh định hướng thông tin là định hướng dư luận xã hội bằng thông tin và định hướng thông tin cho Nhân dân. Đây là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của người làm báo.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp báo chí thông tin trái chiều, mâu thuẫn nhau. Cùng là một sự việc nhưng dưới góc độ cảm quan, nhãn quan của nhà báo, khiến sự việc được thông tin theo chiều hướng khác nhau. Thậm chí, có sự việc bị đẩy lên quá mức, hoặc suy diễn cảm tính, khiến độc giả mất phương hướng, những việc này vô hình chung cũng làm thiệt hại đến lợi ích của Nhân dân.
Trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay, các loại hình báo chí - truyền thông phát triển mạnh mẽ. Báo chí tiếp nhận tư liệu từ mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Instagram hay Youtube... với lượng thông tin khổng lồ, chớp nhoáng với hàng triệu những “cộng tác viên” tình nguyện cập nhật gần như ngay lập tức.
Với nguồn thông tin chính thống (từ các cơ quan báo chí) và không chính thống (trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông mới) đan xen nhau, đòi hỏi thông tin báo chí phải quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng để giữ vững bản chất của báo chí là khách quan, trung thực, phục vụ lợi ích của dân tộc, của Nhân dân.
Giữa vô vàn sự kiện diễn ra hàng ngày, chọn sự kiện nào để đưa tin, đưa mức độ nào, dưới hình thức nào, vào thời điểm nào... thể hiện sự nhạy bén, bao hàm trách nhiệm xã hội của người làm báo. Thông tin là sự thật, nhưng phải chọn lọc thông tin để đăng tải. Mỗi thông tin, với cách đưa, cách bình, thể hiện trách nhiệm và cảm quan của người làm báo.
Văn hóa nghề nghiệp trong mỗi con chữ
Những nhà báo chân chính có đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp luôn là người bảo vệ công lý và lẽ phải, không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, định hướng đi tới những giá trị sống tích cực, cao đẹp...
Thời kháng chiến, nhiều nhà báo vừa cầm bút, vừa cầm súng, họ đã có mặt ở tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, những người làm báo trở thành cầu nối đưa đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân, tuyên truyền cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, động viên mọi tầng lớp Nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Ở Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đã được luật hóa thông qua Luật Báo chí năm 2016 và gắn liền với vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam. Cụ thể, tại điểm b, khoản 2, Điều 8 Luật Báo chí quy định: Hội Nhà báo Việt Nam “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Quy định này khẳng định đạo đức nghề nghiệp là yếu tố hết sức quan trọng đối với mỗi người làm báo, tạo ra hành lang pháp lý đối với người làm báo trong quá trình tác nghiệp…
Cho dù ở thời đại nào, với người làm báo thì đạo đức nghề nghiệp càng phải được đề cao, vì sản phẩm của nhà báo tác động đến nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội, mang tính đặc thù về nhận thức, tư tưởng, đạo đức.
Chỉ cần thiếu thận trọng, đưa tin giật gân, câu view trên báo chí sẽ để lại những hậu quả khôn lường, không dễ khắc phục. Vì vậy, trách nhiệm xã hội của nhà báo luôn được đề cao thành một chuẩn mực đạo đức không thể thiếu của người cầm bút.
Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, khái niệm báo chí, khái niệm nhà báo cũng thay đổi, theo hướng tiếp cận mới, đa chiều.
Cùng với việc cung cấp thông tin, trách nhiệm của mỗi người làm báo cũng nặng nề hơn, bởi trước nguồn thông tin đa chiều, nhà báo cần tiếp cận đúng hướng và không thể “đơn điệu” đưa thông tin một chiều, “đẩy” công chúng tiếp nhận.
Nhà báo là cầu nối, cũng là người hội tụ mọi yếu tố thời đại, mang trong mình những cái chung của xã hội.
Ở góc độ khác, làm báo có thuận lợi hơn nhờ sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ hiện đại; thông tin cũng nhiều hơn, điều kiện tiếp cận vấn đề cũng dễ dàng, phong phú hơn, song cũng là thách thức với các nhà báo, nhất là những vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi môi trường mạng xã hội hiện nay đang tồn tại vô vàn thông tin không được kiểm chứng, thậm chí tin giả, sai sự thật… Điều này đặt ra cho báo chí chính thống nhiệm vụ nâng cao chất lượng thông tin, hàm lượng thông tin, cần có những bài viết phân tích sâu sắc để lý giải những vấn đề, những sự việc mà dư luận xã hội quan tâm tới.
Thời gian qua, đã có hiện tượng một số người lợi dụng danh nghĩa nhà báo để làm những việc sai mục đích, đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Để xứng đáng với hai chữ nhà báo, các nhà báo vẫn vững vàng, kiên định lập trường.
Ở đâu có sự kiện, ở đó có nhà báo. Nhà báo cũng được ví như người chiến sỹ cùng sống, cùng làm, sát cánh kề vai với Nhân dân, từ những nơi biển đảo trùng khơi đến những vùng xa xôi, hẻo lánh. Thậm chí nhà báo sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy khi xông pha vào mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, tệ nạn xã hội, cướp của giết người, bảo vệ công lý, lẽ phải. Những người cầm bút đã viết, đã chiến đấu bảo vệ cái đúng là luôn chính trực, chiến đấu đến cùng, kiên định mới mục tiêu, lý tưởng.
Hơn lúc nào hết, đạo đức và trách nhiệm xã hội của nhà báo là một trong những nhân tố chủ yếu để bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững của từng cơ quan báo chí và ảnh hưởng tới nền báo chí nước nhà. Đội ngũ làm báo cần trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi để tiếp tục khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/trong-trach-cua-nha-bao-trong-cuoc-chay-dua-thong-tin-436887.html