Trọng trách cung ứng vốn của các tổ chức tín dụng
Các tổ chức tín dụng tiếp tục nhận trọng trách đáp ứng vốn cho nhu cầu chi đầu tư phát triển tăng, đặc biệt hướng vào các dự án đầu tư công trọng điểm quốc gia trong năm 2025.

Nhu cầu vốn cho đầu tư công năm nay lên tới 36 tỷ USD
Trọng trách của nhà tạo lập thị trường
Ngày 31/12/2024, Kho bạc Nhà nước đã thông báo về kế hoạch đấu thầu trái phiếu chính phủ năm 2025. Theo đó, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ dự kiến phát hành trong năm 2025 là 500.000 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Kho bạc Nhà nước đã huy động gần 330.376 tỷ đồng trái phiếu chính phủ các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm, đạt khoảng 82,6% so với kế hoạch đề ra (phát hành 400.000 tỷ đồng). Như vậy, Kho bạc Nhà nước đã không hoàn thành kế hoạch phát hành cả năm 2024, theo đó, lượng phát hành trái phiếu chính phủ giảm xuống mức thấp nhất trong 32 tháng.
Theo các nhà phân tích, nhu cầu trái phiếu chính phủ năm 2024 giảm do thanh khoản bị thắt chặt ở giai đoạn cuối năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thu hẹp thanh khoản liên ngân hàng, định hướng lãi suất liên ngân hàng lên mặt bằng cao hơn nhằm giảm áp lực tỷ giá USD/VND. Đồng thời, tâm lý của các thành viên trên thị trường trái phiếu là thận trọng quan sát động thái điều hành của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới và Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với sự phát triển của thị trường trái phiếu nói chung, thị trường trái phiếu chính phủ ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngân sách nhà nước, ổn định nền tài chính quốc gia. Trong đó, giải pháp phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam. Việc lựa chọn và giám sát hoạt động của các nhà tạo lập thị trường giúp tăng cường hiệu quả huy động vốn của Chính phủ và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường tài chính.
Nhà tạo lập thị trường trên thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam là các tổ chức tài chính, được Bộ Tài chính công nhận có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tính thanh khoản, duy trì sự ổn định và phát triển của thị trường. Danh sách nhà tạo lập thị trường cho giao dịch mua bán trái phiếu chính phủ, được công bố trên website của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) những năm qua cho thấy chủ yếu là các ngân hàng thương mại và tăng dần đều qua các năm. Ví dụ, năm 2024 và năm 2025, danh sách nhà tạo lập thị trường có 14 thành viên; trong khi giai đoạn từ năm 2020 - 2023 là 13 thành viên…
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, với áp lực đáp ứng vốn cho nhu cầu chi đầu tư phát triển tăng và đặc biệt hướng vào các dự án đầu tư công trọng điểm quốc gia trong năm 2025, khả năng Kho bạc Nhà nước sẽ phải đẩy mạnh hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ sao cho huy động sát với kế hoạch, không để tình trạng dưới chỉ tiêu đề ra như năm 2024.
Quốc hội đã giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay ở mức 6,5 - 7%, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, hoàn thành ít nhất 3.000 km đường cao tốc, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam, các công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, theo đó nhu cầu huy động vốn trong giai đoạn tới là rất lớn.
“Nhu cầu đầu tư trái phiếu chính phủ vẫn ở mức tương đối cao và hoàn toàn có thể cân đối được nhu cầu phát hành kể trên. Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng nhìn chung được kỳ vọng ở trạng thái tích cực trong năm 2025, kéo theo xu hướng giảm nhẹ của lãi suất liên ngân hàng”, TS. Nghĩa nhận định.
Ổn định để phát triển
Báo cáo Thị trường trái phiếu tháng 1/2025 do Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) công bố mới đây đã nhận định, nếu không có các yếu tố bất thường, nhiều khả năng lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ đi ngang, thậm chí nhích tăng trong tháng tiếp theo (tháng 2/2025) với một số yếu tố chính sau đây:
Thứ nhất, lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed cho thấy sự trì hoãn. Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường dự báo Fed nhiều khả năng sẽ tiến hành tối đa 2 lần hạ lãi suất trong năm 2025, thay vì 3 lần như dự báo trước đó.
Thứ hai, áp lực tỷ giá có thể kéo dài hơn dự kiến, công cụ thị trường mở sẽ vẫn được ưu tiên sử dụng để can thiệp áp lực tỷ giá trong ngắn hạn. Theo đó, thanh khoản tại thị trường liên ngân hàng được dự báo ở ngưỡng kém dồi dào, lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng sẽ duy trì ở ngưỡng cao, vùng 4 - 4,5%/năm.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, chuyên viên phân tích VIS Rating nhận định, các ngân hàng kết thúc năm 2024 với kết quả kinh doanh khả quan, đặc biệt là các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối và các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn. Sự phục hồi của các khoản vay mua nhà với lợi tức cao và tỷ lệ hình thành nợ xấu chậm lại trong quý IV/2024 đã thúc đẩy lợi nhuận và cải thiện chất lượng tài sản cho các ngân hàng này. Trái lại, năng lực tín nhiệm của một số ngân hàng nhỏ vẫn ở mức yếu, do nợ xấu cao và chi phí tín dụng tăng từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cùng với áp lực biên lợi nhuận và vấn đề thanh khoản giữa bối cảnh cạnh tranh huy động tiền gửi gia tăng.
Cũng theo ông Tùng, rủi ro tài sản của ngành ngân hàng đã ổn định trong năm 2024, khi tỷ lệ hình thành nợ xấu phát sinh mới giảm đối với một số ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn. Tỷ lệ nợ xấu của ngành đến cuối năm 2024 là 2,25%, giảm nhẹ 5 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước đó. Một số ngân hàng lớn đã chủ động thắt chặt việc cấp tín dụng cho các khoản vay tiêu dùng mới (như VPB) và có tỷ lệ nợ xấu các khoản vay mua nhà thấp hơn trong nửa cuối năm 2024 (như TCB). Trong các ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới của CTG đã giảm mạnh trong nửa cuối năm 2024, trong khi BID và VCB đã giảm nợ xấu thông qua việc đẩy mạnh xóa nợ. Ngược lại, chất lượng tài sản của các ngân hàng nhỏ, tập trung vào khách hàng cá nhân và SME (như SGB, ABB, BAB) bị suy giảm, chủ yếu do nợ xấu từ các khoản vay mua nhà.
“Trong năm 2025, chúng tôi kỳ vọng điều kiện kinh doanh tích cực hơn sẽ thúc đẩy việc giảm tỷ lệ hình thành nợ xấu trong ngành”, ông Tùng nói.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy một khởi đầu đầy hứa hẹn của nền kinh tế trong năm 2025 với việc khu vực đầu tư công ghi nhận kết quả tích cực trong tháng đầu năm, khi vốn nhà nước thực hiện tăng 9,6% so với cùng kỳ, lên 35.400 tỷ đồng (1,4 tỷ USD), dù tháng 1 năm nay ít hơn 5 ngày làm việc so với tháng 1/2024.
Tờ trình về Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ gửi Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh đầu tư công là một động lực quan trọng để thúc đẩy GDP tăng trưởng ít nhất 8% trong năm nay, với đề xuất nâng kế hoạch đầu tư công lên 857.500 tỷ đồng (36 tỷ USD), tăng 11% so với kế hoạch trước đó và tăng 38% so với năm 2024.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, việc nâng tỷ lệ hoàn thành của kế hoạch đầu tư công từ mức 85% vào năm 2024 lên mục tiêu 95% của Chính phủ cho năm 2025 có thể giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 tăng thêm 1,4 điểm phần trăm.
Với kỳ vọng điều kiện kinh doanh tích cực hơn sẽ thúc đẩy giảm tỷ lệ hình thành nợ xấu, phát triển ổn định, hệ thống ngân hàng tiếp tục giữ vai trò là nhà tạo lập thị trường quan trọng thông qua việc mua trái phiếu chính phủ, thu hút vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngân sách nhà nước, ổn định nền tài chính quốc gia