Trọng trách 'lấy lại niềm tin' của tân Thủ tướng Nhật Bản Ishiba

Kỳ vọng cao được cử tri Nhật Bản đặt lên tân Thủ tướng Ishiba, một chính khách khác biệt, người đang nỗ lực lấy niềm tin cho đảng cầm quyền và tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Mỹ.

Quốc hội Nhật Bản hôm qua (1/10) họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) Ishiba Shigeru làm Thủ tướng thứ 102 của nước này. Trước đó, vào sáng cùng ngày, Nội các của Thủ tướng Kishida Fumio đã đồng loạt từ chức, mở đường cho Quốc hội Nhật Bản bầu chọn Thủ tướng mới.

Chính thức được Quốc hội phê chuẩn cũng đồng nghĩa tân Thủ tướng Nhật Bản Ishiba sẽ đối diện với vô vàn thách thức cả đối nội và đối ngoại; trong đó lớn nhất là “lấy lại niềm tin của cử tri” sau bê bối gây quỹ chính trị vừa qua của đảng cầm quyền.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ nhậm chức vào hôm qua (1/10). Ảnh: Jiji Press.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ nhậm chức vào hôm qua (1/10). Ảnh: Jiji Press.

Chính trị gia khác biệt, cá tính

Ông Ishiba Shigeru không chỉ là một chính trị gia khá khác biệt trong LDP mà còn là một chính trị gia đầy cá tính, thẳng thắn, dám đối diện sự thật và thử thách. Chính ông Ishiba là người đầu tiên và duy nhất lên tiếng phản biện, thậm chí bỏ phiếu chống liên quan một số vấn đề về nội chính của Thủ tướng Abe Shinzo - người mà lúc sinh thời được coi là có “quyền lực tuyệt đối”. Chính cá tính này đã tạo nên một sức thuyết phục lớn, không chỉ với giới chính trị mà còn cả đối với giới kinh tế.

Ba vị đứng đầu 3 tổ chức kinh tế lớn nhất Nhật Bản là Phòng thương mại và công nghiệp, Liên đoàn các tổ chức kinh tế (Keidangren), Hiệp hội hợp tác kinh tế Nhật Bản đều bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Ishiba và mong muốn phối hợp để triển khai các kế hoạch kinh tế của Nhật Bản. Ông Kobayashi Ken - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nhấn mạnh cá tính dám nhìn thẳng và đối diện sự thật của ông Ishiba và đánh giá cao quyết tâm xây dựng nền kinh tế tư bản chủ nghĩa mới mà ông Ishiba nêu trong tranh luận chính sách.

Sự ủng hộ của giới kinh tế là lợi thế rất lớn không chỉ đối với ông Ishiba, mà còn đối với cả chính phủ mới cũng như LDP, khi kinh tế đang là thách thức lớn nhất của Nhật Bản hiện nay. Ngay cả việc đưa ra quyết định giải tán hạ viện để tổng tuyển cử sớm vào thời điểm khi chưa chính thức trở thành thủ tướng, cũng là một minh chứng về dũng khí và sự quyết đoán của ông Ishiba.

Ông Ishiba Shigeru 67 tuổi, sinh ra và lớn lên tại tỉnh Tottori – phía Tây Nhật Bản, trúng cử hạ nghị sỹ quốc hội lần đầu tiên khi mới 29 tuổi và là hạ nghị sỹ trẻ nhất vào thời điểm đó. Không cứ gì thời điểm cách đây gần 40 năm, mà ngay cả hiện nay, cũng không phải có nhiều chính khách trẻ tuổi như vậy. Đây là do cách nghĩ truyền thống có phần bảo thủ cả về mặt tuổi tác và giới tính của giới chính trị nói riêng và dư luận Nhật Bản nói chung. Qua đây có thể thấy thiên hướng và kinh nghiệm chính trị đã có từ rất sớm của ông Ishiba. Ông Ishiba đã từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Trưởng ban cán sự LDP 2 nhiệm kỳ, cục trưởng Cục phòng vệ Nhật Bản (tương đương Bộ trưởng Quốc phòng), bộ trưởng Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản....

Cam kết nói thẳng sự thật, lấy lại niềm tin

Tân Thủ tướng Nhật Bản Ishiba từng cam kết sẽ “nói lên sự thật bằng sự can đảm và thành thật”. Và có lẽ, việc lấy lại niềm tin của đảng cầm quyền sau bê bối gây quỹ chính trị thời gian qua sẽ là một trong những nhiệm vụ lớn hàng đầu của tân Thủ tướng. Nhưng như thế chưa đủ, việc lòng tin của cử tri và người dân Nhật Bản đối với chính phủ và đảng cầm quyền suy giảm không chỉ là do các vụ bê bối liên quan đến quỹ chính trị của các chính trị gia thuộc LDP, mà còn ở một số đề khác như: kinh tế không khởi sắc, vật giá tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp, dân số lão hóa dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực... Đây là những căn bệnh trầm kha có mối liên quan với nhau, tạo ra một vòng luẩn quẩn mà Nhật Bản, mặc dù đang rất nỗ lực, nhưng vẫn chưa thể thoát ra.

Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước đắt đỏ vào bậc nhất thế giới, thế nhưng, vừa bước sang tháng 10 này, lại có thêm tới 2.911 mặt hàng tiêu dùng tăng giá mạnh. Mức tăng dao động từ 8%~23%. Cá biệt các loại nguyên vật liệu tăng trung bình tới 26%. Đây là điều đáng lo ngại, bởi vì giá nguyên vật liệu tăng sẽ kéo theo giá cả một loạt các mặt hàng khác tăng theo.

Nếu tính lũy kế trong 12 tháng qua, đã có tới 14.783 mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh. Vấn đề này đang được coi là một trong những thách thức lớn nhất, là “hòn đá thử vàng” đối với chính phủ mới của tân thủ tướng Ishiba Shigeru. Do đó, để lấy lại lòng tin, ngoài việc mạnh tay xử lý các chính khách vi phạm pháp luật, chính phủ mới còn cần thúc đẩy cải thiện tình hình kinh tế hiện nay, song song với cải thiện các vấn đề về an sinh xã hội.

Thách thức phải “chia ghế” với các đảng

Ông Ishiba và LDP đối diện nguy cơ phải “chia ghế” cho các đảng đối lập. Việc đưa ra quyết định giải tán hạ viện để tổng tuyển cử sớm vào thời điểm khi chưa chính thức trở thành thủ tướng cũng là một minh chứng về dũng khí và sự quyết đoán của ông Ishiba.

Trên thực tế, LDP đã từng để vuột mất vị trí đảng cầm quyền trong bầu cử hạ viện lần thứ 45 vào năm 2009. Khi đó, đảng Dân chủ Nhật Bản đã chiếm đa số ghế trong Hạ viện và biến LDP thành đảng đối lập. Tuy nhiên, nếu tại bầu cử, LDP chỉ cần duy trì được 258 ghế trong tổng số 465 ghế của Hạ viện như hiện nay, đã là một thắng lợi. Bởi vì, ngoài việc bảo vệ được vị trí của đảng cầm quyền, LDP còn chứng minh được sự khôi phục của lòng tin từ cử tri và quốc dân đồng bào.

Trong bối cảnh khó khăn đầy rẫy này, vẫn có những dấu hiệu lạc quan cho LDP, trong đó có hai yếu tố lớn nhất là sự ủng hộ của giới kinh tế như tôi vừa nêu trên và uy tín, vị thế, ảnh hưởng, kinh nghiệm cá nhân của Chủ tịch LDP – thủ tướng Ishiba Shigeru. Kết quả sẽ có chỉ sau chưa đầy 1 tháng nữa.

Tân Thủ tướng Nhật Bản điện đàm với Tổng thống Mỹ, cam kết hợp tác chặt chẽ

Vào sáng 2/10, tân Thủ tướng Nhật Bản Ishiba đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Biden. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của nhà lãnh đạo Nhật Bản ngay sau khi nhậm chức vào chiều tối hôm qua (1/10). Tại cuộc điện đàm này, nhà lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ dựa trên liên minh Nhật - Mỹ.

Trong khi đó, chi tiết cuộc điện đàm dù chưa chính thức được công bố, nhưng theo các phương tiện truyền thông, tân Thủ tướng Nhật Bản dường như đã nhấn mạnh quan điểm hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau để hiện thực hóa một khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” dựa trên liên minh Nhật Bản - Mỹ.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng bày tỏ quan điểm về việc xem xét sửa đổi các thỏa thuận về hợp tác quốc phòng giữa hai nước, với trọng tâm là khả năng tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nhật Bản và Mỹ trong tương lai.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba dường như đang hướng tới việc tăng cường hơn nữa liên minh Nhật - Mỹ thông qua cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây cũng là cuộc điện đàm đầu tiên của nhà lãnh đạo Nhật Bản với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi nhậm chức.

Trong một động thái liên quan, ngay sau khi ông Shigeru Ishiba nhậm chức, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã bày tỏ sự hoan nghênh và chúc mừng tân Thủ tướng Nhật Bản, nhấn mạnh “mong muốn được làm việc cùng nhau để tăng cường mối quan hệ đối tác lâu dài giữa Nhật Bản và Mỹ”; bày tỏ hy vọng tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ “tiếp tục tiến lên” trong việc giải quyết các ưu tiên chung giữa hai nước; đồng thời bày tỏ “lòng biết ơn đối với ông Shigeru Ishiba vì đã đặt tầm quan trọng vào liên minh Nhật - Mỹ”.

Ông Blinken cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với cựu Thủ tướng Fumio Kishida vì những nỗ lực củng cố và tăng cường liên minh Nhật - Mỹ. Ngoài việc thúc đẩy hợp tác song phương, ông đánh giá cao nỗ lực của Nhật Bản và Mỹ trong việc “xây dựng quan hệ đối tác khu vực mới”.

Tuấn Nhật, Ngọc Huân/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/trong-trach-lay-lai-niem-tin-cua-tan-thu-tuong-nhat-ban-ishiba-post1125519.vov