Trong trận chiến này không lẽ tôi trắng tay?

Tôi muốn chứng minh cho thiên hạ thấy với một người phụ nữ giỏi giang, mạnh mẽ thì đàn ông chỉ là một thứ trang sức rẻ tiền mà họ không bao giờ muốn khoác lên người…

Tôi giật thót người khi nhận ra mình đã nói với Tuấn cái câu giống hệt như đã nói với cha nó cách đây hơn 20 năm. “Mấy người mà rời tôi ra thì chỉ có bốc c... mà ăn” – ngày ấy tôi đã gầm lên như thế với Minh. Mãi về sau này tôi vẫn nhớ ánh mắt Minh lúc đó. Anh nhìn tôi đầy oán hận rồi quay lưng đóng sầm cửa lại.

Minh đi tay không nên tôi đinh ninh chẳng sớm thì muộn anh sẽ trở về. Anh đã quen sống trong chăn êm, nệm ấm; quen được cơm bưng, nước rót nên chắc chắn anh không thể ở đâu khác ngoài ngôi nhà của mình - đúng hơn là nhà tôi vì nó được mua bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt tôi vất vả làm ra.

Nhưng tôi đã lầm. Một ngày rồi nhiều ngày sau đó Minh vẫn không về. Tôi bắt đầu lo lắng. Anh ra đi mình không, trong người không tiền bạc, quần áo chỉ một bộ dính da. Tôi lo anh đói khát, lạnh lẽo. Tôi hình dung anh ngồi co ro dưới mái hiên nào đó, mặt mũi hốc hác, áo quần tả tơi…

Ảnh mang tính minh họa.

Ảnh mang tính minh họa.

Tôi hỏi thăm mấy người bạn cũ của anh. Chẳng ai có tin tức gì. Tôi muối mặt chạy về nhà ba mẹ chồng để tìm Minh. Họ cũng không có tin tức gì của anh. Nhưng khi tôi quay về thì thấy Minh ở nhà. Đây là cơ hội tốt để vợ chồng làm lành, nhưng tôi đã đánh mất. Vừa trông thấy Minh, tôi đã nói độp vào mặt anh: “Sao không đi luôn đi, về làm gì?”. Là tôi nói lẫy thôi chứ trong thâm tâm tôi rất mừng khi Minh trở về. “Tôi về thăm con nhưng nghe dì Hai nói em đã gởi nó về bên ngoại. Để tôi qua bên ấy…”.

Không chờ Minh nói hết câu, tôi đã quát lên: “Anh không được qua đó làm phiền ba mẹ tôi. Nói cho anh biết, cái nhà này không phải là quán trọ mà anh muốn ở thì ở, muốn đi thì đi”.

Minh đứng dậy, mở cái túi xách để dưới chân rồi nhìn tôi: “Em xem đi. Tôi chỉ lấy những thứ của tôi. Đơn ly hôn tôi đã ký. Em cần gì thì tìm tôi tại công ty cũ của tôi”. Tôi nghe hai tai mình lùng bùng: “Anh dám?”. Minh cười nhạt: “Có gì mà không dám? Tôi đã ngán đến tận cổ rồi. Đây là địa ngục chứ không phải gia đình”.

Nói rồi không chờ nghe tôi phản ứng, Minh đã quảy giỏ bỏ đi.

Tôi gieo người xuống ghế, mắt nhìn trân trối vào cái khoảng trống ở cửa. Người đàn ông của tôi đã mất hút. Chẳng lẽ anh quay lưng dễ dàng vậy sao? Dù gì thì chúng tôi cũng đã có 6 năm vợ chồng, chúng tôi cũng đã có với nhau 1 đứa con. Chưa kể, 4 năm nay, kể từ khi Minh bị tai nạn lao động phải nghỉ việc, một tay tôi đã chăm sóc anh, nuôi con, kiếm tiền lo cho gia đình… Tôi đã làm quá nhiều việc cho anh nên tôi phải có quyền sinh sát trong cái nhà này chứ? Cơm anh ăn, áo anh mặc, tiền bạc cho cha mẹ anh… tất tần tật đều một tay tôi lo chứ anh có khỉ khô gì ngoài cái chân gãy và hai bàn tay chỉ còn 8 ngón! Trước đây mỗi khi mệt nhọc, bực tức, tôi cũng nói thế mà anh có phản ứng đâu, sao giờ lại dám nổi loạn như vậy? Hay anh có người phụ nữ khác trong lúc tôi đầu tắt mặt tối, vất vả lo cho gia đình?

Nghĩ tới đây, cơn giận lại trào lên. Tôi lao lên phòng anh, định đập phá một trận cho hả giận. Thế nhưng đập vào mắt tôi trước tiên là tấm ảnh chụp tôi và Minh trong chuyến đi Nha Trang sau lễ đính hôn Minh đặt trên bàn. Ngay gần đó là ảnh cưới của hai đứa. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Bốn năm đại học, thêm 2 năm đi làm rồi 6 năm vợ chồng, tính ra chúng tôi đã có 12 năm bên nhau.

Trong đoạn đường khá dài ấy, chỉ có 4 năm cuối là khó khăn vì Minh gặp nạn. Dù vậy tôi vẫn thương yêu, quan tâm chăm lo cho anh chứ có xao nhãng phút giây nào đâu? Chỉ là đôi khi vì trên vai gánh quá nặng nên tôi không còn mềm mỏng, dịu dàng như trước. Còn anh, đã ở không, ăn bám lại không biết thân phận. Lẽ ra khi tôi nổi nóng thì anh phải nhẹ nhàng, khi tôi quát tháo thì anh phải ôn tồn, khi tôi gay gắt thì anh phải nhẫn nhịn…

Đằng này cơm sôi anh lại còn châm thêm củi lửa…

Cơm đang sôi anh lại còn châm thêm củi lửa…

Cơm đang sôi anh lại còn châm thêm củi lửa…

Tôi nghĩ lan man đủ chuyện đến mệt mỏi thiếp đi. Trong giấc mơ, tôi thấy anh về, nằm xuống bên cạnh, ôm tôi vào lòng an ủi vỗ về. Trong mơ tôi cũng tự nhủ với lòng sẽ không hờn giận anh nữa. Thế nhưng khi giật mình tỉnh giấc, vừa mở ngăn tủ định tìm mấy quyển album hình cưới thì tôi thấy ngay tờ đơn ly hôn. Anh viết tay, dài gần 4 trang giấy tập. Anh nói lý do muốn ly hôn là vì anh không còn thấy hạnh phúc khi ở cùng tôi. Anh muốn được tự do, không phải lệ thuộc, không phải mang tiếng sống bám vợ… Tôi đọc đi, đọc lại lá đơn viết tay của anh. Càng đọc máu giận càng trào lên. Được rồi, để coi anh sống độc lập tự do thế nào. Tôi dám chắc chỉ dăm bữa, nửa tháng là lại mang đầu về khóc lóc van xin tôi tha thứ…

Tôi quyết định ký đơn ly hôn.

Tôi không ngờ sau khi tòa xử cho phép thuận tình ly hôn, mặt anh vẫn bình thản. Anh đến bên tôi: “Dù em không cần cấp dưỡng nuôi con nhưng anh không thể rũ bỏ trách nhiệm. Anh sẽ lo cho nó theo cách của mình. Em giữ sức khỏe. Đừng làm quá sức. Cũng phải nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân”.

Từ đó, Minh trở về nhà như một người khách. Anh ngồi ở phòng khách hỏi han một cách khách sáo về cuộc sống của hai mẹ con; anh lơ đễnh cầm lên quyển tạp chí nhưng không phải để đọc mà là để tránh nói chuyện với tôi; ly nước tôi rót để trước mặt, anh không hề nhấp môi… Những lần không có thằng Tuấn ở nhà, anh đến rồi đi ngay.

Năm năm sau, anh cưới vợ. Một cô giáo trẻ, khá đẹp. Anh mời tôi dự đám cưới nhưng tôi xé nát tấm thiệp vứt vào thùng rác…

Tôi nuôi thằng Tuấn trong sự tự ái và niềm kiêu hãnh của một người phụ nữ độc lập. Con tôi lớn lên trong nhung lụa. Nó muốn trời có trời, muốn đất có đất. Tôi muốn chứng minh cho thiên hạ thấy với một người phụ nữ giỏi giang, mạnh mẽ thì đàn ông chỉ là một thứ trang sức rẻ tiền mà họ không bao giờ muốn khoác lên người… Trong mắt thằng Tuấn, mẹ nó là một nữ cường nhân và nó phục tùng tuyệt đối. Kể cả khi nó thích học cơ khí như ba nhưng tôi bắt nó học tiếng Anh thì nó cũng không dám phản ứng nửa lời.

Ấy vậy mà từ khi có người yêu, nó bỗng trở thành một người khác. Tôi nói cái gì không đúng ý là nó cãi lại. Tôi bắt làm chuyện gì nó không thích thì nhất định không làm. Và rất nhiều thứ khác nữa. Rõ ràng là tôi đã mất con kể từ khi có người phụ nữ thứ hai hiện diện trong cuộc đời nó. Đáng ghét hơn nữa là cô người yêu của con tôi lại có nét rất giống vợ sau của ba nó. Mỗi lần nhìn mặt con bé là máu giận trong tôi bốc lên bừng bừng. “Giữa tôi và nó, anh chỉ được chọn một người. Chọn tôi thì anh có tất cả, còn chọn nó thì một cái giẻ rách tôi cũng không cho anh”- tôi lạnh lùng nói với con như vậy.

Tôi nhớ con quay quắt. Mất nó là tôi mất tất cả...

Tôi nhớ con quay quắt. Mất nó là tôi mất tất cả...

Thằng Tuấn nhìn tôi trân trối: “Mẹ… sao mẹ làm khó con như vậy? Sao lại bắt con phải chọn lựa giữa mẹ với người con yêu? Con không thể xa cô ấy, nhưng con cũng không thể rời bỏ mẹ”. Tôi nói dứt khoát: “Anh đừng có già mồm. Tôi nói một là một. Anh trả lời đi. Trả lời ngay!”. Những lời cuối cùng, tôi nói như quát.

Và tôi không ngờ thái độ ấy của tôi đã đẩy con đi xa. Nó nhìn tôi, mắt hoe đỏ: “Con xin lỗi… nhưng con chọn cô ấy”. Đất trời như sụp đổ trước mắt, tôi gầm lên: “Vậy thì cút đi, cút ngay đi, không được đem theo bất cứ thứ gì…”.

Thằng Tuấn lại nhìn tôi trân trối nhưng lần này mắt nó vằn lên những tia đỏ hoặc là tôi cảm giác như vậy. Nó đứng lên: “Mẹ tưởng không có mẹ thì con chết đói sao? Mẹ lầm rồi! Giờ thì con đã biết vì sao ba rời bỏ mẹ. Được rồi, con đi đây”.

Nó đi thật. Tôi chỉ kịp nói với theo: “Mấy người mà rời tôi ra thì chỉ có bốc c... mà ăn”. Thằng Tuấn không trả lời. Chỉ có tiếng xe máy rồ lên đầy tức tối rồi tắt hẳn.

Nó đi đến nay đã hơn hai tuần mà không hề ghé về lấy quần áo hay gọi điện hỏi thăm. Tôi nhớ con quay quắt. Dễ đến hàng trăm lần tôi mở danh bạ điện thoại tìm tên nó. Và lần nào cũng vậy, tôi lại buông điện thoại thở dài. Nếu gọi cho nó có nghĩa là tôi thua, tôi đầu hàng nó sao? Còn không gọi thì tôi sẽ mất con. Điều đó là chắc chắn vì bây giờ bên nó có người nó yêu, có cha ruột, mẹ kế và các em cùng cha khác mẹ của nó. Còn tôi, mất nó là tôi mất tất cả.

Trong trận chiến này không lẽ tôi trắng tay sao?

Thiên Duyên

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/trong-tran-chien-nay-khong-le-toi-trang-tay-25337.html