Trong trường cũng có 'bia kèm lạc'?
Đầu tháng 6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo (STK) trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Đây là vấn đề 'đau đầu' của các bậc phụ huynh vì không mua thì không ổn, mà mua thì tốn nhiều tiền.
Theo Chỉ thị, các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ GDĐT phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, STK và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, với học sinh, các em không xác định được đâu là nội dung chính yếu, đâu là phần học thêm; nhiều phụ huynh cũng không thể hướng dẫn con cái học tập, chính vì thế, nếu không dựa vào năng lực của học sinh mà buộc mua SGK lẫn STK.
Thực tế thì năm nào ngành Giáo dục cũng có chỉ thị yêu cầu không được bán SGK kèm STK, sách bài tập, phổ biến tới từng địa phương, các cơ sở giáo dục. Nhưng, cơ quan quản lý chỉ “cấm” nhưng lại không thể “quản”, dẫn tới tình trạng nhiều trường học vẫn cứ bán SGK theo kiểu “bia kèm lạc”, với nhiều hình thức được cho là “tinh vi”.
Vậy, cách gì để chấm dứt tình trạng ấy?
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc bán SGK kèm theo sách bài tập, STK là không phù hợp, trong khi nhiều phụ huynh vẫn đang phải lo lắng từng khoản chi tiêu, lo lắng vấn đề kinh tế trong gia đình. Hơn nữa, chúng ta đang thực hiện giảm tải chương trình giáo dục, việc có quá nhiều sách bài tập, STK chỉ làm tăng thêm gánh nặng, áp lực học tập cho học sinh.
Ông Nhưỡng cũng cho rằng, việc mua bán SGK kiểu "bia kèm lạc" thì liệu rằng chúng ta đã vì học trò hay chưa? Hay người học đang bị biến thành “con tin” của việc kinh doanh, buôn bán sách?
Còn theo ông Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, bên cạnh việc cấm bán SGK theo kiểu “bia kèm lạc” thì rất cần có giải pháp để thực hành tiết kiệm trong việc sử dụng SGK. Cần xây dựng một tủ sách dùng chung trong nhà trường với các bộ SGK để cho học sinh mượn học, cuối năm học sinh trả lại để các khóa sau tiếp tục sử dụng. Riêng với sách bài tập, STK, học sinh nào có điều kiện và có nhu cầu sử dụng sẽ đăng ký mua.
“Bằng cách làm này, sẽ giúp tiết kiệm trong xã hội, tránh xảy ra sự lãng phí trong việc sử dụng SGK. Còn như hiện nay, việc mua bán, phân phối SGK qua các khâu trung gian cũng là nguyên nhân dẫn tới những vấn đề tiêu cực”- ông Nhĩ nói.
Nhân câu chuyện này, xin được sơ qua chút ít về tình hình sách nói chung trong trường học. Đó là việc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai ở các cấp học phổ thông với chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK” tạo cho các nhà trường, các địa phương có nhiều lựa chọn những đầu SGK phù hợp trong 3 bộ SGK để giảng dạy.
Đó là các bộ SGK: Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh Diều. Dù rằng đây được coi là cách làm mở, nhưng cũng khá “rối não” bởi giữa rất nhiều đầu SGK ở mỗi lớp học như một ma trận. Từ đó, phụ huynh hầu hết phải tìm đến kênh phân phối SGK của nhà trường.
Có thể nêu ví dụ: Theo Quyết định số 1706 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 7, lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố năm học 2022-2023, qua tìm hiểu riêng sách Tiếng Anh đã có 9 bộ sách. Chính vì thế, học sách Tiếng Anh nào (1 trong 9 bộ) thì đó là nhiệm vụ của mỗi nhà trường. Và, tất nhiên là phụ huynh phải mua sách theo nhà trường lựa chọn, đồng nghĩa với việc họ mất đi quyền được chọn sách cho con mình học. Khi nhà trường đã chọn rồi thì phụ huynh “không dám” đi tìm mua ở bên ngoài.
Cách đây chưa lâu, dư luận xôn xao về việc trên website của một trường trung học cơ sở (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) thông báo như sau: “Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở (...) thông báo đến phụ huynh học sinh và học sinh có tham gia xét tuyển vào lớp 6 năm học 2021-2022 trường không nên tự mua SGK bên ngoài thị trường. SGK dùng cho lớp 6 năm học 2021-2022, Nhà trường đã đăng ký hộ cho phụ huynh và học sinh với nhà xuất bản, phụ huynh học sinh sẽ trả lại số tiền mà nhà trường mua hộ. Để tránh trường hợp mua không đúng loại sách, nhà xuất bản”.
Đến đây, phát sinh câu hỏi: Giá SGK bán trong nhà trường có khác với giá sách niêm yết của các nhà xuất bản? Và câu trả lời là có! Như vậy là nhà trường đã thu được số tiền “vênh”, chiết khấu từ các nhà xuất bản. Có thể thấy, một khi các công ty cổ phần sách và thiết bị trường học ở các tỉnh, thành đã len lỏi tiếp thị, cung cấp SGK, STK đến các trường học thì tất nhiên ai cũng biết chuyện không chỉ còn là “vì học sinh thân yêu”.
Những sản phẩm “bia kèm lạc” như sách bài tập, STK bán “kèm” với SGK thường sẽ được nhà trường sẽ “tư vấn” cho phụ huynh. Như vậy, phụ huynh sẽ là khách hàng tiềm năng, cố định từ năm này sang năm khác, do con em họ phải theo học nhiều năm phổ thông. Ngày 8/6/2022, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh "nghiêm cấm bất kỳ hình thức ép buộc, gợi ý cho phụ huynh trong việc mua sách không phải SGK trong danh mục". Tuy nhiên, điều tinh vi ở chỗ nhiều trường làm danh sách chia các phần SGK, STK riêng nhưng cùng một danh mục thông báo, các thông báo mua sách truyền đạt bằng miệng qua giáo viên chủ nhiệm, không có bất cứ văn bản nào cụ thể nên dù phụ huynh bức xúc thì cũng rất khó có chứng cứ chứng minh trường "ép buộc".
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/trong-truong-cung-co-bia-kem-lac-5690547.html