Trống truyền thống Đọi Tam vang tiếng trên quê hương mới Yên Bái

Thương hiệu trống Đọi Tam nức tiếng bao năm qua đã tìm thấy quê mới của mình nhờ công sức của những người con xa quê lập nghiệp trên vùng đất Yên Bái.

Đã từ lâu, những chiếc trống Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đã nức tiếng xa gần. Một người con của làng quê ấy sinh sống, lập nghiệp cùng gia đình trên vùng đất Yên Bái đã đưa thương hiệu trống Đọi Tam thành công trên quê hương mới. Đó là anh Phạm Chí Mạnh ở thôn Đại Tân, xã Đại Minh (huyện Yên Bình, Yên Bái) năm nay vừa bước sang tuổi 32. Không lớn lên ở quê hương Đọi Tam nhưng dường như hồn quê, hồn nghề cùng những âm thanh lay động lòng người của những chiếc trống vẫn luôn theo anh, cổ vũ anh để lập nghiệp thành công.

Từ bé đã hít thở không khí của nghề truyền thống gia đình, được khởi nguồn từ ông nội anh ở quê Đọi Tam lên đây lập nghiệp những năm 60 thế kỷ trước, ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học vào năm 2012, chàng trai Phạm Chí Mạnh đã khởi nghiệp từ nghề làm trống truyền thống bằng khát vọng tuổi trẻ cùng những bí kíp nhà nghề mà gia đình đã tích lũy để nay gửi gắm cho Mạnh.

 Anh Phạm Chí Mạnh bên những sản phẩm trống mới Ảnh: NVCC

Anh Phạm Chí Mạnh bên những sản phẩm trống mới Ảnh: NVCC

Khởi nghiệp chưa lâu, lại là nghề truyền thống với những đòi hỏi vô cùng khắt khe về vật liệu, kỹ thuật cho mỗi sản phẩm, nhưng xưởng trống của anh Mạnh đã nhanh chóng khẳng định như một địa chỉ uy tín cho thương hiệu trống truyền thống Đọi Tam tại Yên Bái.

Đơn hàng ngày một ổn định, lại được tiếp thị và giới thiệu trên mạng xã hội, nhiều người ở nơi xa biết tiếng xưởng trống của anh Mạnh cũng lặn lội tìm đến đặt hàng. Sản phẩm trống Phạm Mạnh vì thế mỗi ngày một vang xa, chắp cánh thêm cho thương hiệu trống từ bao đời của cha ông.

Mỗi năm, xưởng của anh Mạnh với lao động chủ yếu là người trong gia đình cung cấp cho xã hội vài trăm chiếc trống đủ loại, từ những chiếc trống nhỏ đến trống đại đường kính cả mét, đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thu nhập bình quân mỗi lao động cỡ 6 đến 8 triệu đồng/tháng.

Làm nghề trống, ai cũng biết câu ca: "Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều”. Gỗ mít có đặc tính mềm dẻo, khi phơi nắng ít bị cong vênh, nứt vỡ và đặc biệt là chống mối mọt tốt. Da trâu có đặc tính bền và dai, tính đàn hồi tốt. Bởi những đặc tính trên mà da trâu và gỗ mít là hai nguyên liệu cơ bản được người thợ trống lựa chọn để làm nên sản phẩm trống hoàn hảo phục vụ cộng đồng.

Biết là như vậy nhưng không phải ai cũng thành công bởi với nghề truyền thống, bên cạnh bí truyền trong nghề thì cái tâm, tấm lòng sống chết với nghề là thứ không thể thiếu, nhất lại là nghề truyền thống mang tính đặc thù như nghề làm trống. Bởi mỗi chiếc trống dù to hay nhỏ, đánh ở làng hay ở mọi không gian cộng đồng đều là sản phẩm mang tính sáng tạo độc đáo, ít khi lặp lại.

Anh Mạnh chia sẻ thêm, nghề làm trống đòi hỏi phải có tình yêu và sự đam mê; người làm phải thật sự chăm chỉ, khéo léo tiếp thu bí quyết nghề và chịu khó học hỏi, sáng tạo. Sản phẩm làm ra phải được xem như đứa con tinh thần của mình.

Khi nói về sản phẩm trống truyền thống Đọi Tam vang tiếng trên quê hương mới Yên Bái với cơ sở sản xuất của anh Phạm Chí Mạnh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Bình Vũ Tuấn Mạnh cho biết, địa phương đang định hướng xây dựng một nghệ nhân, mở lớp đào tạo cho thế hệ sau về nghề làm trống tại địa phương để từ đó phát triển thương hiệu tạo sản phẩm OCOP tại xã Đại Minh.

Quê hương Đại Minh của anh Mạnh vốn từng nức tiếng với giống bưởi tiến vua bao đời nay lại đang vang xa thêm cùng với sản phẩm trống truyền thống.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trong-truyen-thong-doi-tam-vang-tieng-tren-que-huong-moi-yen-bai-337175.html