Trong tương lai, thiết bị đeo tay sẽ ghi nhận được cảm xúc?
Công nghệ thiết bị đeo tay phát triển thần tốc trong vài năm qua. Chúng đã có thể đo điện tâm đồ cùng huyết áp, phát hiện tình trạng ngưng thở lúc ngủ và theo dõi trạng thái căng thẳng.
Thậm chí, một ngày nào đó thiết bị đeo tay sẽ ghi nhận được cảm xúc. Gần đây, một nhóm chuyên gia từ Đại học Đô thị Tokyo công bố nghiên cứu về cách họ ghi nhận cảm xúc bằng cách đo và phân tích thay đổi trong phản ứng dẫn điện của da (phát sinh từ cảm xúc khác nhau).
Tình nguyện viên tham gia nghiên cứu xem các đoạn phim khơi gợi nỗi sợ hãi, niềm vui cùng cảm xúc gắn kết gia đình. Nhóm chuyên gia đo phản ứng dẫn điện mà từng loại cảm xúc tạo ra.
“Khi con người cảm thấy điều khác nhau, mồ hôi khiến đặc tính điện của da họ thay đổi mạnh mẽ, tín hiệu thường xuất hiện trong vòng 1 - 3 giây sau kích thích ban đầu”, nhóm giải thích. Sau thí nghiệm, họ phát hiện nỗi sợ hãi sản sinh phản ứng mạnh nhất, còn cảm xúc gắn kết gia đình sản sinh phản ứng tăng dần và đem lại sự sự kết hợp giữa niềm vui với nỗi buồn.
Thí nghiệm vẫn còn hạn chế trong khi cảm xúc con người cũng vô cùng phong phú và phức tạp chứ không chỉ gói gọn ở ba loại cảm xúc nêu trên. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất cho thấy dữ liệu về phản ứng dẫn điện có thể giúp dự đoán ai đó có đang trải qua sự sợ hãi hay ấm áp từ mối quan hệ gia đình hay không.
Đo phản ứng dẫn điện của da không phải chỉ là thí nghiệm khoa học. Đồng hồ thông minh Fitbit Sense hay hai dòng dây đeo Charge 5, Charge 6 đều sở hữu cảm biến hoạt động điện da (EDA) chuyên đo thay đổi về điện trong mức độ mồ hôi trên da nhằm phát hiện dấu hiệu căng thẳng.
Thời điểm tính năng ghi nhận cảm xúc được trang bị cho thiết bị đeo tay tùy thuộc vào đơn vị sản xuất. Nhóm chuyên gia Đại học Đô thị Tokyo rất lạc quan về tương lai vì cảm biến EDA đã có mặt trên thị trường. Loạt “ông lớn” như Apple, Google, Samsung sẽ sớm khai phá tính năng mới.