Trong vòng 2 năm, châu Âu liên tiếp đón 2 cuộc khủng hoảng

Sau hơn một năm quay cuồng với khủng hoảng năng lượng, hiện châu Âu đang phải đối mặt với giá thực phẩm tăng vọt.

Đầu năm nay, hãng tin của châu Âu (Euronews) đã báo cáo rằng mặc dù lạm phát năng lượng đã chậm lại, giá lương thực vẫn tiếp tục tăng mạnh trên toàn khối 27 thành viên EU. Trong một số trường hợp, giá của nhiều mặt hàng thiết yếu đã vọt lên tới 50%, báo cáo lưu ý.

Đặc biệt, trong tuần này, tờ Wall Street Journal (Mỹ) cũng đăng một phóng sự về bí ẩn giá lương thực châu Âu. Báo cáo lưu ý rằng trên thị trường hàng hóa nông sản toàn cầu, giá các mặt hàng đa phần đã “hạ nhiệt”, nhưng vẫn tiếp tục tăng ở châu Âu.

 Khủng hoảng lạm phát kéo các nước châu Âu vào cuộc chiến lương thực. Ảnh minh họa: AFP.

Khủng hoảng lạm phát kéo các nước châu Âu vào cuộc chiến lương thực. Ảnh minh họa: AFP.

Tương tự, giá khí đốt trên cả thị trường toàn cầu và thị trường nội bộ của Liên minh châu Âu (EU) cũng vậy. Nếu chi phí năng lượng giảm, tổng chi phí của các nhà sản xuất thực phẩm sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, dù có thể là như vậy, nhưng giá cuối cùng cho các sản phẩm của họ vẫn tăng.

Trên thực tế, giá lương thực ở EU cao đến mức các Chính phủ cần can thiệp trực tiếp với sự trợ giúp tài chính để giảm bớt thiệt hại.

WSJ lưu ý rằng Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha đã cắt giảm thuế đối với thực phẩm để giảm giá. Các nước EU khác đã gây áp lực buộc các nhà sản xuất lương thực không tăng giá quá mức.

Thậm chí Vương quốc Anh đang điều tra các nhà sản xuất thực phẩm về hành vi được cho là thao túng giá.

Vào tháng 4, công ty bảo hiểm lớn Allianz cho rằng một lý do khiến giá thực phẩm cao bắt nguồn từ việc nhiều doanh nghiệp liên tục “chốt lãi”, với hy vọng bù đắp lợi nhuận sau khi chịu thiệt hại từ cuộc khủng hoảng năng lượng.

“Điều này có thể xuất phát từ việc các công ty trong lĩnh vực thực phẩm đang bù đắp cho những tháng khó khăn từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2022”, Allianz viết.

Đồng thời cho rằng: “Chúng tôi thấy rằng hầu hết công ty đã xoay sở để tăng doanh thu vượt quá chi phí kể từ đó”.

 Giá thực phẩm leo thang khiến nhiều túi tiền của người dân châu Âu bị xói mòn. Ảnh: Internet.

Giá thực phẩm leo thang khiến nhiều túi tiền của người dân châu Âu bị xói mòn. Ảnh: Internet.

Theo một báo cáo khác của WSJ, lạm phát lương thực nghiêm trọng đang khiến người châu Âu giảm chi tiêu cho thực phẩm vào thời điểm rất kỳ lạ: chi phí năng lượng thấp hơn nhiều so với thời điểm này năm ngoái, hoạt động công nghiệp đang tăng lên ở EU.

Báo cáo trích dẫn việc khởi động lại một trong những nhà máy luyện nhôm lớn nhất trên lục địa, ở Pháp. Đồng thời việc tăng cường sản xuất đã bị cắt giảm vào năm ngoái của công ty phân bón lớn Yara International.

Tuy nhiên, ngay cả báo cáo lạc quan đó cũng lưu ý một vài điều. Thứ nhất, sự hồi sinh của hoạt động công nghiệp không phải là điều phổ biến. Thứ hai, lý do khiến giá năng lượng giảm ổn định đều nhờ nhu cầu sử dụng yếu.

Cả hai điều nêu trên không gợi ý chính xác về sự phục hồi kinh tế vượt trội cho 27 quốc gia EU.

WSJ lưu ý kế hoạch của một nhà sản xuất phân bón khác (OCI) sẽ không khôi phục sản xuất amoniac và metanol vì không chắc chắn rằng họ có phải đóng cửa hay không nếu giá năng lượng tăng cao.

 Giá năng lượng cao khiến nền công nghiệp sản xuất của châu Âu chững lại kể từ năm 2022. Ảnh: Oiprice.

Giá năng lượng cao khiến nền công nghiệp sản xuất của châu Âu chững lại kể từ năm 2022. Ảnh: Oiprice.

Trong khi đó, tại Đức, gã sản xuất xe hơi hạng sang Volkswagen đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin EV thứ hai vì giá năng lượng quá cao.

Điều này cho thấy rằng mặc dù thấp hơn so với thời điểm này năm ngoái, giá năng lượng ở châu Âu vẫn chưa trở lại mức mà các doanh nghiệp lớn thấy đủ hấp dẫn để tiếp tục hoạt động thông thường của họ.

Nhưng điều mà báo cáo đầu tiên của WSJ gọi là khủng hoảng lương thực, trên thực tế, chỉ là lạm phát lương thực. Một cuộc khủng hoảng thường liên quan đến sự thiếu hụt nguồn cung. Nhiều khả năng, tại các quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với hiện trạng cung thấp hơn cầu.

Ngoài ra, việc ngừng sản xuất phân bón vào năm 2022 đã trực tiếp khiến sản lượng giảm và giá tăng. Do đó, nhiều nông dân có lẽ đã sử dụng ít phân bón hơn bình thường, đó là lý do khiến nông sản mất mùa, lượng lương thực có sẵn sẽ thấp hơn.

Thêm vào đó, kế hoạch loại bỏ hàng nghìn trang trại ở Hà Lan, một trong những nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất châu Âu đã làm trầm trọng thêm vấn đề giá cả.

Dù thế nào, hai từ “khủng hoảng” bắt đầu nghe có vẻ sát nghĩa hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát hai con số.

Khánh Vy (Theo Oilprice)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trong-vong-2-nam-chau-au-lien-tiep-don-2-cuoc-khung-hoang-post249290.html