Trụ cầu đổ sập trong tích tắc, bụi bốc mù mịt trên đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung
Hình ảnh lan truyền trên mạng khiến nhiều người giật mình và liên danh nhà thầu đã phải lên tiếng giải thích.
Tờ Kompas của Indonesia đưa tin, mới đây, tại công trường xây dựng đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung đã xảy ra một sự việc. Theo đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội thì một trụ cầu trên công trình đã bị đổ sập và va phải 2 máy xúc gần đó, may mắn không có ai tử vong.
Trước sự việc này, liên danh nhà thầu là công ty phát triển đường sắt PT Kereta Cepat Indonesia China (KCIC) đã triệu tập các nhà thầu liên quan để tiến hành điều tra. Công ty cũng yêu cầu các nhà thầu không được để xảy ra sự việc tương tự.
Theo tờ Merdeka, đội phụ trách chất lượng công trình của công ty KCIC và tư vấn giám sát phát hiện trụ DK46 bị lệch nên chỉ đạo nhà thầu thi công tháo dỡ để xây dựng lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật dã được đưa ra.
Người đứng đầu công ty cho hay, không dung thứ cho bất cứ ai để xảy ra lỗi trong quá trình xây dựng. Vị này giải thích, sự việc xảy ra trong quá trình phá dỡ các trụ cầu trên tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung.
Tuy nhiên, dựa trên kết quả điều tra của công ty cho thấy, quá trình tháo dỡ được thực hiện mà không tuân theo các tiêu chuẩn của cơ quan chức năng. Kết quả đánh giá cho thấy, nhà thầu cẩu thả nên trụ cầu đã va vào chiếc máy xúc. May mắn người điều khiển máy xúc đã thoát ra ngoài kịp thời.
Dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung được ký thỏa thuận xây dựng giữa Indonesia và Trung Quốc vào tháng 9/2015. Tuyến đường sắt này dài 140km. Hành trình giữa 2 thành phố từ 30-45 phút, trong khi trước đây phải đi tàu cũ mất 3,5 tiếng.
Sau khi hoàn tất, giá vé dự kiến là 240.000 Rupiah Indonesia đến 3550.000 Rupiah Indonesia (380.000 đồng - 560.000 đồng/vé). Công trình ban đầu được dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021, vận tốc thiết kế lên đến 350km/h và là tuyến đường sắt cao tốc tiêu chuẩn đầu tiên ở Indonesia và ở Đông Nam Á nói chung. Đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung là một trong những dự án trọng điểm thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc đề xuất và là một trong những dự án chiến lược quốc gia của chính phủ Indonesia.
Quỳnh Hương (Theo Kompas, Globaltimes)