Công trình cầu vượt Dầu Giây thuộc dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 20 đoạn Dầu Giây đi Bảo Lộc. Cầu vượt nút giao Dầu Giây được xây dựng dọc theo quốc lộ 1A, bắt đầu khởi công từ tháng 2/2017 và được tạm thông xe vào tháng 3/2022.
Thế nhưng, trước khi cầu được thông xe, những chân cột đèn tại công trình này gây khó hiểu, khiến dư luận băn khoăn.
Theo ghi nhận, những cột đèn này nhô ra, được thiết kế theo dạng đắp tai gia cố, bắt ốc đứng độc lập, không có liên kết với thành cầu như những công trình khác.
Những chân cột đèn cao áp ven đường được thi công phía bên ngoài của cầu, nhô ra phần đường đi phía dưới khoảng 40cm.
Phần chân đế cột đèn "lấn chiếm" phần đường của các xe đang lưu thông gây nhiều tranh cãi cũng như khiến nhiều người đi đường lo mất an toàn giao thông.
Những khối bê tông làm chân đế cột đèn.
Thiết kế tai trụ nhô ra, được chủ đầu tư cảnh báo bằng gắn thêm tấm phản quang.
Thông tin về các cột đèn nhô ra, ông Hoàng Văn Mậu, Tổng Giám đốc Công ty CP BT20 - Cửu Long (chủ đầu tư dự án nút giao ngã tư Dầu Giây) cho biết, các trụ đèn nhô ra nằm trong phạm vi đường viên vỉa, thi công theo đúng thiết kế và nằm trong hạng mục chính công trình cầu và đã được Bộ GTVT tải phê duyệt nên an tâm về độ an toàn kết cấu.
"Cụ thể, sát tường chắn 2 bên cầu vượt phía mố M1 (phía Bắc) có một đường viên vỉa chôn phía dưới, phần trụ đèn nằm trong phạm vi này nên không tác động đến người đi đường. Riêng mố 2 (phía Nam) do lưu lượng xe quá đông, đơn vị không thể chặn đường để chôn các viên vỉa xuống", ông Mậu nói.
Hoàng Thọ