Trừ điểm giấy phép lái xe: cần rõ ràng, hợp lý

Trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, Bộ Công an đề xuất 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Bộ Công an đề xuất 189 hành vi bị trừ điểm giấy phép lái xe. Ảnh: Hoàng Hà

Bộ Công an đề xuất 189 hành vi bị trừ điểm giấy phép lái xe. Ảnh: Hoàng Hà

Vấn đề này đang được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là với nhóm hành vi bị trừ “kịch khung” 12 điểm.

Nhiều ý kiến về mức phạt

Luật Trật tự ATGT đường bộ quy định điểm của GPLX được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, ATGT đường bộ, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ.

Dữ liệu về điểm trừ điểm GPLX của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết. Trong dự thảo Nghị định đề xuất quy định 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm GPLX.

Trong đó 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ “kịch khung” 12 điểm GPLX đang được dư luận rất quan tâm gồm: điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%; đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ trên 35km/giờ...

Đây là những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hủy hoại công trình giao thông... Anh Nguyễn Thành Đạt (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết rất đồng tình với đề xuất trừ 12 điểm đối với các hành vi nguy hiểm, đặc biệt với những hành vi nồng độ cồn cao, đua xe trái phép và hành vi chở quá tải trọng. Trên một diễn đàn về xe, nhiều tài khoản mạng xã hội cũng tán thành việc quy định trừ toàn bộ điểm với các hành vi nguy cơ cao gây mất ATGT đường bộ.

Chuyên gia giao thông, TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng bày tỏ sự đồng tình với dự thảo nghị định về đề xuất trừ điểm GPLX. Tuy nhiên, với hành vi điều khiển ô tô, xe máy đi ngược chiều cao tốc đang đề xuất trừ 6 điểm với tài xế, nên điều chỉnh theo hướng tăng nặng vì đây là hành vi rất nguy hiểm, thể hiện thái độ coi thường tính mạng bản thân và người tham gia giao thông. Thời gian qua, cả nước ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khi tài xế đi ngược chiều và lùi trên cao tốc.

TS Khương Kim Tạo kiến nghị hành vi này cần phải bị trừ “kịch khung” 12 điểm. Anh Lê Anh Phú (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho rằng mọi hành vi vi phạm đều phải có mức trừ điểm tương xứng, đủ sức răn đe. Tuy nhiên đối với những hành vi đã phạt tiền, cần xem xét mức trừ điểm phù hợp để tránh ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Hiện trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định vẫn diễn ra rất sôi nổi. Các chuyên gia và người dân đều cho rằng cần rõ ràng, hợp lý và nghiêm mới bảo đảm hiệu quả khi thực thi và đủ sức răn đe đối với người tham gia giao thông.

Cần nghiên cứu thêm

Chia sẻ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội, tài khoản Đặng Văn Hiện (TP Hồ Chí Minh) cho rằng luật quy định các hành vi bị trừ điểm là hợp lý nhưng có nhiều đoạn đường quy định tốc độ không chính xác, do đó, vấn đề vượt quá tốc độ cần xem lại.

Có ý kiến cho rằng, trong việc quy định các nhóm hành vi bị trừ điểm cần rõ ràng, minh bạch, ngay thẳng, không có vùng cấm. Ví dụ như biển báo đặt đúng chỗ không bị che khuất, rõ ràng. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cần mô tả đầy đủ hành vi lái xe chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ vì xe chạy trên đường đương nhiên đuổi nhau, còn chạy quá tốc độ đã được xử lý hành vi vi phạm tốc độ.

Đối với hành vi quay người về phía sau hoặc bịt mắt lái xe máy, TS Khương Kim Tạo cho rằng, cả hai hành vi này đều nguy hiểm như nhau, nên trừ điểm GPLX 12 điểm thay vì trừ 4 điểm như Dự thảo đề xuất.

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định việc trừ điểm GPLX như thế nào rất khó, đòi hỏi cơ quan soạn thảo phải làm việc một cách nghiêm túc, khoa học, chính xác và nhân văn. Nếu không hội tụ các yếu tố trên thì rất dễ phát sinh tiêu cực, dẫn đến đánh giá sai hành vi, xử phạt tùy tiện và áp đặt.

Theo Bộ Công an, dữ liệu về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm GPLX được lưu trữ trong Hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, ATGT và trừ điểm GPLX; việc trừ điểm, phục hồi điểm GPLX được tự động thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu. GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân.

Người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ theo quy định. Ngay sau khi có xác nhận của cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra đạt yêu cầu thì hệ thống cơ sở dữ liệu kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ sẽ kết nối đồng bộ dữ liệu sang hệ thống cơ sở dữ liệu trừ điểm giấy phép lái xe để phục hồi đủ 12 điểm cho giấy phép lái xe đó và cập nhật trạng thái phục hồi điểm trên cơ sở dữ liệu, tài khoản định danh điện tử theo quy định.

Trên thực tế, trừ điểm GPLX là quy định mới, cũng không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Các chuyên gia giao thông góp ý thêm, để việc áp dụng Nghị định vào thực tiễn đạt hiệu quả, lực lượng chức năng cần tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới; xử phạt trực tiếp kết hợp giám sát xử phạt thông qua tin báo của người dân, camera phạt nguội…; quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm, tái phạm, chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

Đồng thời cần có hướng dẫn rõ ràng đối với cả người tham gia giao thông lẫn lực lượng chức năng để việc thực hiện và xử phạt diễn ra công bằng, minh bạch. Như vậy, mỗi lần bị trừ điểm như là "tiếng chuông" cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tru-diem-giay-phep-lai-xe-can-ro-rang-hop-ly.html