Trừ điểm giấy phép lái xe để xây dựng ý thức tham gia giao thông

Cục trưởng Cục CSGT cho rằng việc trừ điểm giấy phép lái xe giúp tạo thói quen cho người điều khiển phương tiện chấp hành luật giao thông.

“Xe máy tại Việt Nam chiếm số lượng lớn, khoảng hơn 70 triệu xe, hàng năm tăng trung bình từ 10-15%. Trong đó, 60% số vụ tai nạn liên quan đến xe máy. Điều này cho thấy thách thức với loại hình này ngày càng lớn”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) khẳng định như vậy tại hội thảo “An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm” diễn ra sáng 4-11 tại Hà Nội. Hội thảo do Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (TDSI) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Trừ điểm để cảnh báo người điều khiển xe

Theo ông Trung, trong 10 tháng đầu năm 2024, xe máy vẫn chiếm tới 60% trong tổng số các phương tiện gây tai nạn giao thông. Để phòng ngừa, lực lượng CSGT toàn quốc tập trung mở nhiều đợt cao điểm để xử lý. Tuy nhiên, việc xử phạt của lực lượng như “muối bỏ bể”.

“Cái chính vẫn là ý thức tham gia giao thông của người điều khiển xe máy cần được cải thiện hơn…”- Thiếu tướng Trung nhận xét.

 Lực lượng CSGT xử lý người vi phạm. Ảnh: PHI HÙNG

Lực lượng CSGT xử lý người vi phạm. Ảnh: PHI HÙNG

Để giải quyết bài toán trên, Cục trưởng Cục CSGT cho biết Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 có nhiều chính sách mới.

Chẳng hạn như ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ, từ quản lý an toàn kĩ thuật phương tiện, hoạt động của các phương tiện đến quản lý người điều khiển cũng như việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện.

Trong đó, luật có quy định mới là trừ điểm giấy phép lái xe thay cho thu hồi giấy phép lái xe có thời hạn như hiện hành. “Đây là một giải pháp chúng tôi học hỏi kinh nghiệm của các nước. Theo đó, mỗi lần trừ điểm là hồi chuông cảnh báo người điều khiển phương tiện, tạo thói quen chấp hành luật giao thông” - ông Trung nói.

Song song với xử phạt, Cục trưởng Cục CSGT cho biết tới đây lực lượng công an sẽ phối hợp với các cơ sở giáo dục để hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho các em học sinh. Bởi hiện cả nước có khoảng trên 4 triệu học sinh có độ tuổi từ 16-18 tuổi và thực tế các cháu đã sử dụng xe gắn máy rất phổ biến.

“Thêm vào đó, việc hướng dẫn kỹ năng cho thế hệ trẻ còn giúp cho các em hình thành ý thức tham gia giao thông từ bé. Đây là nền tảng xây dựng một xã hội giao thông an toàn, văn minh trong tương lai…” - ông Trung nói.

 TS. Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trình bày bài tham luận. Ảnh: V.LONG

TS. Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trình bày bài tham luận. Ảnh: V.LONG

Khẳng định Việt Nam thuộc hàng sở hữu xe máy cao nhất thế giới nhưng độ an toàn thấp, TS. Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng hiện một số phương tiện cơ giới, xe máy chưa phải chịu kiểm định an toàn kỹ thuật (sắp tới mới có kiểm định về môi trường) dẫn tới tình trạng một số xe máy đã cũ nát, không bảo đảm an toàn vẫn lưu hành.

Thêm vào đó, Việt Nam vẫn chưa có quy định xử phạt với trẻ dưới 6 tuổi khi ngồi trên xe mô tô, xe máy không đội mũ, chưa có tiêu chuẩn mũ bảo hiểm đi xe máy cho trẻ dưới 6 tuổi. Đây là những khoảng trống về mặt pháp luật cần được sớm bổ sung.

Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đề nghị thời gian tới cần có giải pháp đối với trẻ em đi xe máy có dung tích dưới 50cc. Hiện nay, nhóm 16-18 tuổi có thể điều khiển xe máy dung tích dưới 50 cc một cách hợp pháp, trong khi nhóm này vẫn thiếu kiến thức và đặc biệt thiếu kỹ năng điều khiển xe.

“Hiện tượng người dưới 16 tuổi điều khiển các loại xe hai bánh gặp tai nạn giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp…”- ông Minh cảnh báo.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tru-diem-giay-phep-lai-xe-de-xay-dung-y-thuc-tham-gia-giao-thong-post818154.html