'Trụ đỡ' của nền kinh tế

Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kết quả chung đó, nông nghiệp có đóng góp lớn, thực sự là 'trụ đỡ' của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.

Trồng nho Hạ đen trong nhà lưới theo hướng hữu cơ cho thu nhập cao tại xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba.

(baophutho.vn) - Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kết quả chung đó, nông nghiệp có đóng góp lớn, thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia. Thực tiễn nhiều năm qua, khi đất nước có những biến động về kinh tế - xã hội, nông nghiệp luôn là “trụ đỡ” cho nền kinh tế. Nhờ vai trò “trụ đỡ” ấy mà đất nước vẫn ổn định, phát triển. Đến nay, đại dịch COVID-19 được xem là “liều thử” mạnh cho năng lực thích ứng của “tam nông” nước nhà.
Tại buổi tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 28/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã phân tích cụ thể nhiều khía cạnh của ngành Nông nghiệp, đồng thời nêu giải pháp để nông nghiệp thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia. “Quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sức lan tỏa ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. Như vậy, phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế - xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ quan điểm. Có thể khẳng định đóng góp của nông nghiệp cực kỳ lớn và quan trọng vào nền kinh tế nước ta thời gian qua. Hiện nay nhiều địa phương trong cả nước vẫn đang ở giai đoạn chống chọi với dịch COVID-19, các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn còn gặp những khó khăn như chi phí đầu vào tăng, thiếu hụt nhân lực… Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp còn dư địa và chúng ta có niềm tin khi xuất khẩu sẽ đạt 42,5 tỉ USD trong năm 2021 cũng như cán đích mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành 2,5-2,8%, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đặc biệt với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự chủ động của các địa phương, chính là điểm tựa cho các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu có niềm tin để tái khởi động lại.

Trồng và chăm sóc dưa lê theo hướng công nghệ cao tại xã Mai Tùng, huyện Hạ Hòa.Mặc dù nhận định nền nông nghiệp có nhiều bước chuyển mình quan trọng, ông Vũ Tiến Lộc cũng chỉ ra một số mặt hạn chế như: Trình độ còn thấp so với thế giới; sản phẩm chủ yếu là thô, gia công; nhiều giống, phân bón, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu phải nhập khẩu… nên giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp không cao; thương hiệu, chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh, chưa vào được phân khúc cao của thị trường thế giới… Đề cập đến những bước đi của ngành nông nghiệp trong 5 năm tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đó chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị. “Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là 3 từ khóa tạo ra hạn chế của nông nghiệp; nếu trong giai đoạn bình thường mới, chúng ta tiếp tục “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” thì sẽ mãi là vòng lẩn quẩn giữ chúng ta trong khó khăn. Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, phải thay đổi tư duy của người nông dân. Nông dân thời nay đều phải đứng trước nhu cầu khởi nghiệp và phải có tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực đang rất yếu, chỉ khoảng 4% nông dân có đào tạo về kỹ thuật chuyên môn. “Khi chúng ta quan niệm rằng, nền nông nghiệp không phải là sản xuất nông nghiệp mà là kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp thì chủ thể của kinh tế đó phải có tinh thần của người kinh doanh”, ông Vũ Tiến Lộc cho hay.“Chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế” cũng là nội dung được đa số đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên thảo luận trực tuyến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, ngày 30/10 mới đây. Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn): “Trong cơ cấu lại nền kinh tế, cần chú trọng nâng cao chuỗi giá trị các ngành, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, nhất là trong ngành Nông nghiệp. Qua hai năm COVID-19, ta càng thấy rõ nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn. Do vậy, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp để thích ứng với xu thế mới, ngày càng cao của thị trường. Bởi hiện nay, tính tự chủ của nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghệp còn thấp”.Đồng tình với tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế) nêu ý kiến: “Cần chú trọng phát triển thị trường lao động gắn với chuyển đổi số; đặc biệt nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới các mô hình đào tạo để tăng năng suất lao động, đảm bảo an sinh xã hội, phát huy lợi thế con người với nhân dân là chủ thể. Trong Nông nghiệp, đòi hỏi sự tập trung cao độ để phát triển khoa học ứng dụng công nghệ cao, trong đó chuyển đổi kinh tế hộ thành kinh tế hợp tác xã, góp phần hình thành hệ sinh thái, tạo liên kết vùng để tương trợ nhau phát triển”.Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) cho rằng, đối với phục hồi nền kinh tế, việc tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 lần này khác biệt lớn so với giai đoạn 2016-2020, đó là chúng ta tái cơ cấu trong bối cảnh đại dịch COVID trên toàn thế giới. Từ đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội một số vấn đề để phục hồi nền kinh tế, trong đó đề xuất: “Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm xây dựng nông nghiệp nông thôn ổn định, bền vững. Nông nghiệp đã là trụ đỡ cho nền kinh tế qua hai lần khủng hoảng, là khủng hoảng tài chính năm 2008 và lần này. Tuy nhiên, tới đây chúng ta tham gia sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ gấp đôi GDP khi khủng hoảng thì nông nghiệp khó đỡ cho chính nó. Do vậy, cần hỗ trợ ngay từ bây giờ để tạo việc làm và thu nhập cho người dân ngay tại quê hương”…

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Riêng trong quý III, khi dịch COVID-19 diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía Nam, giá trị gia tăng của ngành vẫn tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu cả năm.
Có thể thấy, trong mọi biến cố của nền kinh tế-xã hội, nông nghiệp đều phát huy vai trò “trụ đỡ”. Đặc biệt những câu chuyện trong đại dịch COVID-19 vừa qua đã minh chứng ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trên từng mảnh vườn, cái ao… tạo ra giá trị kinh tế, góp phần vào bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác. Hay những dòng người hồi hương vừa qua cũng cho thấy nông nghiệp nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp, là bệ đỡ về an sinh, như “ngôi nhà” sẵn lòng đón và chăm lo cho họ trong giai đoạn này.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, phần định hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 xác định mục tiêu xây dựng một nền “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh”. Đây là mục tiêu nhằm cụ thể hóa thêm một bước thực hiện chủ trương “tam nông” từ Nghị quyết 26/NQ-TƯ Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Vậy là, từ câu chuyện “trụ đỡ” của nền kinh tế, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được định hình một đích đến, một sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp đến tư duy kinh tế nông nghiệp, phát triển bền vững theo hướng sinh thái. Nông nghiệp đã, đang và sẽ được coi là quan trọng không chỉ trong lúc kinh tế đất nước khó khăn mà ngay cả khi đất nước phát triển.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202111/%E2%80%9Ctru-do%E2%80%9D-cua-nen-kinh-te-180784