'Trụ đỡ' của nền kinh tế
Khép lại năm 2024, ngành nông nghiệp Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng mặc dù phải đối mặt với những thách thức lớn do thiên tai, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi). Đón xuân mới, đồng chí Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã chia sẻ với phóng viên (PV) Báo Yên Bái về kết quả nổi bật trong năm qua cũng như những định hướng và giải pháp để phát triển trong tương lai.
PV: Đồng chí có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật mà ngành Nông nghiệp Yên Bái đã đạt được trong năm 2024?
Đồng chí Nguyễn Đức Điển: Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức về thiên tai, bão lũ, đặc biệt là cơn bão số 3 lịch sử (Yagi) đã gây ra những tổn thất rất lớn về người và tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng bị hủy hoại, ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu tăng trưởng của tỉnh. Song với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương; sự nỗ lực của địa phương; sự đồng thuận, ủng hộ của bà con nông dân nên sản xuất nông nghiệp Yên Bái tiếp tục đạt được kết quả tích cực, tiếp tục khẳng định vai trò là nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự ước tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2024 đạt 3,56%, đứng thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố cả nước. Cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 21,62% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Các chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp đều cơ bản thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt trên 81.000 tấn, đạt 108,5% kế hoạch và đạt 107,9% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản ước đạt 14.605 tấn, đạt 100% kế hoạch và đạt 101,9% so với cùng kỳ; trồng rừng đạt trên 15.800 ha, đạt 105,4% kế hoạch và đạt 98,4% cùng kỳ; tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định 63%.
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh công nhận được 119 xã/150 xã đạt chuẩn NTM, đạt 79,3% số xã toàn tỉnh; 43 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ NTM.
PV: Để đạt được những kết quả này, bên cạnh bước "chuyển mình” mạnh mẽ về tư duy và hành động của ngành thì phải nhắc đến những chính sách hỗ trợ nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Đức Điển: Đúng vậy! Các chính sách hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh đã được triển khai thực hiện một cách hiệu quả. Năm 2024, bên cạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Trung ương, của tỉnh do ảnh hưởng bão số 3, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 30/3/2022 và Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã thực hiện 76 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản chủ lực và hơn 350 dự án sản xuất cộng đồng.
Những chính sách này không chỉ giúp nông dân vượt qua khó khăn mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Các chính sách cũng góp phần thay đổi tư duy, phương pháp tổ chức sản xuất của người dân, từ chỗ sản xuất tự phát theo phong trào sang sản xuất có chủ đích theo kế hoạch thị trường của đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao tính hiệu quả, bền vững cho sản xuất nông nghiệp.
Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh từng bước được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ổn định, khẳng định được thương hiệu, phát triển được các thị trường tiềm năng, điển hình như: sản xuất quế hữu cơ, tre măng Bát độ... Việc khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm hàng hóa, đặc sản hữu cơ đã được các địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện.
Các nội dung chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất tiếp tục đóng góp vào duy trì tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành; củng cố và mở rộng về quy mô, sản lượng các sản phẩm hàng hóa, đặc sản của tỉnh. Kết quả thực hiện chính sách đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng NTM, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
PV: Xin đồng chí cho biết, ngành nông nghiệp đã có những bước chuyển như thế nào trong việc nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường trong giai đoạn hiện nay?
Đồng chí Nguyễn Đức Điển: Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Yên Bái đã chuyển mình mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Chúng tôi không chỉ tập trung vào sản xuất mà còn chú trọng đến việc đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã đã được triển khai rộng rãi. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp các địa phương chủ động phát triển sản phẩm đặc trưng.
Đến nay, Yên Bái đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với 10 sản phẩm chủ lực như lương thực có hạt, chè, cây ăn quả và các sản phẩm đặc sản khác. Chúng tôi cũng đã chú trọng đến việc chuẩn hóa sản phẩm nông sản để phục vụ xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 36.800 ha rừng được cấp mới chứng chỉ rừng bền vững (FSC, PEFC/VFCS) và chứng nhận quế hữu cơ; cấp được 97 mã số vùng trồng với diện tích gần 1.150 ha phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
PV: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có những định hướng gì để hoàn thành mục tiêu cho năm "về đích” nhiệm kỳ, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Đức Điển: Năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành khoảng 5,85%. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ thực hiện theo các nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đồng thời áp dụng các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm phục hồi sản xuất sau thiên tai.
Chúng tôi cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án phát triển sản xuất; tập trung vào việc duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh với các sản phẩm chủ lực, đặc sản. Điều này bao gồm việc cấp chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP...) gắn với thị trường tiêu thụ ổn định trong nước đối với các hàng hóa thiết yếu và xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực.
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân được tiếp cận, tham gia các sàn giao dịch sản phẩm nông nghiệp, thương mại điện tử nhằm quảng bá, đa dạng hóa đầu ra cho các sản phẩm nông sản. Trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng tôi sẽ phát triển theo hướng tập trung quy mô lớn, thu hút các dự án chăn nuôi công nghiệp sử dụng công nghệ cao; hỗ trợ mở rộng chăn nuôi hộ gia đình quy mô trang trại, bảo đảm an toàn sinh học và phục hồi đàn gia súc lên khoảng 1 triệu con.
Về thủy sản, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi trồng theo hướng thâm canh và bán thâm canh, tập trung vào các loại thủy sản đặc sản có giá trị cao. Chúng tôi phấn đấu tăng giá trị sản xuất thủy sản từ 9 - 10% và tỷ trọng thủy sản đạt khoảng 5% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Với những định hướng rõ ràng và chiến lược phù hợp, chúng tôi tin rằng, ngành nông nghiệp Yên Bái sẽ tiếp tục là "trụ đỡ” vững chắc cho nền kinh tế trong những năm tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Văn Thông (thực hiện)
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/345234/tru-do-cua-nen-kinh-te.aspx