Trữ tình Phạm Tiến Duật

Phạm Tiến Duật (1941-2007) là nhà thơ hàng đầu trong số các nhà thơ thời chống Mỹ. Thơ ông thể hiện rất sinh động âm hưởng hào sảng của một thời 'xẻ dọc Trường Sơn' đi đánh Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, ở những khoảng lặng sau tiếng bom, là cả một thế giới trữ tình bản thể, tràn đầy tinh thần nhân văn cao thượng, mà gần gũi thân thương...

Phạm Tiến Duật

Nhớ về lũ trẻ

Mười năm ta ở rừng
Mười năm đi tìm giặc
Mười năm xa con đường xa lắc
Có nỗi nhớ nào không một bóng trẻ con.

Đuôi mắt tưởng như mòn,
Vì nhớ nắng nên trời chậm tối,
Cây ngả nghiêng trong tiếng bom Mĩ dội
Quầng nắng trong rừng như những bước chân son.

Sau tiếng bom, tổ trinh sát quây tròn
Mấy con chó mang theo nằm giỡn nắng.
Mấy con chó đùa nhau trong rừng vắng
Gợi nhớ rất nhiều ngõ nhỏ trẻ con chơi.

Những chéo vải màu lung linh dây phơi
Hơi bếp ấm bay vào nỗi nhớ,
Nước bọt trẻ con ướt trên vai trên cổ
Bàn tay nào vò trên mái tóc ta.

Tiếng bom nổ bên kia rừng già
Vẫn nhớ cặp môi trẻ con tóp tép,
Đời có trẻ con nên đời rất đẹp
Mọi vật quanh mình như trẻ thêm ra.

Nhớ những bức tường trên đường ta qua
Có nét vẽ bằng gạch non than củi,
Không ra hình thù gì, những đoạn vẽ rối
Như hình thù con đường của trẻ con nhà ai.

Bỗng nhắc nhớ con đường ngày mai
Con đường ta đi suốt đời không hết,
Trận đánh này và trận sau đánh tiếp
Tất cả vì con trẻ với mai sau.

Đất nước công kênh trẻ con lên đầu
Trẻ con là hy vọng của cha, là an ủi dịu dàng của mẹ
Gì hạnh phúc bằng trao cho nhau đứa trẻ
Hai khuôn mặt người sát lại gần nhau.

Trẻ con vừa gặp đã thân nhau
Là cái cớ sang chơi của bà con hàng xóm,
Cái vòng bánh xe làm bằng vành nón
Mang hình mặt trời trên trái đất lăn lăn.

Xa phố xa làng sống trong núi mười năm
Đi bảo vệ một tuyến đường huyết mạch.
Ôi con đường nối hai đầu chiến dịch
Là nối hai vùng làng, con trẻ với vườn hoa

Quầng nắng trong rừng như những gót chân xa.

Phạm Tiến Duật thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Không còn phải vân vi gì nữa, ngày nay chúng ta có thể yên tâm mà nói rằng, Phạm Tiến Duật chính là nhà thơ ấn tượng nhất trong đội ngũ khá đông đảo các nhà thơ chiến sĩ của một thời lửa đạn đã qua...

Nhà thơ Phạm Tiến Duật thời ở Trường Sơn.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật thời ở Trường Sơn.

Cũng là viết ở chiến trường, cũng vẫn có tiếng bom thù nổ ở đâu đó "bên kia rừng già", đôi khi là rất dữ dội, khiến "cây rừng ngả nghiêng", xơ xác. Nhưng âm hưởng chủ đạo ở bài thơ này lại không phải là tiếng bom ầm ào, là sự khốc liệt của chiến trường, mà chính là âm hưởng tươi vui hạnh phúc trong những khoảnh khắc yêu thương ngập tràn trái tim người lính, khi anh "NHỚ VỀ LŨ TRẺ".

Mở đầu, đã thấy tác giả khẳng định, rằng đã mười năm đằng đẵng xa quê, mười năm chiến đấu ở chiến trường khốc liệt, sống với rừng, mười năm "đi tìm giặc" mà đánh, để bảo vệ một con đường huyết mạch, con đường "nối hai đầu chiến dịch", không thể nào không nhớ quê hương và những người thân yêu... Trong ngổn ngang nỗi nhớ ấy, "có nỗi nhớ nào không một bóng trẻ con"!

Thể hiện nỗi nhớ của người lính trinh sát bảo vệ tuyến đường Trường Sơn, mà chính con đường lại gợi nhớ những con đường, nhưng bắt đầu là từ một cái ngõ nhỏ thân thương. Ngõ nhỏ ấy, chính là cái ngõ nhỏ nơi người lính và cái gia đình be bé của anh từng tá túc, nơi anh từng sớm tối đi về, cũng là nơi những đứa trẻ được sinh ra, nhẩn nha lớn lên, hồ hởi tung tăng, hồn nhiên vui chơi ở đó.

Đọc kỹ bài thơ, bạn đọc sẽ thấy một kiểu cấu trúc song hành, có chủ ý rõ rệt trong từng khổ thơ, trong tứ thơ và cấu trúc tổng thể của bài thơ, như một biểu hiện tiết tấu âm dương hài hòa.

Đó chính là hình ảnh người lính ở chiến trường và hình ảnh những đứa trẻ ngây thơ sống động hiện lên trong nỗi nhớ người lính. Một sự đối lập song hành, cái này là để làm điểm tựa, để tôn vinh và làm sáng lên vẻ đẹp của cái kia, vẻ đẹp thuần khiết của khát vọng nhân bản, nhân văn, của lý tưởng chiến đấu. Có thể nói thêm rằng, một nét thi pháp thơ Phạm Tiến Duật là như thế, nếu đọc hết những bài thơ anh viết ở chiến trường.

Đôi mắt tưởng như mòn
Vì nhớ nắng nên trời chậm tối
Cây ngả nghiêng trong tiếng bom dữ dội
Quầng sáng trong rừng như những bước chân son

Hoặc như:

Sau tiếng bom, tổ trinh sát quây tròn
Mấy con chó mang theo nằm giỡn nắng
Mấy con chó đùa nhau trong rừng vắng
Gợi nhớ rất nhiều ngõ nhỏ trẻ con chơi

Rồi thì cứ thế hiện dần lên quá khứ ấm êm như những thước phim cận cảnh. Này là một chi tiết về đứa trẻ khi nó mới ra đời, với "những chéo vải màu" giăng khắp đó đây. Rồi dăm bảy tháng sau, đứa trẻ được cha bồng bế, vác nó lên vai, có khi "nước bọt trẻ con ướt trên vai trên cổ" người cha, mà dường như lại thấy tự hào, hạnh phúc. Trẻ vô tư ôm đầu cha, xoa xoa bàn tay nhỏ bé dễ thương của nó lên mái tóc cha nó. Ở cái "bếp ấm" gia đình nho nhỏ ấy, người lính còn thấy như "hơi bếp ấm bay vào nỗi nhớ". Và những phút giây hạnh phúc, khi vợ chồng trao cho nhau đứa con nhỏ, hai mặt người rạng rỡ "sát lại gần nhau", tràn trề niềm yêu thương trìu mến...

Mười năm sống cùng bom đạn giữa rừng già Trường Sơn, nỗi nhớ chồng chất mãi lên trong tâm khảm người lính, nhưng lũ trẻ vẫn là tâm điểm của nỗi nhớ khôn nguôi. Ngay cả khi trên đường hành quân vào chiến trường, đi qua những thôn làng, lại gặp những bức tường nhom nhem những đường vẽ bằng than củi đen, bằng gặch đỏ, cũng bất ngờ khơi dậy nỗi nhớ, như thể "hình thù những con đường của trẻ con nhà ai".

Rồi thì

"Cái vòng bánh xe làm bằng vành nón
Mang hình mặt trời trên trái đất lăn lăn"...

Thậm chí, hình ảnh trẻ con còn được đưa lên ngang tầm với hình tượng đất nước: "Đất nước công kênh trẻ con trên đầu", làm đẹp cho nhau, làm lớn cho nhau như một biểu tượng của hòa bình và hạnh phúc vĩnh cửu.

Tiếng bom nổ bên kia rừng già
Vẫn nhớ cặp môi trẻ con tóp tép,
Đời có trẻ con nên đời rất đẹp,
Mọi vật quanh mình như trẻ thêm ra.

Thi nhân dạt dào cảm xúc, phải bất ngờ thốt lên:

Ôi con đường nối hai đầu chiến dịch,
Là nối hai vùng làng, con trẻ với vườn hoa.

Thơ viết ở Trường Sơn của Phạm Tiến Duật thường nghiêng về cảm hứng lãng mạn lạc quan. Lãng mạn cất cánh bay lên từ cuộc sống chiến đấu hết sức dữ dằn, điều ấy có thể tạo ra sức mạnh lớn lao cho người lính, khiến họ vượt lên những hy sinh vô bờ bến.

Cảm hứng công dân thường vẫn là âm hưởng chủ đạo của nền thơ chống Mĩ nói chung và trong thơ Phạm Tiến Duật nói riêng. Vẫn còn thấy rõ sự tròn trịa, trắng đen rõ ràng trong kết cấu bài thơ, ở đây, ở thơ Phạm Tiến Duật viết trong kháng chiến chống Mĩ. Đó cũng là điểm chung, điểm mạnh và đồng thời cũng là điểm yếu của một thời kỳ văn chương phải đi cùng với khẩu súng, đi cùng với mục tiêu chiến thắng của dân tộc. Chỉ hơi tiếc là bài thơ còn nặng về "kể", còn có những chữ thừa, giọng điệu đưa đẩy mượt mà quen thuộc. Nhưng đó là nét chung khó có thể khác của thơ ca một thời lửa đạn đã đi mãi vào lịch sử đau thương và anh dũng của dân tộc!... Tuy nhiên, "NHỚ VỀ LŨ TRẺ" của Phạm Tiến Duật vẫn là một bài ca trong trẻo, sáng tươi, tầm vóc tư tưởng lớn lao, ánh lên vẻ đẹp nhân văn của tâm hồn người lính Việt Nam.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tho/tru-tinh-pham-tien-duat-i711008/