Trưa nay ăn gì: Bữa trưa 'Đoan Ngọ' cùng những món vịt đặc sắc

Trong văn hóa ẩm thực vùng miền Việt Nam, người dân một số nơi có truyền thống dùng thịt vịt trong ngày Tết Đoan Ngọ. Thế nên, mọi người còn chần chừ gì mà không chọn loại thịt này cho bữa trưa ngày 5-5 Âm lịch.

Theo các chuyên trang ẩm thực, thịt vịt được ưa chuộng trong ngày Tết Đoan Ngọ bởi do tiết trời lúc này thường nóng nên người dân dùng thịt vịt có tính mát, bồi bổ cơ thể. Ngoài ra, từ đầu tháng Năm Âm lịch trở đi, vịt bắt đầu vào mùa nên cho chất lượng thịt thơm ngon, ít bị tanh mùi đặc trưng. Ngày nay, thịt vịt được nhiều đầu bếp ứng dụng các phương pháp chế biến đa dạng nên tùy vào sở thích của mọi người mà có thể chọn một trong các món dưới đây:

Vịt quay là phương pháp chế biến vịt của người Hoa khi dùng lò quay chuyên dụng để làm chín thịt vịt. Cụ thể, người bán sẽ chọn vịt loại ngon, ướp hỗn hợp gia vị vào trong bụng vịt, quét thêm lớp sốt đều da vịt và quay trong thời gian cố định để vịt chín. Thành phẩm vịt quay da giòn, thịt bên trong thì mềm; nước sốt thì đậm vị. Món ăn kèm với vịt quay là bánh mì, cơm trắng, cơm chiên, mì xào… Đặc biệt, một số tiệm vịt quay còn sáng tạo thêm hương vị khác như vịt quay sốt tiêu đen, vịt quay muối ớt, vịt quay mè.

Miến măng vịt là một món ăn khá phổ biến trong ẩm thực vùng miền Việt Nam. Theo đó, quán ăn chọn những con vịt ngon, luộc cả con trong nồi nước cùng ít gia vị để lấy nước dùng. Thịt vịt sau đó được chia thành những phần thịt nhỏ tùy theo sở thích thực khách. Khi bạn gọi một tô miến măng vịt thì người bán trụng miến rồi cho vào tô, chan nước dùng cùng măng tươi (hoặc măng khô) rồi xếp thịt lên trên. Những ai thích ăn lòng hoặc huyết có thể gọi thêm. Món ăn này hợp với nước chấm mắm gừng.

Tương tự miến măng vịt, cháo và gỏi vịt là “bộ đôi” thường thấy trong các quán ăn chuyên về vịt. Vẫn là phương pháp luộc chín thịt vịt nhưng thay vì dùng miến thì quán ăn thay thế bằng cháo và các loại rau trộn gỏi. Thông thường, thực khách khi dùng bữa hay gọi cả cháo và gỏi. Gỏi thì chua chua, ngọt ngọt từ rau củ trộn cùng thịt vịt; cháo thơm mùi gạo, thanh vị thịt. Nước chấm là nước mắm gừng hoặc muối tiêu chanh.

Là phiên bản nâng cấp của các món nước từ vịt như bún hay miến, lẩu vịt gồm có nồi nước dùng hầm từ xương vịt; thịt vịt cắt khúc; đồ ăn kèm như miến, bún, phở và đĩa rau sống. Khác với các món ăn trên khi thịt vịt được làm chín, kiểu dùng lẩu vịt là thịt vịt còn sống, chặt thịt khúc vừa ăn. Sau đó, thả vào nồi lẩu cho thật chín rồi thưởng thức. Lẩu vịt hiện có rất nhiều phiên bản chế biến hấp dẫn, như lẩu vịt nấu chao, lẩu vịt om sấu, lẩu vịt tía tô, lẩu vịt nấu nước dừa, lẩu vịt hầm sả.

Gia Hân tổng hợp

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/trua-nay-an-gi-bua-trua-doan-ngo-cung-nhung-mon-vit-dac-sac/