Trục lợi nhà ở xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Nghị định số 192 đã được Chính phủ ban hành chỉ sau 1 tháng kể từ ngày Nghị quyết số 201 được Quốc hội thông qua. Sự xuất hiện của nghị định này đánh dấu một bước tiến lớn trong công cuộc phát triển nhà ở xã hội.

Mới đây, Nghị định số 192/2025/NĐ-CP đã được ban hành nhằm quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị quyết số 201/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 đến 31/5/2030.

Đáng chú ý, Nghị định 192 đã thắt chặt việc kiểm soát, kiểm tra, phòng ngừa sơ hở, tham nhũng, tiêu cực, trục lợi chính sách nhà ở xã hội.

Cụ thể, chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nghị quyết số 201 hoặc Nghị định 192 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính. Thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Thanh tra Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ được giao tổ chức thực hiện, theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 201 và Nghị định 192. Kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, trục lợi chính sách. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng phạm vi, thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Những doanh nghiệp từng có kinh nghiệm làm dự án nhà ở xã hội sẽ được ưu tiên lựa chọn. Ảnh: Thanh Vũ.

Những doanh nghiệp từng có kinh nghiệm làm dự án nhà ở xã hội sẽ được ưu tiên lựa chọn. Ảnh: Thanh Vũ.

Ngoài ra, Nghị định 192 đã nêu rõ các tiêu chí ưu tiên giao chủ đầu tư trong trường hợp có từ 2 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án trở lên. Cụ thể, việc giao chủ đầu tư sẽ được xác định theo thứ tự ưu tiên lần lượt như sau:

Đầu tiên và quan trọng nhất là tiêu chí về năng lực tài chính. Nhà đầu tư có vốn chủ sở hữu phân bổ cho dự án theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản cao hơn sẽ được ưu tiên. Trường hợp nhà đầu tư liên danh, việc xác định năng lực tài chính sẽ dựa theo tổng vốn chủ sở hữu phân bổ cho dự án của các thành viên trong liên danh.

Kế tiếp là tiêu chí về kinh nghiệm. Nhà đầu tư sẽ được ưu tiên nếu đã từng làm chủ đầu tư, hoàn thành nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở với quy mô sử dụng đất và tổng mức đầu tư tương đương hoặc lớn hơn. Trường hợp nhà đầu tư liên danh thì xác định tiêu chí về kinh nghiệm theo nhà đầu tư được liên danh đề xuất làm chủ đầu tư.

Ở tiêu chí cuối cùng, việc giao chủ đầu tư sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Song hành với đó, chủ đầu tư vẫn phải đảm bảo các điều kiện đối với tổ chức kinh doanh bất động sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 của Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên và phải bảo đảm khả năng huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư…

Ngoài ra, tại Điều 11, các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã được rút gọn đáng kể, tránh sự chồng chéo. Ví dụ, thủ tục về bảo vệ môi trường sẽ được thực hiện theo nguyên tắc đồng thời, không yêu cầu bắt buộc xuất trình các văn bản này tại thời điểm trình hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng.

Ngoài ra, thủ tục thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy sẽ được lồng ghép trong thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo tinh thần của Nghị quyết 201.

Bên cạnh đó, nghị định đã hướng dẫn chi tiết về việc giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu đối với dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, việc giao chủ đầu tư đối với trường hợp dự án chưa được chấp thuận chủ trương cũng đã được nêu rõ cách thức, quy trình.

Một “cơ hội” mới cũng đang mở ra đối với các đơn vị kiến trúc, tư vấn thiết kế khi nghị định đã đề cập tới việc áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với dự án nhà ở xã hội. Theo đó, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ giao kinh phí để Sở Xây dựng tổ chức nghiên cứu, xây dựng, công bố thiết kế mẫu, thiết kế điển hình.

Trong trường hợp khác, Sở Xây dựng có thể lựa chọn việc tiếp nhận thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do tổ chức, cá nhân tài trợ hoặc do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề xuất đối với nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Nghị định số 192/2025/NĐ-CP tại đường link này.

Thanh Vũ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/truc-loi-nha-o-xa-hoi-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-d321212.html