Trực Ninh chú trọng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Với bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa, huyện Trực Ninh luôn quan tâm, chú trọng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Thông qua hệ thống di sản và thiết chế văn hóa tiêu biểu như: Bảo tàng huyện, Đền thờ liệt sĩ… các 'địa chỉ đỏ' đã trở thành điểm đến quen thuộc giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương. Đặc biệt, hoạt động giáo dục truyền thống này được triển khai đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng, góp phần bồi đắp bản sắc, hun đúc tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần trách nhiệm cho mỗi lớp học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Các cụ cao niên giới thiệu di tích Đền, Chùa Cự Trữ, xã Phương Định cho thiếu niên, nhi đồng.
Đổi mới giáo dục truyền thống
Nằm trong khuôn viên Đền Liệt sĩ huyện, Bảo tàng huyện Trực Ninh hiện lưu giữ hơn 200 hiện vật, tài liệu, hình ảnh quý giá phản ánh lịch sử đấu tranh cách mạng, làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian và quá trình phát triển của quê hương. Hàng năm, bảo tàng đón hàng trăm lượt học sinh, giáo viên đến tham quan, tìm hiểu. Thông qua các tư liệu sinh động, các em có cơ hội tiếp cận trực tiếp với lịch sử quê hương, hiểu rõ hơn về truyền thống yêu nước, tinh thần kiên cường và nền văn hóa giàu bản sắc của địa phương. Không dừng lại ở các hoạt động ngoại khóa, các trường học trên địa bàn còn chủ động lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống vào chương trình học chính khóa một cách linh hoạt. Nhiều trường đã tích cực đưa kiến thức lịch sử - văn hóa địa phương vào các môn học như: Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, Mỹ thuật… Giáo viên kết hợp nhiều hình thức truyền đạt như kể chuyện, trình chiếu tư liệu, dựng hoạt cảnh, sử dụng bản đồ, tranh ảnh di tích… giúp bài học sinh động, hấp dẫn hơn, từ đó khơi gợi sự hứng thú và tinh thần tự học trong học sinh. Ở cấp tiểu học, giáo dục truyền thống được lồng ghép thông qua trò chơi dân gian, truyện cổ tích, ca dao - dân ca, tạo cảm giác học mà chơi, chơi mà học. Nhiều trường còn đầu tư xây dựng “góc truyền thống” trong lớp học, thư viện hoặc khuôn viên trường, trưng bày hình ảnh danh nhân, sự kiện, di tích tiêu biểu của quê hương Trực Ninh. Ở bậc THCS, các hoạt động như câu lạc bộ lịch sử - văn hóa, sân khấu hóa lễ hội, thi tìm hiểu lịch sử, tái hiện các sự kiện lịch sử đang được duy trì đều đặn, tạo môi trường học tập đa dạng, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc trong học sinh. Bên cạnh đó, nhiều trường còn tổ chức các cuộc thi như vẽ tranh theo chủ đề quê hương, làm video-clip, viết nhật ký “Em kể chuyện quê em”, thi trắc nghiệm trực tuyến về lịch sử địa phương… Đây là những hình thức sáng tạo, hiện đại, giúp học sinh thể hiện cảm xúc, hiểu biết và trách nhiệm đối với di sản văn hóa quê nhà, đồng thời rèn luyện kỹ năng trình bày, tư duy độc lập. Đặc biệt, vào các dịp lễ lớn trong năm như: Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước (30/4), Quốc khánh (2/9), Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12)…, các nhà trường đồng loạt triển khai hoạt động “về nguồn”, tổ chức dâng hương tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi gia đình thương binh - liệt sĩ, người có công với cách mạng, thắp nến tri ân... Những trải nghiệm thực tế đầy xúc động đó giúp học sinh thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời nuôi dưỡng lòng biết ơn, khát vọng sống có lý tưởng và trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Dạy hát chèo tại xã Trực Cường.
Có thể nói, sự đổi mới trong giáo dục truyền thống tại Trực Ninh đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường giáo dục toàn diện. Những bài học về lịch sử, văn hóa không còn khô cứng, một chiều, mà được truyền tải sinh động, gần gũi. Qua đó, thế hệ trẻ Trực Ninh thêm yêu quê hương, tự hào về cội nguồn và sẵn sàng tiếp bước cha anh giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống trong thời đại mới.
Tri ân - mạch nguồn tiếp nối truyền thống
Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, Trực Ninh nổi bật với nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức xuyên suốt trong năm tại các xã, thị trấn. Một điểm đặc sắc trong các nghi thức dâng hương mở đầu lễ hội tại các đình, đền, chùa trên địa bàn đều có sự tham gia trang trọng của thầy và trò các nhà trường. Ở xã Phương Định, mỗi mùa xuân về, học sinh các trường tiểu học, THCS lại náo nức theo bước các thầy, cô giáo đến dự lễ hội tại cụm di tích quốc gia đền - chùa Cổ Chất và đền - chùa Cự Trữ (diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng ba âm lịch). Tại đây, các em được hòa mình vào không khí linh thiêng của lễ rước Phật, thích thú xem những trò chơi dân gian như đấu vật, cờ người, đua thuyền trên sông... Sau mỗi chuyến tham quan thực tế, học sinh còn viết bài giới thiệu về lịch sử di tích, chia sẻ cảm nhận về lễ hội quê hương và đề xuất biện pháp bảo tồn di sản. Hoạt động ý nghĩa này không chỉ giúp các em ôn lại truyền thống văn hóa dân tộc mà còn nuôi dưỡng và hình thành ý thức trách nhiệm gìn giữ những giá trị tinh thần mà cha ông để lại.
Tại thị trấn Cổ Lễ - nơi diễn ra lễ hội chùa Cổ Lễ nổi tiếng vào tháng chín âm lịch hàng năm - hình ảnh những đoàn học sinh trong trang phục chỉnh tề về dâng hương, tham quan chùa đã trở thành nét đẹp mỗi mùa lễ hội. Lễ hội chùa Cổ Lễ hấp dẫn bởi nhiều nghi thức và trò chơi dân gian đặc sắc: rước kiệu, múa rồng, múa rối nước, thi bơi chải, hát chèo... Thông qua việc tham gia lễ hội, các em được vui chơi lành mạnh, được “mắt thấy, tai nghe” những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Nhiều học sinh tỏ ra thích thú khi được tìm hiểu về kiến trúc độc đáo của ngôi cổ tự, cũng như thân thế, sự nghiệp của Quốc sư - Thiền sư Nguyễn Minh Không (Đức Thánh Tổ chùa Cổ Lễ) - người đã khai sáng ngôi chùa và tạo dựng nên các giá trị văn hóa tâm linh nơi đây.

Tiết mục văn nghệ dân gian của học sinh Trường THCS Trực Phương, xã Phương Định.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở Trực Ninh còn được vun đắp từ chính nền nếp gia đình, dòng họ. Tại xã Trực Cường, nhiều dòng họ như họ Trần, Vũ, Phạm, Hoàng… giữ gìn tục lệ vinh danh con cháu học giỏi trong ngày giỗ tổ hoặc dịp khai giảng, tổng kết năm học. Trong bầu không khí trang nghiêm tại nhà thờ tổ, các học sinh tiêu biểu được dâng hương báo công với tiên tổ, nhận phần thưởng khích lệ trước sự chứng kiến của đông đảo họ hàng. Đây là nét đẹp truyền thống ở nhiều làng quê Trực Ninh, tạo động lực để con cháu ra sức học tập, noi gương tiền nhân, đồng thời thắt chặt tinh thần “uống nước nhớ nguồn” từ mỗi gia đình, dòng họ.
Vai trò của cộng đồng địa phương cũng được phát huy rõ nét. Tại thị trấn Cát Thành, hàng năm, các trường học phối hợp tổ chức cho học sinh về thăm, dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Chí Hiếu. Những câu chuyện xúc động về sự hy sinh anh dũng của người anh hùng trẻ tuổi Lưu Chí Hiếu được kể lại, khơi dậy niềm tự hào và ý thức noi gương ở học sinh. Vào dịp lễ Quốc khánh 2/9 hay Giải phóng miền Nam 30/4, thầy và trò các trường ở thị trấn Cát Thành cùng nhau quét dọn đền - chùa Hương Cát và đền Nhất Cát Chử, chăm sóc vườn hoa cây cảnh, chuẩn bị chu đáo cho lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân. Những việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa này đã gắn kết nhà trường với cộng đồng, đồng thời giáo dục các em bài học thực tiễn về tinh thần trách nhiệm, tình yêu nơi “chôn nhau cắt rốn”.
Xác định giáo dục truyền thống là nền tảng quan trọng bồi đắp nhân cách và bản lĩnh cho thế hệ tương lai, huyện Trực Ninh đang phát huy lợi thế hệ thống di sản phong phú gắn với đổi mới phương pháp giáo dục. Việc làm này không chỉ truyền cho học sinh ngọn lửa đam mê tìm hiểu lịch sử - văn hóa dân tộc mà còn góp phần hình thành một thế hệ trẻ Trực Ninh vững vàng về lý tưởng, giàu bản sắc, sẵn sàng đem tri thức và nhiệt huyết cống hiến cho quê hương, đất nước.