Trực Ninh đẩy mạnh Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm'
Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, sự bùng phát của một số dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, cộng với giá cả nông sản bấp bênh, thời gian qua, huyện Trực Ninh luôn quan tâm, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, sự bùng phát của một số dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, cộng với giá cả nông sản bấp bênh, thời gian qua, huyện Trực Ninh luôn quan tâm, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong đó chú trọng triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Từ một doanh nghiệp trên địa bàn với 3 sản phẩm OCOP hạng 4 sao được UBND tỉnh công nhận đợt 1 năm 2019, đến nay huyện có 10 đơn vị với 19 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình COCP của tỉnh năm 2020.
Công ty Cổ phần (CP) rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng có 3 sản phẩm được xếp hạng OCOP của tỉnh đợt 1 năm 2019. Được sự tạo điều kiện của các cấp, các ngành, Cty đã tích tụ, thuê mượn của 39 hộ dân ở 2 xóm xã Trực Hùng để đưa vào sản xuất 9ha rau, củ, quả sạch ứng dụng công nghệ cao gồm trồng rau thủy canh, rau hữu cơ trong nhà màng; trồng rau hữu cơ và rau theo tiêu chuẩn VietGAP ngoài trời được đăng ký bảo hộ bản quyền; có mã vạch và tem điện tử để truy xuất nguồn gốc; tiêu thụ chủ yếu ở thị trường thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn. 3 sản phẩm được xếp hạng 4 sao OCOP gồm: rau muống, giá đỗ, rau mùng tơi của Cty luôn được khách hàng ưa chuộng. Trong đó, sản phẩm rau muống có nguồn gốc là rau muống tiến vua xứ Đoài, nay thuộc Đan Phượng (thành phố Hà Nội) được sản xuất theo quy trình VietGap, thu hoạch và đóng gói tại vườn, không sử dụng các loại thuốc kích thích và thuốc bảo quản. Rau được chăm sóc bởi phân hữu cơ của HTX Bắc Cường, xã Yên Cường (Ý Yên). Ngoài sản xuất tại trụ sở, Cty còn hợp đồng liên kết sản xuất sản phẩm với các bà: Phạm Thị Ngọc Ninh, Đoàn Thị Thắm, Vũ Hồng Thúy (Hải Hậu), bà Lại Thị Loan (Nghĩa Hưng). Tổng sản lượng rau muống mỗi năm Cty sản xuất đạt 126 tấn, với giá bán trung bình 16.500 đồng/kg. Giống rau mùng tơi của Cty nhập từ Israel đã được thuần hóa, lá dày, màu xanh đậm, phiến lá to, thân mập, thường được trồng dày để dễ cắt tỉa cành non, ít nhớt và cho năng suất cao. Rau được thu hoạch và đóng gói tại vườn, trong quá trình sản xuất tăng cường sử dụng phân lót hữu cơ, kiểm soát bổ sung dinh dưỡng qua hệ thống nước tưới nhỏ giọt; sâu bệnh được phòng ngừa và kiểm soát bằng biện pháp ngăn chặn nguồn bệnh nhờ hệ thống nhà màng. Sản phẩm rau mồng tơi của Cty được khách hàng ưa chuộng, được phấn phối tại các siêu thị CO.OP mart; hệ thống siêu thị Big C ở Hà Nội. Sản phẩm giá đỗ của Cty được đánh giá 4 sao do quy trình sản xuất bằng chế phẩm sinh học an toàn, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình ngâm hạt giống, ủ hạt, phát triển mầm giá, tưới rửa để giá đỗ tươi, ngon, an toàn. Mặc dù huyện Trực Ninh có 3 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao của tỉnh, nhưng kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về sản xuất ngành nông nghiệp của huyện. Được xác định là trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh nên khi triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện đã tổ chức sớm công tác dồn diền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tổ chức các mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Huyện chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Một số doanh nghiệp như Cty TNHH Cường Tân, Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, Cty TNHH Chăn nuôi Phúc Hải, Cty TNHH Minh Dương... được chính quyền các cấp tạo điều kiện đã mạnh dạn đầu tư thuê đất của các hộ nông dân, đất công của xã, quy hoạch thành vùng sản xuất lớn, tập trung, đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc áp dụng vào các khâu sản xuất, đổi mới công nghệ, đặc biệt đã liên kết với hơn 30 HTX và nhóm hộ nông dân trong huyện hình thành một số chuỗi liên kết, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Bên cạnh các doanh nghiệp, nhiều hộ gia đình cũng mạnh dạn đầu tư liên kết sản xuất như anh Nguyễn Văn Thục ở xã Trực Thái nuôi lợn bằng thức ăn thảo dược, trang trại nuôi lợn theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP của bà Ngô Thị Thắm ở xã Trực Thuận... Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, sản xuất nông nghiệp huyện từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác của huyện đến nay đạt trên 110 triệu đồng/ha. Việc chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đạt chuẩn OCOP giai đoạn đầu có nguyên nhân chính là việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp còn diễn ra chậm, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa cao; công tác tuyên truyền về OCOP chưa mạnh mẽ, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đăng ký.
Xác định việc triển khai có hiệu quả chương trình OCOP là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, từ giữa năm 2019 đến nay huyện đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát các sản phẩm tiêu biểu; tổ chức tập huấn hướng dẫn nội dung chương trình OCOP đến các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình. Trên cơ sở đăng ký sản phẩm tham gia của các doanh nghiệp, các cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn, xây dựng dữ liệu sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu khắt khe mà OCOP đưa ra. Đã có 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với 19 sản phẩm tiêu biểu được huyện chọn tham gia Chương trình OCOP của tỉnh năm 2020, trong đó, đi đầu về số lượng vẫn là Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh với 9 sản phẩm, tiếp sau là Cty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng với sản phẩm gạo Nhật và gạo Hương Cốm. Có 2 HTX nông nghiệp tham gia là HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trực Tuấn với sản phẩm gạo nếp, HTX nấm Nhật Bằng ở xóm 5 xã Trực Thái với sản phẩm nấm. Các cơ sở sản xuất tư nhân chiếm số lượng 5/10 đơn vị tham gia gồm sản phẩm dầu lạc của cơ sở sản xuất Lân Hiền ở tổ dân phố Bắc Phú, thị trấn Cát Thành; kẹo vừng lạc của cơ sở sản xuất kẹo vừng lạc Vũ Thịnh, tổ dân phố Đạo Đường, thị trấn Ninh Cường; sản phẩm mắm tôm của ông Lưu Văn Trung, xóm 22 và ông Trần Văn Định, xóm 18 xã Trực Hùng; sản phẩm trứng gà sạch của ông Nguyễn Văn Phúc, xóm 15 xã Trực Hùng. Nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đã xây dựng thương hiệu lâu năm, được khách hàng đánh giá cao. Thịt lợn sạch của trang trại Hiền Thục do anh Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái được khách hàng đánh giá cao. Do nuôi bằng phương pháp hữu cơ kết hợp thảo dược nên thịt lợn sạch, tươi ngon được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Nam Định, Hà Nam và Hà Nội với quy mô mỗi năm 70-80 tấn. Đặc biệt, từ tháng 8-2019, anh Thục đã xây dựng cửa hàng bán nông sản sạch tại xã Trực Thái để bán sản phẩm nông sản sạch VietGAP và OCOP tới tay người tiêu dùng. Mỗi ngày, cửa hàng bán từ 150-200kg thịt lợn hơi, giá bán 100 nghìn đồng/kg. Để mở rộng phát triển sản xuất, anh gặp gỡ những hộ chăn nuôi lợn xây dựng tổ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị. Từ tổ hợp tác đến nay đã phát triển thành HTX chăn nuôi lợn sạch, trong đó anh Nguyễn Văn Thục đã được các thành viên trong HTX bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành. Anh Nguyễn Văn Thục cho biết: tham dự Chương trình OCOP là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm thịt lợn sạch, thu hút thêm khách hàng đồng thời là cơ hội tạo thêm nguồn sinh kế cho thành viên tham gia HTX.
Việc xây dựng các sản phẩm OCOP đã đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tạo sự đa dạng cho nông sản đặc trưng của huyện Trực Ninh, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và nâng cao thu nhập của nông dân; tạo đà để người dân vùng nông thôn tập trung phát triển và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mà mình tạo ra./.
Bài và ảnh: Thanh Ngọc